Tại sao Microsoft không từ bỏ Cortana?

Bất chấp những khó khăn hiện tại, Microsoft vẫn không từ bỏ trợ lý ảo Cortana mà còn đang tập trung đẩy mạnh công nghệ này.

Cortana sử dụng ở đâu?

Harman Kardon Invoke đang là chiếc loa thông minh hỗ trợ tính năng Cortana của Microsoft, tuy nhiên mức phổ biến của nó là rất thấp. Trong quý 4/2017, Harman Kardon chỉ bán được 30.000 chiếc Invoke, con số thấp hơn nhiều lần so với 9,7 triệu chiếc Echo mà Amazon bán ra.

Harman Kardon Invoke là loa thông minh hiếm hoi có hỗ trợ Cortana - Ảnh: Harman Kardon

Trong khi đó mỗi máy tính Windows 10 đều có hộp Cortana lớn bên cạnh nút Start. Microsoft cho biết có hơn 150 triệu người sử dụng Cortana, nhưng không rõ liệu những người đó có thực sự sử dụng Cortana làm trợ lý giọng nói hay chỉ sử dụng nó để gõ tìm kiếm trên Windows 10. Trên máy tính Windows, một trợ lý giọng nói ít hữu ích hơn so với smartphone hoặc loa thông minh.

Microsoft dường như không nghiêm túc trong việc thúc đẩy Cortana trong những năm gần đây khi mà nó chỉ có sẵn ở 13 quốc gia, trong khi Amazon cho biết Alexa đã hỗ trợ nhiều quốc gia khác nhau. Vào cuối năm 2017, chỉ 230 kỹ năng Cortana được hỗ trợ, thấp hơn nhiều so với 25.000 kỹ năng của Alexa. Hiện Alexa có hơn 50.000 kỹ năng khiến Cortana… chìm trong cát bụi.

Alexa có thể chạy trên Windows 10

Không chỉ có vậy, nhiều nhà sản xuất PC đã hào hứng tuyên bố tích hợp Alexa trên PC mới của họ, và giờ đây ứng dụng Alexa chính thức mà bất kỳ người dùng Windows nào cũng có thể cài đặt để sử dụng trợ lý giọng nói của Amazon thay vì Microsoft. Họ thậm chí có thể tích hợp Alexa với Cortana, cho phép ra lệnh “Hey Cortana, open Alexa” để truy cập Alexa trên máy tính Windows 10.

Về cơ bản, các đối thủ cạnh tranh của Cortana làm nhiều hơn những gì mà nó hỗ trợ. Mặc dù Cortana có một số kỹ năng cho phép nó điều khiển smarthome nhưng không thể nhiều như Alexa và Google Assistant có thể. Ngay cả khi người dùng muốn có trợ lý giọng nói trên PC Windows 10, Cortana vẫn không cần thiết.

Cortana sẽ là một công cụ năng suất

Với các điểm yếu trên, câu hỏi đặt ra là Microsoft muốn gì với Cortana? Kể từ ngày 11.10.2018, Cortana là một phần của bộ Microsoft Office. Trước đây nó là một phần của bộ phận Research và AI. Điều này có nghĩa Microsoft đang thay đổi đáng kể cách suy nghĩ và sử dụng Cortana, cho thấy công ty sẽ ngày càng sử dụng Cortana như một công cụ năng suất trong phần mềm của mình thay vì tạo ra nó như một đối thủ cạnh tranh với Alexa hay Google Assistant.

Microsoft muốn Cortana vươn xa hơn khả năng của một công cụ trợ lý ảo - Ảnh: Shutterstock

Báo cáo gần đây còn cho thấy Microsoft đang thử nghiệm chuyển Cortana sang Action Center và cung cấp giao diện bàn phím cho phép người dùng trò chuyện với Cortana bằng cách gõ. Để làm điều đó, chắc chắn Microsoft sẽ có bộ kỹ năng Cortana mới dành cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tạo các kỹ năng tùy chỉnh tích hợp Cortana với các hệ thống nhân sự, CNTT, bộ phận hỗ trợ và hệ thống bán hàng khác nhau.

Các tính năng như Timeline, đồng bộ hóa thông báo và “nhận ra nơi bạn rời khỏi thiết bị” như là tương lai của Cortana trên máy tính Windows cho người tiêu dùng. Microsoft thậm chí đang cố gắng phân tách Windows Search và Cortana, cho phép người dùng tìm kiếm các tập tin trên PC mà không cần Cortana cản trở. Đó là tất cả về năng suất.

Mở cửa cho các công ty

Tương lai của Cortana cũng có vẻ là doanh nghiệp, nơi Microsoft có thể cung cấp một giải pháp trợ lý ảo mà các nhà phát triển sử dụng để xây dựng trợ lý ảo và chatbot của riêng họ. Theo báo cáo, Microsoft đang cho phép các công ty xây dựng Cortana của riêng họ.

Tương lai của Cortana có thể không phải là một sản phẩm tiêu dùng thú vị mà là xương sống cho các giải pháp mà doanh nghiệp có thể tùy chỉnh. Microsoft luôn tập trung vào phần mềm doanh nghiệp, một chiến lược đã khiến hãng trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới.

Cortana trở thành tiện ích cho các công ty khác tạo trợ lý ảo riêng - Ảnh: BMW

Chẳng hạn, BMW đang xây dựng trợ lý thông minh riêng cho những chiếc xe của mình. Theo GeekWire, BMW đang sử dụng các công cụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo của Microsoft để xây dựng nó. Trợ lý của BMW sẽ tích hợp với cả Alexa và Cortana. Nhiều công ty có thể sẽ muốn xây dựng trợ lý và chatbot riêng, vì vậy Microsoft muốn công nghệ Cortana giúp họ làm điều này.

Nhìn chung, tương lai của Cortana như một công cụ năng suất thuận tiện hoặc nền tảng trợ lý kỹ thuật số tùy chỉnh của một công ty khác, thay vì trở thành trợ lý kỹ thuật số tập trung vào những chiếc loa thông minh phổ biến như Amazon Echo hay Google Home. Microsoft hiểu điều này, vì vậy hãng rất thông minh tập trung Cortana vào thế mạnh của mình.

Kiến Văn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/tai-sao-microsoft-khong-tu-bo-cortana-1034080.html