Tại sao học trò nghèo vẫn có thể làm quan?

Giấc mơ làm quan chẳng phải giấc mơ của riêng ai. Học trò nhà nghèo, học trò nhà giàu, học trò nhà gia thế... đều bình đẳng trước giấc mơ ấy.

Nhưng với mỗi thân phận, con đường hiện thực hóa giấc mơ lại không giống nhau và bên cạnh sự không giống nhau mang màu sắc hoàn cảnh cá nhân, còn có sự không giống nhau đến từ những đặc điểm không giống nhau của hệ thống khoa cử từng thời đại.

Trong xã hội hôm nay, khi thấy hàng loạt thí sinh được nâng khống điểm trong kỳ thi đại học 2018, phản ứng đầu tiên của rất nhiều người chính là câu hỏi: Những thí sinh này là con ai? Một tờ nhật báo lớn thống kê danh sách hơn 20 thí sinh bị nâng điểm ở Sơn La và thật trùng hợp, hơn 20 thí sinh này đều là con quan, từ quan tỉnh đến quan huyện.

Nếu câu chuyện không bị phanh phui thì cơ hội đỗ đạt của hơn 20 thí sinh "con nhà quan" chắc chắn cao hơn hẳn những thí sinh bình thường. Và nếu cứ theo đà này thì con đường tiến thân của hơn 20 con người ấy rồi cũng sẽ thuận lợi hơn so với những con người bình thường khác.

Nhìn lại hàng loạt vụ việc cộm cán trong xã hội khoảng chục năm qua, chúng ta không lạ những trường hợp một vị quan chức cấp tỉnh, cấp bộ nào đó sẵn sàng ưu ái con cái mình, cả trong hành trình tiến thân lẫn việc làm ăn buôn bán. Chúng ta cũng không lạ khi ngay ở diễn đàn Quốc hội, một vị đứng lên phát biểu, rất nhiều vị khác liền hỏi nhau: "Đồng chí này là con ai?".

Các vị giám khảo trông thi thời phong kiến.

Các vị giám khảo trông thi thời phong kiến.

"Con ai?" - đấy giống như một cánh cửa, mở ra một cơ hội, làm nên một sự nghiệp, tạo nên một cuộc đời. Và nếu đúng là đã có những sự nghiệp - những cuộc đời được xác lập chỉ nhờ "con ai?" thì chắc chắn cũng sẽ có những sự nghiệp - những cuộc đời bị tước đoạt vì chẳng phải là con ai cả.

Hệ thống của chúng ta, bằng tất cả những phương thức khác nhau đã và đang tuyên chiến quyết liệt với thực trạng mang tính tiêu cực này và chúng ta hiểu đó là một cuộc chiến đầy gian nan.

Từ những câu chuyện thời hiện đại, rất nhiều người hẳn sẽ liên tưởng đến thời phong kiến xưa và tự đặt ra câu hỏi: thời ấy, "con ai?" có ý nghĩa như thế nào?

Dân gian có câu "con vua thì lại làm vua..." và nếu hiểu theo nghĩa đen thuần túy thì nó chính là một mệnh đề tất yếu, không thể khác. Cứ chẻ hoe ngữ nghĩa, "con vua" ở đây chính là hoàng tử và ở một thể chế lấy tư tưởng Nho giáo làm kim chỉ nam, coi chuyện "truyền tử" là chân lý thì hoàng tử tiếp nối vị thế vua cha là điều không thể khác. Ai đó tìm cách phế truất hoàng tử, cướp ngôi vua là phản nghịch.

Nhưng nếu không phải "con vua" mà chỉ là "con quan" thì sao? Câu hỏi này gợi nhớ những giai thoại về chuyện gian lận thi cử của hai cha con Lê Quý Đôn.

Theo giai thoại này, khoa thi hội năm 1775 xuất hiện 2 gương mặt giàu hứa hẹn là Lê Quý Kiệt, con trai Lê Quý Đôn và Đinh Thì Trung, một thần đồng, biết đọc chữ thánh hiền từ năm 4 tuổi.

Ai sẽ đỗ đầu khoa thi? Đấy là câu hỏi, là mối quan tâm lớn của cả vua Lê, chúa Trịnh. Kết quả: Lê Quý Kiệt đỗ đầu. Nhưng ngay sau kết quả này, chúa Trịnh liền cho khảo quan xét lại bài thi và phát hiện sự thật: bài có chữ viết của Đinh Thì Trung thì ghi tên Lê Quý Kiệt và ngược lại.

Như vậy, hai người đã tráo bài cho nhau và vì tội này mà Đinh Thì Trung đã bị xử đi đày. Theo tác giả Bùi Dương Lịch (1757- 1828), trong sách Lê quý dật sử, thì sau này Đinh Thì Trung tố cáo Lê Quý Đôn là chủ mưu trong việc đánh tráo bài thi.

Tuy nhiên, vì Lê Quý Đôn là một bảng nhãn, là Tri binh phiên trong phủ chúa, là người cai quản toàn bộ vấn đề quân sự quốc gia nên chúa Trịnh Sâm không xử tội.

Sử quan nhà Nguyễn từng đánh giá: "Hai người cùng một tội mà xử phạt khác nhau, sao có thể gọi là công bằng được. Xét hành trạng của Quý Đôn, không có một điều gì đáng khen".

Nếu những giai thoại và những nguồn sử liệu (ít ỏi) trên là chính xác thì ít nhất là trong câu chuyện này, việc là "con quan" đã giúp cho một sĩ tử lợi thế hơn hẳn so với những sĩ tử bình thường khác. Mà khoa cử phong kiến không chỉ chứng kiến duy nhất scandal thi cử này.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn ghi lại câu chuyện về khoa thi năm 1696, khi phó chủ khảo trường thi Thanh Hóa - Ngô Sách Tuân được tham tụng Lê Hy gửi gắm con trai mình. Cần nói thêm, Lê Hy là một danh sĩ, từng đỗ tiến sĩ năm 18 tuổi và là người biên soạn phần sau của cuốn Đại Việt sử ký toàn thư.

Năm đó, con trai Lê Hy không đỗ nhưng Ngô Sách Tuân vẫn đề nghị các quan giám khảo phê đỗ. Chuyện bại lộ, Ngô Sách Tuân bị khép vào tội phải thắt cổ chết, các quan giám khảo, phúc khảo đều bị phạt nặng.

Hai câu chuyện này nói rằng, khoa cử thời phong kiến, dù luôn được tổ chức nghiêm minh, chặt chẽ nhưng vẫn có những kẽ hở. Và trong ít nhất 2 câu chuyện này, chúng ta hiểu đã có ít nhất 2 sĩ tử "con quan" hưởng lợi từ những kẽ hở, nếu mọi chuyện không bại lộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt trái khó tránh nêu trên thì khoa cử phong kiến cũng đồng thời chứng kiến những cậu học trò nghèo, chỉ nhờ học thật thi thật mà được làm quan.

Nhờ chịu khó học hành mà họ được khai sáng thành quân tử. Và nhờ chí khí quân tử mà họ đã trở thành những vị quan lỗi lạc, góp sức vào sự phát triển của dân tộc mình.

Mạc Đĩnh Chi là một trường hợp điển hình như vậy. Theo nhiều nguồn sử liệu thì Mạc Đĩnh Chi sinh vào đời nhà Trần, năm 1272, trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ. Hằng ngày, hai mẹ con phải vào rừng đốn củi sinh sống.

Hoàn cảnh này có thể giúp người đời sau kết luận: Mạc Đĩnh Chi chắc chắn không phải là hậu duệ của ai trong cung đình và chắc chắn cũng chẳng có tiền tệ hay quan hệ với ai trong tầng lớp vương tôn quý tộc.

Không hậu duệ, không tiền tệ, không quan hệ, thứ duy nhất mà cậu học trò nhà nghèo này có chính là trí tuệ. Nhiều sử liệu nói rằng Mạc Đĩnh Chi đọc sách ngày đêm. Đọc sách cả khi đi đốn củi lẫn khi cùng mẹ đi bán củi.

Và chỉ nhờ việc đọc sách - chỉ nhờ trí tuệ của mình (chứ không nhờ hậu duệ/quan hệ/hay tiền tệ) mà Mạc Đĩnh Chi đã đỗ trạng nguyên trong kỳ thi Giáp Thìn (1304).

Nói theo ngôn ngữ hiện đại hôm nay thì sau khi Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên, không ai hỏi một câu mà hôm nay chúng ta thường hỏi: Đồng chí này là con ai? Không! Chắc chắn là không ai hỏi một câu như thế cả.

Đọc sách chăm chỉ, thi cử nghiêm túc, trí tuệ lỗi lạc, Mạc Đĩnh Chi đã ghi điểm trong những lần đi sứ nhà Nguyên.

Công bố kết quả thi.

Giai thoại kể rằng, trong một lần đi sứ, vua Nguyên ra vế đối: "Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy mặt trăng). Ý là: triều đình nhà Nguyên giống mặt trời, các nước chư hầu giống mặt trăng, dễ dàng bị thiêu cháy.

Mạc Đĩnh Chi đối lại: “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Mặt trăng là cung, sao là đạn, đêm xuống bắn rụng mặt trời). Hai vế đối nói chuyện mặt trời - mặt trăng nhưng chúng ta hiểu đó là cuộc đối thoại ngang bằng của hai quốc gia, hai nền chính trị.

Trong suốt chiều dài khoa cử thời phong kiến, những trường hợp trò nghèo có cơ hội làm quan và là quan thanh liêm, trí tuệ như Mạc Đĩnh Chi không ít.

Nó cho chúng ta một cảm nhận: khoa cử phong kiến có thể có những trục trặc, những kẽ hở, những gian dối nào đó. Nhưng ít nhất thì hệ thống khoa cử phong kiến với những quy trình riêng của nó cũng giúp cho những người nghèo có quyền mơ và có quyền phấn đấu cho giấc mơ được làm quan.

Thời ấy, người học phải học đến một mức độ nhất định nào đó mới được các ông thầy gửi đi hạch, gọi là khóa sinh. Những khóa sinh tốt nhất được gửi danh sách lên quan huyện, gọi là học sinh. Những học sinh nào đỗ thi Hương được gọi là Hương cống, nghĩa là được cống lên triều đình để tham dự các kỳ thi Hội, thi Đình.

Với một quy trình nhiều tầng lớp như thế, cách thức phấn đấu duy nhất của sĩ tử chính là đọc sách, học hành, trui rèn bản thân để trở thành những con người có trí tuệ - hẳn nhiên là trí tuệ trong cái khuôn tư tưởng thời phong kiến.

Và chỉ cần trí tuệ, chứ không cần phải là hậu duệ của ai, cũng không cần phải có tiền tệ để chạy chọt, lo lót cho ai, những sĩ tử phong kiến vẫn hoàn toàn có thể hiện thực hóa giấc mơ lớn của đời mình.

Phan Mỹ Chí

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/10-tai-sao-hoc-tro-ngheo-van-co-the-lam-quan-542752/