Tại sao Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump?

Iran sẽ theo đuổi quá trình truy tố Tổng thống Trump ngay cả khi ông rời Nhà Trắng.

Mỹ đã sát hại Tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq vào ngày 3.1.2020.

Washington khi đó cáo buộc ông Soleimani là kẻ chủ mưu các cuộc tấn công do lực lượng dân quân liên kết với Iran thực hiện nhằm vào lực lượng Mỹ trong khu vực.

Vụ sát hại ông Suleimani đã đẩy Mỹ và Iran đến bờ vực xung đột vũ trang sau khi Iran trả đũa bằng một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhắm vào quân đội Mỹ ở Iraq vài ngày sau đó.

Iran đã ban hành lệnh bắt giữ và yêu cầu Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) giúp đỡ trong việc giam giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump và hàng chục người khác. Những người mà theo phía Iran tin rằng đã thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm giết chết vị tướng hàng đầu của Iran tại Baghdad.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Mohsen Baharvand cho biết, cơ quan tư pháp của Iran sẽ sớm đưa ra bản cáo trạng cho những người chịu trách nhiệm về vụ tấn công Tướng Soleimani.

Theo hãng tin Isna, ông Baharvand hy vọng sẽ xác định được người điều khiển máy bay không người lái. Ông tuyên bố: “Iran sẽ không ngừng nỗ lực của mình cho đến khi những người này bị đưa ra công lý”.

Hôm 29.6, công tố viên Ali Alqasimehr của chính quyền Tehran cho rằng, ông Trump cùng với hơn 30 người khác mà Iran cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công ngày 3.1.2020 đã giết chết Tướng Qasem Soleimani. Những người này phải đối mặt với "cáo buộc giết người và khủng bố".

Ông Ali Alqasimehr còn nhấn mạnh Iran sẽ theo đuổi quá trình truy tố Tổng thống Trump ngay cả khi ông rời Nhà Trắng.

Tại sao Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump?

Tổ chức có trụ sở tại Lyon (Pháp) nói rằng, Interpol hoạt động như một cơ quan liên lạc giữa các tổ chức thực thi pháp luật ở các quốc gia thành viên, giúp họ hợp tác với nhau trong việc giải quyết tội phạm và bắt giữ các nghi phạm cố gắng chạy trốn công lý ở một khu vực tài phán khác.

Interpol duy trì sự trung lập về chính trị. Phát ngôn viên của Interpol tuyên bố, hiến chương của tổ chức này cấm tham gia vào “bất kỳ sự can thiệp hoặc hoạt động nào mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc”.

“Do đó, nếu hoặc khi có bất kỳ yêu cầu nào như vậy được gửi đến Tổng thư ký... Interpol sẽ không xem xét các yêu cầu có tính chất trên”.

Đặc phái viên Mỹ về Iran - ông Brian Hook đã mô tả động thái của chính quyền Tehran là một "pha nguy hiểm tuyên truyền".

Ông Hook khẳng định trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi cho rằng Interpol sẽ không can thiệp và phát lệnh truy nã đỏ mang tính chính trị. Điều này không liên quan gì đến an ninh quốc gia, hòa bình quốc tế hay thúc đẩy sự ổn định ... Đó là một màn kịch tuyên truyền mà không ai coi trọng”.

Lệnh truy nã đỏ của Interpol. Nguồn ảnh: Dreams Time.

Lệnh truy nã đỏ của Interpol. Nguồn ảnh: Dreams Time.

Lệnh truy nã đỏ

Theo công tố viên Alqasimehr, Iran đã yêu cầu Interpol đưa ra “lệnh truy nã đỏ” - yêu cầu truy bắt ở mức cao nhất - đối với Tổng thống Trump và các cá nhân khác mà Iran cáo buộc.

Lệnh truy nã đỏ là một yêu cầu thực thi pháp luật có phạm vi trên toàn thế giới nhằm xác định vị trí một người phạm tội để dẫn độ. Theo lệnh truy nã đỏ, chính quyền địa phương phải thực hiện các vụ bắt giữ thay mặt cho quốc gia yêu cầu. Lệnh truy nã đỏ không có giá trị như lệnh bắt giữ.

Lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi Tổng Thư ký Interpol theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, hoặc tòa án quốc tế dựa trên một lệnh bắt giữ quốc gia hợp lệ.

Thông thường, sau khi nhận được yêu cầu truy nã, bắt giữ, Interpol sẽ tiến hành họp và thảo luận xem có nên chia sẻ thông tin với các quốc gia thành viên hay không. Interpol không bắt buộc phải công bố thông tin công khai, nhưng trong nhiều trường hợp cơ quan này vẫn đưa thông tin trên webiste chủ quản.

Trước yêu cầu của công tố viên Ali Alqasimehr về việc phát “lệnh truy nã đỏ” nhằm bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Interpol cho biết không thể đáp ứng yêu cầu này.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã tăng lên kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Tehran. Nguồn ảnh: EPA.

Trong tuyên bố được gửi tới hãng tin CNN ngày 29.6, Interpol tuyên bố cơ quan này không xem xét đề nghị của phía Iran, đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ không phải đối diện với bất kỳ nguy cơ bắt giữ nào.

Trong khi ông Trump không phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, các cáo buộc nhấn mạnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân của Tehran với các cường quốc thế giới.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Aljazeera

Phùng Mỹ

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/tai-sao-iran-ban-hanh-lenh-bat-giu-tong-thong-donald-trump-3335801/