Tại sao Mỹ quyết chặn một công ty Nhật bán tài sản cho công ty Trung Quốc?

Chính quyền Tổng thống Trump đã không ngừng sử dụng ủy ban đầu tư nước ngoài như một vũ khí chống lại các thương vụ có liên quan đến Trung Quốc.

Ảnh: Reuters

Một ủy ban thuộc chính phủ Mỹ đã ngăn công ty Lixil - một công ty lớn của Nhật trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bán một chi nhánh đang làm ăn thua lỗ tại Italy cho một công ty Trung Quốc, diễn biến mới nhất này cho thấy căng thẳng thương mại tiềm ẩn rủi ro với hoạt động doanh nghiệp liên biên giới như thế nào, theo tin từ Nikkei.

Trong ngày thứ Hai, Lixil công bố rằng Ủy ban phụ trách đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một cơ quan thuộc quản lý của Bộ Tài chính Mỹ, đã không chấp thuận cho việc công ty bán chi nhánh công ty Permasteelisa thuộc Lixil cho công ty xây dựng Trung Quốc có tên Grandland Holdings. Lixil cho bết công ty đang cân nhắc thêm một số lựa chọn tương lai và chưa hề từ bỏ ý định bán công ty nói trên.

CFIUS có khả năng chặn hoạt động thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài với lý do bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ, cho đến nay, ủy ban chủ yếu tập trung vào các thương vụ trong một số ngành nhạy cảm ví như viễn thông hoặc thực phẩm, nhưng cho đến nay, lĩnh vực mừ CFIUS quan tâm đã được mở rộng.

Trong tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua luật cho phép CFIUS được xem xét các thương vụ trong 27 ngành, trong đó có bao gồm cả ngành bán dẫn.

Permasteelisa thu được hơn 40% doanh thu từ thị trường các nước châu Mỹ. Permasteelisa chuyên cung cấp các vật liệu bên ngoài tòa nhà - một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Công ty từng cung cấp hơn 2.000 tấm kính để lắp bên ngoài tòa nhà trung tâm thương mại New York cũng như cung cấp vật liệu cho trụ sở của Apple tại California cũng như bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Manhattan.

Giám đốc tài chính của Lixil, ông Sachio Matsumoto, khẳng định rằng cuộc chiến thương mại chắc chắn là nguyên nhân đằng sau động thái mới nhất này từ phía Mỹ.

Trong khoảng thời gian 1 năm kết thúc vào tháng 3/2019, Lixil nhiều khả năng sẽ có lợi nhuận ròng ước chừng 23,5 tỷ yên tương đương 208 triệu USD. Việc Lixil không bán được công ty Italy đang thua lỗ trên chắc chắn sẽ tác động đến lợi nhuận của hãng.

Lixil, công ty nổi tiếng với hai thương hiệu Inax và American Standard, trong ngày thứ Hai đã hạ dự báo lợi nhuận ròng xuống 1,5 tỷ yên từ mức 50 tỷ yên theo công bố trước đó.

Lixil đã mua lại Permasteelisa vào năm 2011 với giá 575 triệu USD. Tháng 8/2017, Lixil công bố sẽ bán Permasteelisa cho công ty Grandland trụ sở tại Thượng Hải.

Chính quyền Tổng thống Trump đã không ngừng sử dụng CFIUS như một vũ khí chống lại các thương vụ có liên quan đến Trung Quốc. Công ty Ant Financial thuộc tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và công ty MoneyGram của Mỹ đã không thể sáp nhập vào tháng 1/2018 bởi vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/tai-sao-my-quyet-chan-mot-cong-ty-nhat-ban-tai-san-cho-cong-ty-trung-quoc-3476384.html