Tại sao Mỹ không muốn làm trung gian hòa giải Nhật - Hàn?

Dù hai đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc nguy cơ rơi vào cuộc chiến thương mại nhưng Mỹ có vẻ như không muốn làm trung gian hòa giải.

Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn đang đe dọa chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử toàn cầu

Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn đang đe dọa chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử toàn cầu

Hai đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc đang có nguy cơ rơi vào cuộc chiến thương mại có thể hủy diệt lẫn nhau về kinh tế. Đây không phải lần đầu hai nước này căng thẳng với nhau nhưng Hoa Kỳ có vẻ không muốn trở thành một trung gian hòa giải.

Đe dọa đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu

Căng thẳng Nhật - Hàn nổ ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ áp dụng hạn chế xuất khẩu đối với 3 loại vật liệu công nghệ cao tối quan trọng cho Seoul, sử dụng trong sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình gồm: Fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) với cáo buộc Hàn Quốc có hệ thống kiểm soát xuất khẩu không đáng tin cậy. Trong khi đó, Seoul dự định hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản để trả đũa đồng thời làn sóng tẩy chay hàng Nhật tại Hàn đang lan rộng.

Hiện nhiều hãng công nghệ Hàn Quốc như: Sumsung, LG Display... phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các loại vật liệu công nghệ của Nhật Bản (hơn 90%). Đây là những vật liệu quan trọng nhất để tạo ra màn hình OLED trên cả TV, smartphone và những linh kiện bán dẫn.

Như vậy, một cuộc chiến thương mại Nhật - Hàn có thể làm đình trệ chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tới các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn như Apple, Huawei,...

Đây không phải lần đầu tiên Nhật, Hàn Quốc mâu thuẫn, hai nước luôn đứng ở hai phía khác nhau trong 3 vấn đề nhạy cảm - vấn đề phụ nữ mua vui, bồi thường cho lao động Hàn Quốc buộc phải làm việc cho các công ty Nhật trong Thế chiến thứ II và vụ tàu chiến Hàn Quốc bị cáo buộc khóa mục tiêu nhằm vào trinh sát cơ P-1 đang hoạt động trên Biển Nhật Bản. Chỉ có điều, lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không mấy quan tâm tới việc làm trung gian hòa giải cho hai đồng minh quan trọng nhất của Washington tại Đông Bắc Á.

Ba lý do

Trước hết, có lẽ, chính quyền ông Trump đã phá vỡ những chính sách trước đây của Mỹ về Triều Tiên. Trong cuộc đối thoại trực tiếp và mở với Bình Nhưỡng, Washington đã từ bỏ truyền thống dùng Triều Tiên để tăng cường quan hệ Nhật - Hàn - Mỹ.

Ông Trump hy vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên và giảm quy mô tập trận quân sự với Hàn Quốc.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga đều đang nỗ lực thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên, trong khi đó, Tokyo lại nhấn mạnh vấn đề Triều Tiên bắt giữ công dân Nhật.

Điều đó cho thấy Hàn và Nhật có những mong đợi khác nhau trong chính sách của Washington về Bình Nhưỡng. Vì vậy, đối với Washington, can thiệp vào quan hệ giữa Tokyo - Seoul đồng nghĩa Mỹ sẽ phải chọn một trong hai bên.

Thứ hai, Mỹ đã thất bại trong việc củng cố quan hệ Nhật - Hàn để xây dựng liên minh ba phương. Dù Mỹ cố thúc đẩy mối quan hệ gần giống như liên minh ba bên và Tokyo cùng Seoul sẽ đạt thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo nhưng sự hợp tác quốc phòng giữa Nhật - Hàn không thể thân thiết hơn vì vướng mắc nhiều vấn đề lịch sử, sự mất lòng tin chính trị và những tranh chấp chủ quyền.

Ngoài ra, việc thành lập liên minh ba bên đồng nghĩa ba nước hợp nhất về quân sự. Điều này sẽ tạo ra thế đối đầu mạnh mẽ với Triều Tiên, Trung Quốc và Nga, dẫn tới những căng thẳng trong khu vực trong khi bản thân mối quan hệ giữa Mỹ, Trung và Nga vốn đã không dễ dàng. Do đó, sự lựa chọn tốt nhất cho Washington đó là duy trì liên minh song phương với cả Seoul và Tokyo.

Thứ ba, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra gần như thường kỳ, liên quan tới các vấn đề về lịch sử và sự đổi ngôi vị thế quyền lực tại khu vực Đông Bắc Á nên Washington không thể giúp đỡ nhiều.

Với việc Trung Quốc nổi lên và sự phát triển nhảy vọt về kinh tế của Hàn Quốc sau Chiến tranh Lạnh, nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng có quan hệ thân thiết với Trung Quốc dù vẫn duy trì quan hệ liên minh với Mỹ.

Seoul sẽ phải nghĩ nhiều hơn đến triển vọng của Trung Quốc cũng như của chính họ và ít hơn về triển vọng của Mỹ và Nhật. Đối với Mỹ, việc can thiệp vào các vấn đề lịch sử cũng như chủ quyền lãnh thổ giữa Nhật - Hàn cũng tương tự như việc họ buộc phải chọn phe nên Washington không muốn tham gia.

Mặt khác, điều này cho thấy, khả năng kiểm soát của Mỹ với hai cường quốc Đông Bắc Á đang suy yếu hay nói cách khác, Nhật và Hàn Quốc đang trở nên độc lập chiến lược.

Tuy nhiên, theo Global Times, thách thức cũng sẽ tạo ra sự sáng tạo và cơ hội. Đối với Mỹ, việc phát triển của cấu trúc an ninh tương đối tại Đông Bắc Á đồng nghĩa họ có thể duy trì lợi ích lâu dài và sự hiện diện tại khu vực.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tai-sao-my-khong-muon-lam-trung-gian-hoa-giai-nhat-han-d427564.html