Tại sao khi đi vào đất liền thì bão, áp thấp nhiệt đới thường bị suy yếu và tan đi?

Bão, áp thấp nhiệt đới cần những điều kiện để phát triển. Đất liền không đáp ứng được các điều kiện cần thiết nên bão, áp thấp nhiệt đới thường tan đi.

Bão, áp thấp nhiệt đới là gì?

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm kilômét, hình thành trên vùng biển nhiệt đới.

Ở Bắc bán cầu, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Áp suất khí quyển trong bão thấp hơn rất nhiều so với xung quanh và thường dưới mức 1000mb. Sự chênh lệch về khí áp ở vùng tâm bão với các vùng xung quanh là nguyên nhân gây ra tốc độ gió bão rất lớn. Bão, ATNĐ có thể ví như một chiếc bánh khổng lồ, khi cắt đôi chiếc bánh đó ta thấy bên trong nó cũng có nhân bánh đó là mắt bão và thành mắt bão.

Cấu tạo của một cơn bão

Cấu tạo của một cơn bão

Như vậy có thể xem bão là một vùng gió xoáy từ các phía thổi vào trung tâm bão, càng gần trung tâm thì gió càng mạnh, có khi lên đến vài trăm cây số một giờ, nhưng chính giữa lại là một vùng gió tương đối nhẹ hay lặng gió gọi là mắt bão. Không khí chung quanh dồn vào giữa không phải theo những đường thẳng mà theo hình xoắn ốc.

Bão, áp thấp nhiệt đới có thể gây ra những tác hại lớn

Trong một trận bão, ở tầng gần mặt đất không khí bốn bề di chuyển vào giữa, đến vùng giữa bão thì không khí chuyển động lên cao rồi tỏa ra tứ phía. Bão bắt nguồn từ các vùng biển nhiệt đới, làm chuyển động một khối không khí ẩm rất lớn. Khối không khí ẩm này chuyển động lên cao thì hơi nước mà nó chứa ngưng tụ lại thành mây và gây ra mưa, cho nên vùng bão không những có gió mạnh mà lại có mây dày đặc phủ kín và mưa nhiều.

Tại sao khi đi vào đất liền thì bão, áp thấp nhiệt đới thường bị suy yếu và tan đi?

Trước hết, muốn hiểu vì sao khi đi vào đất liền thì bão, áp thấp nhiệt đới thường bị suy yếu và tan đi, trước tiên cần biết 3 điều kiện cần thiết để hình thành bão là: nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy.

1. Điều kiện nhiệt lực:

Không khí thăng lên trong bão phải nóng hơn không khí ở môi trường xung quanh và trong dòng không khí thăng lên phải rất giàu hơi ẩm. Vì thế, bão chỉ có thể hình thành và phát triển trên các đại dương và vùng biển thoáng. Vào năm 1948, nhà khí tượng Erik Palmen đã tìm ra rằng, bão và áp thấp nhiệt đới chỉ có thể hình thành và phát triển khi nhiệt độ nước biển đạt ít nhất 26 - 27oC. Giá trị nhiệt độ 26 - 27oC có liên quan đến quá trình đối lưu của khí quyển. Điều này giải thích tại sao bão hình thành nhiều nhất vào thời kỳ cuối mùa nóng khi nhiệt độ mặt nước biển là cao nhất.

2. Điều kiện động lực:

Không khí xung quanh một cơn bão phải có chuyển động xoáy vào tâm. Chuyển động xoáy vào tâm là phần cơ bản của hoàn lưu bão.

3. Độ ẩm:

Bão thường hình thành và phát triển trên nền dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ), trong các nhiễu động của sóng đông… Những kết quả nghiên cứu của Gray (năm 1968) cho thấy, ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có tới 85 - 90% số cơn bão hình thành trên ITCZ.Bão thường phát triển lên từ một vùng áp thấp nhỏ ban đầu. Trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, các vùng áp thấp thường hình thành trên ITCZ (dải hội tụ nhiệt đới), rãnh xích đạo hay từ các nhiễu động ở rìa đới tín phong như sóng đông hay sóng xích đạo.

Tác hại khủng khiếp của một cơn bão, áp thấp nhiệt đới

Vì vậy, khi vào đất liền, do ảnh hưởng của địa hình và đặc biệt là do không được cung cấp đầy đủ hơi ẩm nên bão bị mất tiềm nhiệt ngưng kết-năng lượng để tồn tại, kích thước thu hẹp, khí áp đầy lên nên bão, áp thấp nhiệt đới bị suy yếu và tan rã sau 1−2 ngày.

Xem thêm video: Tác hại kinh hoàng khi bão đổ bộ

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tai-sao-khi-di-vao-dat-lien-thi-bao-ap-thap-nhiet-doi-thuong-bi-suy-yeu-va-tan-di-d129999.html