Tại sao Harry Potter lại là một trong những cuốn sách được ưu thích nhất tại Triều Tiên?

Hãng tin AP nhận định, nền văn hóa đại chúng Triều Tiên đang có những chuyển biến rõ rệt dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Thay đổi có thể được nhận ra trên mọi lĩnh vực từ phim truyền hình và hoạt hình, cho tới sự đa dạng và phong cách đóng gói hàng hóa tiêu dùng... Hiện chưa rõ đây là một nỗ lực mang tính phòng ngừa để bắt kịp với láng giềng Hàn Quốc; hay là dấu hiệu cho thấy chính quyền Kim Jong-un đang sẵn sàng tiếp cận nền văn hóa tiêu dùng phương Tây.

Dưới chính quyền Kim Jong-un, văn hóa đại chúng Triều Tiên có những bước chuyển mình đáng chú ý (ảnh: SCMP)

Dưới chính quyền Kim Jong-un, văn hóa đại chúng Triều Tiên có những bước chuyển mình đáng chú ý (ảnh: SCMP)

"Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là làm ra một sản phẩm hợp với thị hiếu của mọi người", bà Kim Kyong-hui làm việc tại Nhà máy giày Ryuwon, cho biết. Nhà máy của bà sản xuất nhiều loại giầy khác nhau phục vụ chạy bộ, bóng chuyền, bóng đá, thậm chí cả bóng bàn. "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu các mẫu giầy trên khắp thế giới và học hỏi họ", bà Kyong-hui nói thêm.

Triều Tiên được coi là một trong những quốc gia "bí ẩn" nhất thế giới. Sự thay đổi diễn ra một cách từ từ và khá thận trọng dưới các thời kỳ tiền nhiệm. Tuy nhiên, với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, có vẻ như Triều Tiên trở nên cởi mở hơn trước những trải nghiệm mới.

Bên trong một nhà máy tại Triều Tiên (ảnh: SCMP)

Người xem đài truyền hình quốc gia – đài duy nhất được phủ sóng toàn quốc, giờ đây có thể thưởng thức những tập mới nhất trong bộ phim truyền hình "Những người đào sâm trong cuộc chiến Imjin" – serie phim lịch sử có bối cảnh từ thế kỷ 16 khi người dân Triều Tiên chống lại sự xâm lược từ Nhật Bản.

Một bộ phim hoạt hình có chủ đề chiến tranh yêu nước tương tự mang tựa đề "Cậu bé tướng quân", làm lại từ bộ phim cùng tên dưới thời người cha của ông Kim Jong-un, cũng được rất nhiều người dân Triều Tiên theo dõi khi ra mắt vào năm 2015. Thậm chí, người ta còn sản xuất ra cả trò chơi "Cậu bé tướng quân" cho điện thoại di động. Tháng 7 năm ngoái, bộ phim truyền hình Cậu bé tướng quân trình chiếu, đã đạt tỷ suất người xem vô cùng ấn tượng. Trong khi bộ phim truyền hình được đầu tư lớn từ kịch bản, diễn xuất, bối cảnh cho tới phục trang; thì bộ phim hoạt hình cũng được đánh giá là có chất lượng hình ảnh và hiệu ứng tương đương với một số tác phẩm cùng loại hàng đầu của thế giới.

Một cảnh trong bộ phim hoạt hình "Cậu bé tướng quân" (ảnh: chụp từ màn hình)

Theo AP, những chuyển mình trên phản ánh sự thừa nhận trong chính quyền Bình Nhưỡng rằng, người dân Triều Tiên đang ngày càng quen thuộc với văn hóa đại chúng nước ngoài, bất chấp những rào cản luật pháp khiến họ gần như không thể du lịch ra nước khác, hay tự do thưởng thức phim ảnh, sách báo hay âm nhạc nước ngoài.

Đối với tầng lớp tinh hoa Triều Tiên, sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp như Dior, Sony… không phải là quá xa lạ và vẫn có thể được tìm thấy ngay trong một số cửa hàng tại Bình Nhưỡng. Hàng nhái rẻ tiền từ Trung Quốc thì ngập tràn các khu chợ trên toàn đất nước.

Phim điện ảnh Ấn Độ rất phổ biến tại hệ thống rạp chiếu bóng quốc gia. Kênh truyền hình giáo dục Triều Tiên thường xuyên trình chiếu các video lấy từ những bộ phim tài liệu nước ngoài. Và Harry Potter là một trong những bộ truyện được ưa thích nhất tại Đại học viện nhân dân, chính là thư viện lớn nhất của Triều Tiên.

Cách tiếp cận với dòng chảy truyền thông nước ngoài của Triều Tiên có mục đích 'hiện đại hóa' sản phẩm truyền thông [trong nước], tiến tới cung cấp các sản phẩm hấp dẫn và có tính cạnh tranh, để phục vụ cho thế hệ trẻ hơn.

Geoffrey See

Geoffrey See, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận đóng tại Singapore, Choson Exchange, nhằm hỗ trợ các thay đổi tại Triều Tiên thông qua kiến thức và thông tin về doanh nghiệp, kinh doanh và luật pháp - nhận định, "cách tiếp cận với dòng chảy truyền thông nước ngoài của Triều Tiên có mục đích 'hiện đại hóa' sản phẩm truyền thông [trong nước], tiến tới cung cấp các sản phẩm hấp dẫn và có tính cạnh tranh, để phục vụ cho thế hệ trẻ hơn".

"Đối với hàng hóa tiêu dùng, nó cũng gắn chặt với một chính sách quốc gia nhằm khuyến khích sản xuất nội địa và nhập khẩu thay thế", ông See nói.

Nỗ lực đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim để thay đổi nền văn hóa đại chúng Triều Tiên bắt đầu ngay từ khi lên nắm quyền lực vào cuối năm 2011 với việc thành lập Ban nhạc Moranbong. Gồm loạt nữ ca sỹ và nữ nhạc công, Moranbong được coi là một "hình ảnh mềm mại" của chính quyền Bình Nhưỡng. Mặc dù các thành viên đều nằm trong quân ngũ, nhưng họ thường mặc váy ngắn và để tóc thời trang khi biểu diễn.

Nhóm nhạc nữ Moranbong (ảnh: chụp từ màn hình)

Tháng 2 năm ngoái, Triều Tiên cử một số nghệ sỹ xuất sắc nhất, bao gồm cả một tứ tấu nữ trong trang phục quần sóc đen và áo đỏ, tới biểu diễn tại khu vực phi quân sự nhân dịp Thế vận hội Mùa đông PyeongChang. Hai tháng sau, nhà lãnh đạo Kim là một trong những khán giả theo dõi show diễn của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Red Velvet ngay tại thủ đô Bình Nhưỡng. Tháng trước, ông Kim lại một lần nữa gửi các nghệ sỹ tứ tấu của mình tới Bắc Kinh tham gia một chương trình giao lưu nghệ thuật.

Mặc dù vậy, dàn nhạc quân đội, các ca sỹ được đào tạo theo trường phái cổ điển và thường mặc hanbok khi trình diễn - vẫn là hình ảnh thường thấy tại Bình Nhưỡng. Quan trọng hơn, theo AP, dường như mối quan hệ giữa nghệ thuật và chính trị vẫn chưa thể tách rời.

Khi nhóm nhạc nữ Triều Tiên trở về sau chuyến lưu diễn tại Bắc Kinh, truyền thông nước này đưa tin, nhà lãnh đạo Kim đã yêu cầu họ tiếp tục "tiến hành các hoạt động nghệ thuật mang đậm lý tưởng" và hoạt động như những người phát ngôn của Đảng Lao động Triều Tiên.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tai-sao-harry-potter-lai-la-mot-trong-nhung-cuon-sach-duoc-uu-thich-nhat-tai-trieu-tien-20190215100140863.htm