Tại sao nên để con mình... thất bại?

Là cha mẹ, điều quan trọng là chúng ta không để bản năng bao bọc con cái cướp đi những cơ hội để trẻ trải nghiệm 'đường vinh quang không trải bước trên hoa hồng'. Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn con cái thành công nhưng khi chúng tìm kiếm con đường đi để dẫn đến thành công, quan trọng là cho trẻ thấy, thất bại là một phần của hành trình, không phải là điểm kết thúc.

Đại dịch COVID-19 cũng như sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ càng khiến tương lai trở nên khó dự đoán định. Đối mặt với những khó khăn và thách thức của tương lai bất trắc, mỗi quốc gia và toàn cầu lại càng cần hơn những công dân có thể kiến tạo cuộc đời chính mình, từ đó đóng góp vào sự phát triển của nhân loại.

Trong tiến trình đó, vai trò của cha mẹ không chỉ nằm ở việc cung cấp nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng con cái khỏe mạnh, an toàn mà còn là trách nhiệm yêu thương trẻ vô điều kiện, ủng hộ đam mê - sở thích của trẻ, dạy trẻ những kỹ năng và giá trị để thúc đẩy tính độc lập, tự chủ cũng như chuẩn bị cho chúng một cuộc đời viên mãn, ý nghĩa.

Trong đó, việc nuôi dạy con trở thành những đứa trẻ can đảm, kiên cường, sẵn sàng đối mặt với thách thức, sẵn sàng thất bại để trưởng thành được xem là một trong những yếu tố then chốt.

Ảnh L.G.

Ảnh L.G.

"Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới"

Nếu dành một buổi chiều để quan sát sân chơi ở các chung cư, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng: Ông bà và người giúp việc chạy theo đứa trẻ 2 hoặc 3 tuổi dỗ dành đút cơm, bón cháo. Hình ảnh quen thuộc ở khắp cổng trường cấp 2, 3 thậm chí đại học là các ông bố, bà mẹ chen chúc đưa đón con đi học. Bức ảnh những cô cậu học sinh cấp 2 nặng 50 ký vẫn ngồi yên trên xe để bố, mẹ dắt bộ đẩy xe một mình trong nước ngập sau cơn mưa tầm tã thường xuyên xuất hiện trên truyền thông.

Có nhiều câu chuyện kể về một số du học sinh phải bỏ học về nước vì không thể thích ứng với văn hóa tự lập khi rời vòng tay cha mẹ. Một số sinh viên đại học trong nước thì được thuê căn hộ chung cư đủ đầy đồ đạc với người giúp việc theo giờ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Đến nỗi, thanh niên 22 tuổi không biết cách giặt ủi quần áo, nấu bữa cơm đơn giản, chăm sóc bản thân khi đau ốm, chưa nói đến việc phải đối mặt với các khó khăn, thách thức lớn lao hơn trong cuộc sống.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ) nhận xét: "Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới" vì cha mẹ quá bao bọc con. Không chỉ bao bọc khi con còn nhỏ, mà khi con đã trưởng thành, cha mẹ vẫn can thiệp vào cuộc sống của con từ những chuyện lớn như cưới vợ gả chồng, xây nhà mua đất đến rất nhiều việc cỏn con khác như đi chơi, ăn uống hằng ngày".

Nhiều cha mẹ không quan tâm hoặc không biết cách nuôi dạy con mình trở thành một cá nhân độc lập, tự chủ, biết cách chuẩn bị cho cuộc sống, thành thạo các kỹ năng mềm để bước vào đời như một người trưởng thành. Thay vào đó, họ thiết kế cuộc đời con mình bằng cách chạy theo điểm số thành tích giải thưởng miễn sao thỏa mãn được danh tiếng của họ với làng xóm, đồng nghiệp.

Hậu quả của cách nuôi dạy bao bọc, can thiệp quá mức là sự ra đời của thế hệ yếu ớt, phụ thuộc cả về thể chất lẫn tinh thần, không có kỹ năng xử lý các tình huống khó khăn của đời sống, từ đó dẫn đến thất bại, thậm chí những cách xử trí tiêu cực như sa đà tệ nạn xã hội hay tự tử.

Một số vụ án nữ sinh vứt trẻ sơ sinh từ tầng cao chung cư hay nhét khe tường, bỏ giữa ruộng rau một phần xuất phát từ việc thiếu kỹ năng phòng tránh thai cũng như không được trang bị cách đối mặt với khó khăn. Những cái chết thương tâm của một số học sinh khi thi trượt đại học hoặc bị điểm kém cũng là vì các em chưa bao giờ được dạy thất bại hay sai lầm là một điều hết sức bình thường, rằng đó là cơ hội để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và tiếp tục tiến lên.

Có những cuộc hôn nhân đổ vỡ vì người đàn ông lớn lên trong văn hóa “trọng nam khinh nữ”, được chăm sóc, chiều chuộng, bao bọc nên không biết đến tính chịu trách nhiệm với bản thân, chưa nói đến trách nhiệm với người khác. Chính vì thế, nhiều người U40 sa đà cờ bạc, rượu chè, ngoại tình, rồi sống phụ thuộc vào sự chu cấp chỉ đạo của bố mẹ, không tự chủ và tự quyết được cuộc đời cũng như hôn nhân, sự nghiệp.

Ảnh L.G.

Sợ hãi thất bại và thiếu khả năng đối phó với những thách thức không chỉ là vấn đề với nhiều người trẻ Việt Nam mà còn là hiện tượng toàn cầu gia tăng ở mọi quốc gia, trong đó có cả những đất nước tự hào về văn hóa nuôi dạy những đứa trẻ độc lập, tự chủ như Mỹ. Hiện tượng cha mẹ “trực thăng”, “gạt tuyết” miêu tả về cách can thiệp quá mức vào đời sống con trẻ đang gia tăng đáng báo động ở Mỹ.

Nhà tâm lý và tác giả Madeline Levine nói chuyện với hàng nghìn phụ huynh thuộc mọi tầng lớp trên khắp nước Mỹ nhận ra kiểu cha mẹ làm tổn hại con trẻ: “Làm thay con tất cả những điều chúng có thể làm hoặc gần như có thể làm; Hành vi của cha mẹ thúc đẩy bởi cái tôi của chính họ chứ không xuất phát từ nhu cầu bên trong của đứa trẻ. Cách làm này đã tước đi của đứa trẻ những cơ hội được sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng đối mặt, nhận là mình thực sự là ai, điều gì khiến mình hạnh phúc. Nói một cách khác, cha mẹ đã tước đi của con trẻ cơ hội trở thành con người thực sự”.

Tiến sĩ Karen Able, một nhà tâm lý học được đưa ra quan điểm tương tự: Khi đứa trẻ không được trao cơ hội để vật lộn với các khó khăn thì chúng sẽ không học được cách giải quyết vấn đề. Chúng không học được cách tự tin với khả năng của chính mình và điều đó có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn của trẻ. Một vấn đề khác là nếu trẻ chỉ bước đi trên một con đường trải hoa hồng thì chúng sẽ có thể sợ hãi hoặc không dám đối mặt với khó khăn. Tự ti và sợ thất bại đều dẫn đến cảm giác thất bại và lo lắng là những tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Tại sao nên để con thất bại?

Anh Ngọc, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nhớ lại câu chuyện cách đây 15 năm, khi anh mới là một sinh viên vừa bước chân khỏi cổng trường đại học: Tôi vướng phải một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người đàn ông tử vong nhưng phần lỗi không phải do tôi. Dù vậy, cú sốc lần đầu trong đời khiến tôi òa khóc. Nhưng, ngay sau đó, cuộc điện thoại của bố tôi với câu đầu tiên là: “Bố thương con” đã kéo tôi trở lại. Trước đó, tôi rất sợ bố vì bố vốn rất khắt khe và yêu cầu rất cao trong mọi việc nhưng sự bao dung của ông đã giúp tôi bình tâm. Tình yêu, sự chia sẻ của của bố đã khiến tôi không còn sợ hãi và thoải mái tâm sự với ông mỗi khi mắc sai lầm hoặc cần ra quyết định quan trọng.

Đến giờ, khi đã có những đứa con, anh Ngọc vẫn luôn dành cho con cơ hội mắc sai lầm và điều cần dạy chúng là cách đối mặt và chịu trách nhiệm trước mỗi sai lầm đó. “Muốn ăn bánh ngon, tôi sẽ chấp nhận việc tốn rất nhiều bột để con có thể làm hỏng nhiều mẻ bánh mà vẫn có thể nói với tôi: "Con làm hỏng xong con đổ đi rồi". Và, mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi chỉ cười bảo: "Sao không bảo bố mua bột khác?" - anh chia sẻ.

Theo anh Ngọc, sai lầm là cách rút ngắn quá trình đào tạo một cách nhanh nhất mà không trải nghiệm lý thuyết nào có thể thay thế. Cách tốt nhất để có thể làm chỉ là chuẩn bị ra các khả năng có thể xảy ra, giống như việc con tập xe đạp có thể bị ngã, có thể trầy xước nhưng nếu vì sợ trầy xước sẽ không thể biết đi xe đạp. Việc của bố mẹ là yêu thương - bao dung đúng lúc để giúp con gạt bỏ nỗi sợ hãi và tự tin đứng lên làm lại.

Ảnh L.G.

Esther Wojcicki - mẹ của CEO YouTube Susan Wojcicki và Giám đốc điều hành 23andMe Anne Wojcicki, tác giả cuốn sách “Nuôi dạy con thành công” cũng cho rằng thất bại là một phần tất yếu của quá trình trưởng thành.

Cuộc đời của bà Esther Wojcicki - con gái của một gia đình nhập cư nghèo khổ đến từ Đông Âu, trải qua tuổi thơ bị bạo hành và đối mặt nhiều nghịch cảnh, đã vươn lên trở thành một giáo viên nổi tiếng, nuôi dạy ba con gái thành công là nhờ: “Tôi thực sự đã mang tinh thần của một chiến binh trong quá trình lớn lên. Có quá nhiều điều tồi tệ đã xảy ra trong cuộc đời tôi nhưng tôi luôn dạy các con của mình, hoặc là các con để những chuyện tồi tệ đó kiểm soát mình, hoặc là các con sẽ khiến quãng đời còn lại thực sự là những tháng ngày tươi đẹp. Vượt qua nghịch cảnh khiến chúng ta mạnh mẽ hơn và những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn cuối cùng sẽ hình thành được lòng can đảm, tính kiên cường, lòng nhẫn nại và những kỹ năng sống tốt đẹp khác”.

Trong bài báo tựa đề “The secret to success is failure” (Bí mật của thành công chính là thất bại) trên New York Times, tác giả Paul Tough cũng chia sẻ: “Nghịch lý chủ yếu của việc làm cha mẹ thời nay là: chúng ta có một sự thôi thúc rõ ràng, gần như là về mặt sinh học, được chu cấp cho con cái, trao cho con mọi thứ chúng muốn và cần, bảo vệ chúng khỏi hiểm nguy và những thứ bất tiện, thiếu thoải mái, cả lớn lẫn nhỏ.

Và dù chúng ta đều biết rằng - ít nhất, ở một chừng mực nào đó - thứ mà trẻ cần hơn bất cứ điều gì là một chút khó khăn: một chút thử thách, một chút thiếu thốn để trẻ có thể vượt qua, thậm chí, chỉ để chứng minh với chính bản thân chúng rằng, chúng có thể vượt qua.

Là cha mẹ, điều quan trọng là chúng ta không để bản năng bao bọc con cái cướp đi những cơ hội để trẻ trải nghiệm “đường vinh quang không trải bước trên hoa hồng”. Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn con cái thành công nhưng khi chúng tìm kiếm con đường đi để dẫn đến thành công, quan trọng là cho trẻ thấy, thất bại là một phần của hành trình, không phải là điểm kết thúc.

Thất bại là chướng ngại vật cần thiết trên đường đi. Và nếu chúng ta không để trẻ thấy chúng ta từng thất bại ra sao hay để trẻ tự trải nghiệm thất bại (trong sự hiện diện để đảm bảo an toàn của chúng ta), trẻ có thể không bao giờ có được tinh thần, ý chí vững vàng mà vượt qua thất bại của chính mình”.

Dạy con “kiên tâm bền chí” như thế nào?

1- Dạy trẻ tư duy phát triển: GS Carol Dweck (Đại học Stanford), tác giả của cuốn sách “Tâm lý học thành công” tiết lộ, trước tiên, phụ huynh phải kiến tạo cho con trẻ tư duy phát triển.

Theo Carol Dweck, có 2 loại tư duy: cố định và phát triển. Người có tư duy cố định tin rằng tài năng bẩm sinh đã được định sẵn (sinh ra đã có) và không có khả năng thay đổi. Ngược lại, người có tư duy phát triển tin rằng con người có thể thành công nếu làm việc chăm chỉ, tập trung và khi gặp thất bại thì cũng chẳng có lý do gì để từ bỏ.

“Kỹ năng trí tuệ có thể xây dựng được thông qua các cố gắng. Những người có tư duy phát triển không cảm thấy nản lòng vì thất bại, họ thậm chí còn chẳng nghĩ rằng họ thất bại. Họ nghĩ rằng họ đang học hỏi”.

Như vậy, nghiên cứu của Dweck đã tiết lộ nếu bạn dạy cho một người biết cách làm thế nào để có tư duy phát triển thì người đó sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về ý nghĩa của thách thức cũng như thất bại. Tư duy phát triển tạo cho chúng ta lòng can đảm và lòng can đảm là thứ có thể học hỏi được chứ không phải tính cách cố định nằm trong gen.

Những đứa trẻ được cha mẹ tôn trọng các các quan điểm, sở thích; được khuyến khích theo đuổi những gì chúng cảm thấy hứng thú và tự đặt ra mục tiêu; được dạy cho việc khi cảm thấy mệt mỏi, chán nản, muốn buông xuôi thì hãy lùi lại để suy nghĩ về sự học hỏi, về thách thức, về việc đối mặt với trở ngại và hãy coi nỗ lực là một điều tích cực và có ích chứ không phải là trở ngại lớn thì sẽ trở thành những con người thành công.

Ảnh L.G.

2- Rèn khả năng tự kiểm soát: Những nghiên cứu giáo dục gần 50 năm qua cũng chỉ rõ: Khả năng tự kiểm soát bản thân của một đứa trẻ gắn với sự can đảm và kiên cường chính là điều quan trọng nhất để quyết định thành công, hạnh phúc lâu dài của nó về sau.

Cha mẹ có thể dạy cho con khả năng tự kiểm soát qua những thói quen hằng ngày như chờ cơm, chơi cờ, chờ đến lượt khi xếp hàng, hoàn thành bài tập hoặc việc nhà mới được giải trí. Khi trẻ đòi hỏi mua một thứ gì đó hay làm một việc gì đó, bố mẹ hãy với trẻ: “Bố/mẹ biết con muốn thứ đồ chơi này (hoặc làm việc này) nhưng hãy suy nghĩ kỹ vì sao con muốn nó, nó có thực sự tốt không? Sau đó chúng ta sẽ cùng cân nhắc xem nhé”.

3- Yêu thương và gắn kết: Một trong những bí quyết xây dựng sự kiên cường được đề xuất thêm là sự gắn kết của cha mẹ trong cuộc đời của đứa trẻ. Khi trẻ đi học về và bố mẹ về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, hãy bỏ điện thoại, tắt tivi, gạt công việc sang một bên để kết nối thực sự với con bằng ánh mặt, nụ cười, cái ôm, câu trò chuyện... Sự thân thiết này giúp trẻ hiểu rằng bạn luôn hiện diện ở đây và yêu thương chúng.

Trong bữa ăn, trên đường đưa con đến trường, trước khi đi ngủ hãy quan tâm đến các sở thích, ý tưởng, trải nghiệm, mối lo lắng... của con bằng những câu hỏi như “Ngày hôm nay của con thế nào?”, “Tại sao con lại vui, hay buồn?”, “Con đang quan tâm đến điều gì?”.

Mỗi khi con gặp khó khăn hay thất bại, hãy ngồi cạnh con, lắng nghe câu chuyện của chúng, chia sẻ các cảm xúc, giúp con giải tỏa tiêu cực, nói cho chúng bạn cũng đã trải qua điều tương tự như thế nào và bạn đã vượt qua ra sao. Không đổ lỗi, cũng không phán xét người khác, bạn hãy dạy con chịu trách nhiệm với chính mình và nỗ lực vượt qua bằng sự quyết tâm của bản thân

4- Để con “ngã”: Cha mẹ hãy lùi lại phía sau để con tự lựa chọn và chịu trách nhiệm cho những việc chúng có thể đảm nhiệm như mặc quần áo thế nào, phải làm sao để đủ ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, tự xoay xở với việc làm bài tập hoặc phải làm gì nếu quên cặp sách, tài liệu ở trường, đến trường như thế nào để không muộn giờ...

Mỗi thử thách nhỏ con tự mình tìm cách vượt qua sẽ là một cơ hội để con phát triển kỹ năng, học cách tin tưởng vào phán đoán của mình, chịu trách nhiệm với các lựa chọn và đối mặt với các tình huống khó khăn. Hãy để trẻ rủi ro và sai lầm, đó là cách duy nhất để học và trưởng thành. Tuy nhiên, sau khi đã nỗ lực mà con bạn vẫn làm việc gì đó không hiệu quả thì cha mẹ cần dạy chúng biết rằng từ bỏ hay chấp nhận thất bại là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Học cách thất bại thật nhanh, tìm hiểu nguyên nhân, nhanh chóng thừa nhận thất bại, điều đó thể hiện sự khôn ngoan.

“Thất bại là một phần cần thiết của quá trình học hỏi, mà muốn học, bạn phải tự mình làm. Đa số mọi người đều làm hỏng cái gì ở một thời điểm nào đó nhưng người biết đứng lên và tiếp tục chính là người cuối cùng sẽ thành công” - nhà giáo Esther Wojcicki chia sẻ.

Một số sai lầm và sự cố bạn phải để trẻ trải nghiệm như không được mời đến dự tiệc sinh nhật, trải nghiệm cái chết của vật nuôi hoặc người thân trong gia đình, làm vỡ đồ vật có giá trị, ôn luyện miệt mài nhưng vẫn bị điểm kém, cây hoặc hoa tự chồng héo chết, lớp học hoặc trại hè hết chỗ, lỡ một sự kiện vui vì phải giúp việc nhà, bị đổ lỗi cho một việc mình không làm, bị sa thải tại chỗ làm thêm, đến muộn và bị phê bình, bị đánh hoặc bị bắt nạt...

5- Giáo dục lẽ sống: Văn hóa và môi trường giáo dục thời nay đang quá tập trung vào điểm số, giải thưởng, thành tích của học sinh thay vì giáo dục chúng trở thành những con người có phẩm chất và tính cách. “Tại sao con phải học hành chăm chỉ?”. Không khó khi đoán được đáp án chung cho câu hỏi này “là để được điểm cao, vào đại học danh tiếng hoặc du học, có việc làm, thu nhập, kiến tạo sự nghiệp vẻ vang”.

Ít ai trả lời cho con cái không phải điểm số hay thành tích mà chính là cách trở thành một con người chính trực, tử tế, giàu lòng trắc ẩn và bao dung, dấn thân cho những điều khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, mới là một con đường đem đến hạnh phúc đích thực. Vậy thì bằng cách hỗ trợ cho con sẵn sàng thử nghiệm, thất bại, đứng lên, trải nghiệm nhiều cách sống trong một cuộc đời để tìm ra đam mê và mục đích sống, chính là một cách để cha mẹ xây dựng cho con sự kiên cường.

Mục đích sống như một nhà giáo dục người Úc đã chỉ ra chính là có một công việc để làm, một ai đó để yêu và một mục tiêu để theo đuổi. Bên cạnh đó, việc khen ngợi con khi làm một điều tốt hoặc cho con tham gia vào những hoạt động cộng đồng, làm từ thiện cũng là chất xúc tác giúp con phát triển phẩm chất nhân ái.

6- Làm gương: Một trong những cách tốt nhất để phát tiển sự kiên cường của đứa trẻ chính là việc chúng được chứng kiến cha mẹ mình đối mặt và vượt qua khó khăn như thế nào.

GS Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con đối mặt với thách thức bằng cách nhìn vào tấm gương cha mẹ trên tờ Quân đội nhân dân: “Hiếu (PGS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội, GĐ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) sinh năm 1972, có hoàn cảnh ra đời rất đặc biệt. Có bầu chưa được một tháng, vợ tôi đã xung phong đi chiến trường Quảng Trị, tôi thì tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Chúng tôi vẫn giữ bức ảnh chụp vợ tôi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Hiếm trường hợp nào đang mang thai mà xung phong đi chiến dịch, không những thế lại là con gái một bộ trưởng, mọi điều kiện đều đang rất tốt. Nhưng, vợ tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình là bộ đội mà không đi chiến trường thì vô lý. Tôi lúc bấy giờ lo lắm, đến khi bụng rất to, vợ tôi mới trở về sinh cháu. Bức ảnh và câu chuyện đó khiến Hiếu sau này, khi lớn lên, thấy mẹ mình sống như thế, tự cháu suy nghĩ mình phải sống thế nào cho xứng đáng”.

Thu Phương

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tai-sao-nen-de-con-minh-that-bai-614402/