Tại sao học sinh bị điện giật, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm?

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hiệu trưởng phải thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao.

Vụ việc một học sinh tử vong trong giờ ra chơi vì bị điện giật, báo cáo của Trường Tiểu học Tuy Lai A (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết đoạn dây điện này bị rơi vào tối ngày 23/10 do một trận mưa lớn.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ánh rằng đoạn dây điện này đã bị võng xuống trong một thời gian dài mà nhà trường không có biện pháp xử lí.

Còn đại diện Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết: Đơn vị đã cho kiểm tra, xác minh nội dung "dây điện bị đứt" được nêu và khẳng định dây điện này là dây điện sau công tơ, thuộc phạm vi quản lý và trách nhiệm của nhà trường.

Đoạn dây điện bị võng xuống đất, có thể là nguyên nhân gây tử vong cho học sinh. (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại)

Đoạn dây điện bị võng xuống đất, có thể là nguyên nhân gây tử vong cho học sinh. (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại)

Tại sao hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm?

Theo Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15/4/2010 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; theo đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích học đường.

Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông Bộ đã có Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường, các cơ sở giáo dục kịp thời sửa chữa, hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhằm đảm bảo an toàn đối với học sinh, sinh viên.

Hà Nội, học sinh lớp 2 tử vong trong giờ ra chơi vì điện giật

Về phía địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngay từ đầu năm học 2019-2020 đã ban hành văn bản 3593/ SGDĐT-CTTT về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông năm học 2019-2020.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao Hiệu trưởng các nhà trường chủ động dành thời gian 1 buổi tập huấn đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên về tăng cường kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay và quán triệt đầy đủ nội dung những văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Các nhà trường cần kiểm tra cơ sở vật chất (tường bao, móng, trần, tường, cống rãnh, máng, cây xanh…), hệ thống điện phát hiện các nguy cơ mất an toàn có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học;

Rà soát các điều kiện chiếu sáng, bàn, ghế, bảng… đảm bảo đúng quy định.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Mỹ Đức cũng cho biết đã có công văn gửi các trường học, lưu ý việc đảm bảo an toàn cho học sinh. Phòng đã yêu cầu các trường phải thường xuyên rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Như vậy có thể nhận thấy rằng hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hiệu trưởng phải thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ mà Bộ, Sở, Phòng yêu cầu.

Giải pháp nào đảm bảo an toàn điện cho học sinh trong trường?

Nhà trường cần giáo dục học sinh kĩ năng phòng chống điện giật ngay từ đầu năm học; giáo dục học sinh tuyệt đối không sờ vào dây diện bị đứt trong trường, trên đường đi, về.

Các dây điện sau công tơ, cần được lắp đặt đúng kĩ thuật; có aptomat phù hợp chống giật khi học sinh nhỏ lỡ chạm vào dây điện hay điện bị rò rỉ.

Hiệu trưởng cần bao quát trường ít nhất một lần/ ngày; kịp thời phát hiện, sửa chữa các hư hỏng xảy ra, đặc biệt là sau thiên tai.

Giáo viên trong trường có ý thức an toàn điện, báo ngay cho hiệu trưởng hoặt ngắt công tơ ngay khi có dấu hiệu không an toàn. Phụ huynh phát hiện các yếu tố gây mất an toàn, cần báo ngay với nhà trường.

Mất mát là nỗi đau của gia đình học sinh và xã hội; phòng chống nhưng tai nạn thương tâm là trách nhiệm của mỗi người trong trường chứ không riêng gì của hiệu trưởng.

Tài liệu tham khảo:

1://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-13-2010-TT-BGDDT-xay-dung-truong-hoc-an-toan-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-trong-co-so-giao-duc-mam-non-104124.aspx

2://thuvienphapluat.vn/van-ban/xay-dung-do-thi/Quyet-dinh-4458-QD-BGDDT-Quy-dinh-xay-dung-truong-hoc-an-toan-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-trong-truong-pho-thong-57385.aspx

3: //giaoducthoidai.vn/thoi-su/hoc-sinh-bi-dien-giat-hieu-truong-phai-chiu-trach-nhiem-chinh-4042769-v.html

Lê Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tai-sao-hoc-sinh-bi-dien-giat-hieu-truong-phai-chiu-trach-nhiem-post203768.gd