Tại sao Không quân Mỹ vẫn luyến tiếc chiến đấu cơ F-16?

Mặc dù ra đời đã gần nửa thế kỷ, nhưng chiếc máy bay chiến đấu F-16 nhỏ bé, nhanh nhẹn vẫn là máy bay chiến đấu hạng nhẹ chủ lực của Không quân Mỹ và nó vẫn có thể đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nếu tiếp tục được nâng cấp.

 Tiêm kích F-16 Fighting Falcon mang một điểm khác biệt, nó là một trong những máy bay chiến đấu phản lực hàng đầu duy nhất trên thế giới, có chi phí sử dụng thấp, cực kỳ nhanh nhẹn và khả năng mang tải trọng vũ khí, không kém so với những chiến đấu cơ hạng trung hai động cơ.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon mang một điểm khác biệt, nó là một trong những máy bay chiến đấu phản lực hàng đầu duy nhất trên thế giới, có chi phí sử dụng thấp, cực kỳ nhanh nhẹn và khả năng mang tải trọng vũ khí, không kém so với những chiến đấu cơ hạng trung hai động cơ.

F-16 hiện vẫn là máy bay được biên chế phổ biến nhất trong Không quân Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ; số lượng F-16 được sản xuất đạt số lượng 4.500 chiếc; trong đó có gần 2.700 chiếc hiện vẫn còn phục vụ trong lực lượng không quân 26 quốc gia.

Lịch sử phát triển của F-16 ra đời từ thất bại của Không quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Các máy bay chiến đấu F-4 Phantom mặc dù có tốc độ nhanh nhưng nặng nề và kém hiệu quả trước những chiếc tiêm kích MiG-21 hạng nhẹ, nhanh nhẹn của KQND Việt Nam.

Không quân Mỹ khi đó đã yêu cầu một mẫu máy bay chiến đấu hoàn toàn mới; lúc này mẫu máy bay chiến đấu hạng nặng hai động cơ F-15 được đưa ra, nhưng Không quân Mỹ thấy đây là loại máy bay quá đắt, để có thể trang bị cho tất cả các phi đội máy bay chiến đấu của họ.

Trước tình hình trên, Không quân Mỹ cần một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ, để chiến đấu phối hợp với máy bay chiến đấu hạng nặng F-15 theo chiến thuật cao-thấp, xa-gần; cuối cùng mẫu chiến đấu cơ F-16 của General Dynamics, đã được Không quân Mỹ chấp nhận.

F-16 được trang bị động cơ Pratt & Whitney F100 với những công nghệ mới nhất khi đó, để tối đa hóa hiệu suất động học. Thiết kế thân máy bay sử dụng cửa hút khí siêu âm biến tần phía dưới bụng, giúp tạo ra tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng tuyệt vời, cho F-16 có thể đạt gấp đôi tốc độ âm thanh, ở độ cao lớn.

Thiết kế diềm thân máy bay của F-16 được mở rộng như một cánh phụ, có tác dụng như một cánh delta và được coi là một trong những yếu tố then chốt, mang lại tính năng thao diễn cao của loại máy bay này. Cùng với đó là buồng lái kính nổi hoàn toàn, cho phi công khả năng quan sát tốt nhất.

Ghế lái của phi công được nghiêng về phía sau 30 độ, để giảm thiểu lực G khỏi các thao tác quá tải. Và F-16 có thể thực hiện các động tác bay vượt mọi khả năng điều khiển của phi công, nhờ sự hỗ trợ của phần mềm điều khiển bay (Fly-by-wire); và phần mềm bay trở thành tiêu chuẩn, của máy bay chiến đấu hiện đại.

Không giống như các mẫu F-14 và F-15 đời đầu, chiến đấu cơ F-16 được thiết kế như một máy bay chiến đấu đa năng, có thể đảm nhiệm cả chiếm ưu thế trên không và tiến công mặt đất. F-16 có thể mang tới 7,7 tấn vũ khí, hoặc thiết bị tác chiến điện tử, trên 11 mấu treo của nó.

F-16 có thể sử dụng các loại vũ khí dẫn đường chính xác thế hệ mới lúc đó như tên lửa không đối đất Maverick và bom dẫn đường bằng laser. Những vũ khí mới này đã phát huy tối đa hiệu quả trên F-16, nhất là khi nó được sử dụng kết hợp với radar APG-66, cùng màn hình hiển thị và máy tính.

Khả năng tiến công mặt đất của chiến đấu cơ F-16, đã được chứng minh qua cuộc không kích vào lò phản ứng hạt nhân Osirak ở Baghdad của Không quân Israel vào tháng 6/1981. Tám chiếc F-16 đã thả chính xác 16 quả bom Mark 84 (mỗi quả nặng 900 kg), khiến chương trình hạt nhân của Saddam Hussein phải dừng lại.

Khả năng không chiến lần đầu của F-16 là vào tháng 6/1982, khi các máy bay F-15 và F-16A của Israel tham gia vào một chiến kéo dài ba ngày trên Thung lũng Bekaa (Liban), chống lại các máy bay chiến đấu của Syria. F-16 của Israel đã bắn rơi 44 chiếc MiG-21 và MiG-23 của Syria, mà không chịu một tổn thất nào.

Vào giữa thập niên 1980, các mẫu F-16C và D hai chỗ ngồi được đưa vào sử dụng; phiên bản F-16C/D được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại hóa như màn hình tinh thể lỏng và radar APG-68 mới, cho phép F-16 sử dụng tên lửa tầm xa AIM-7 Sparrow cải tiến và tên lửa radar tự dẫn AIM-120 sắp đưa vào sử dụng.

Các phiên bản F-16C/ D cũng đã trải qua một số nâng cấp giữa vòng đời, bao gồm radar tốt hơn, sử dụng vũ khí dẫn đường bằng GPS, tên lửa tầm nhiệt AIM-9X Sidewinder, mà phi công có thể ngắm mục tiêu bằng cách sử dụng hệ thống định vị gắn trên mũ bay.

Phi đội F-16 của Mỹ lần đầu tiên xuất kích trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nó thực hiện hơn 13 nghìn phi vụ tấn công bằng bom thường và tên lửa Maverick. Ngoài ra, những chiếc F-16 còn thực hiện săn lùng các khẩu đội tên lửa đất đối không của Iraq, bằng tên lửa AGM-88 Harm.

Những chiếc F-16 của Mỹ còn tham gia các chiến dịch của Mỹ và NATO ở Nam Tư cũ, Iraq và Syria. F-16 cũng được xuất khẩu nhiều cho các bạn hàng quân sự của Mỹ. Trong đó F-16 của Israel, là lực lượng lập được nhiều thành tích nhất.

Từ năm 2002, Không quân Mỹ không còn đặt mua F-16, loại máy bay sẽ thay thế F-16 sẽ là máy bay chiến đấu tàng hình F-35; tuy nhiên do sự chậm trễ và chi phí quá cao, nên Không quân Mỹ dự định tiếp tục duy trì 1.200 chiếc F-16 của họ đến năm 2040, bằng cách kéo dài tuổi thọ của khung máy bay từ 8 lên 12 nghìn giờ bay.

F-16 đã được chứng minh là một máy bay chiến đấu tốt và linh hoạt - và hơn nữa, theo tính toán, chi phí sử dụng chỉ 22.000 USD một giờ bay, so với 42.000 USD cho một chiếc F-15 hai động cơ và còn rẻ hơn nhiều so với F-35.

Lầu Năm Góc đang xem xét các biện pháp hợp lý, để giữ cho phi đội F-16 tiếp tục trong biên chế, trong đó có nâng cấp cho F-16 nhiều công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ 5 như radar AESA APG-83 và sử dụng các thùng nhiên liệu phù hợp.

Như vậy F-16 sẽ tiếp tục chiếm một vai trò quan trọng trong Không quân Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên các chuyên gia quân sự đặt câu hỏi, liệu Mỹ có tạo lợi thế chiến đấu, bằng loại máy bay có cách đây nửa thế kỷ; khi các đối thủ của họ đang đầu tư mạnh vào các loại máy bay chiến đấu cực kỳ hiện đại hay không? Nguồn ảnh: Pinterest.

Mỹ từng tự tin tuyên bố, không gì có thể ngăn cản được tiêm kích F-16 do nước này sản xuất. Nguồn: MilitaryNews,

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-khong-quan-my-van-luyen-tiec-chien-dau-co-f-16-1545723.html