Tại sao Harari phủ nhận thời đại 'hậu sự thật'?

Chúng ta bị ám ảnh nhiều bởi khái niệm 'hậu sự thật' trong thời đại chúng ta đang sống. Nhưng sử gia người Israel, ông Yuval Noah Harari khuyên chúng ta chẳng việc gì phải ám ảnh và sợ hãi như vậy cả. Bởi theo Harari thì 'Homo sapies' - loài người tinh khôn, tổ tiên của chúng ta thực chất là một loài hậu sự thật.

Nói cách khác, hậu sự thật gắn chặt với đặc tính của giống loài này, không thể khác và mãi mãi không bao giờ khác.

Trước hết hãy nói về nỗi sợ "hậu sự thật" không chỉ diễn ra ở bất cứ quốc gia nào mà bao trùm toàn thế giới hiện nay. Vấn đề nghiêm trọng tới mức cách đây 3 năm, cuốn từ điển danh giá Oxford English Dictionary đã chọn nó (Post - truth) làm từ ngữ của năm.

Theo cách giải thích của cuốn từ điển này thì hậu sự thật ám chỉ đến những tình huống mà bản thân sự thật khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành quan điểm hơn là sự kêu gọi cảm xúc và những sự tin tưởng cá nhân. Vẫn theo cuốn từ điển này thì có 2 sự kiện chứng minh cho tính chất hậu sự thật trong năm 2016, đó là việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, bất chấp việc lúc đó ai cũng nghĩ chiến thắng sẽ thuộc về đối thủ chính trị của ông - bà Hillary Clinton và việc nước Anh quyết định rời khỏi liên minh châu Âu (EU). Họ phân tích cụ thể hơn: lúc đó rất nhiều người Anh sôi lên với thông tin mỗi tuần nước này phải mất tới 350 triệu bảng cho EU và gần như ai cũng thấy nếu khoản tiền khổng lồ đó ở lại trong nước để hỗ trợ cho các hoạt động y tế, giáo dục thì sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Thế là cả một đám đông kêu gọi nước Anh rời khỏi EU (Brexit). Và đám đông đạt được mục đích của mình: Brexit được thông qua. Tuy nhiên, ngay sau đó sự thật được phơi bày: con số 350 triệu bảng/tuần là con số bịa đăt. Sự thật hoàn toàn không phải thế! Nhưng bất chấp "sự thật không phải thế" thì cảm xúc đám đông đã chiến thắng, quan điểm đám đông đã chiến thắng và mọi chuyện đã có kết quả rõ ràng, không thể nào thay đổi.

Câu chuyện Brexit ở nước Anh hay câu chuyện bầu cử tổng thống ở nước Mỹ phản ánh rất rõ đặc tính của một thời đại mà tính chất "hậu sự thật" được hình thành rõ nét. Và không chỉ trong những câu chuyện mang tính đại sự quốc gia, hàng loạt câu chuyện ở phạm vi nhỏ hơn, trong các lĩnh vực hẹp hơn, từ y tế, giáo dục đến quốc phòng an ninh, tính chất hậu sự thật đều xâm lấn, để lại những tác động tai hại.

Ảnh: LG.

Ảnh: LG.

Có những nhà nghiên cứu cho rằng chưa bao giờ con người phải đối diện với một thời đại khôn lường và đầy tính giả giả - thực thực như thế này. Cho nên con người bối rối, con người lo sợ, con người chưa thể tìm ra công cụ hữu hiệu để đối phó, thích nghi.

Ấy thế mà trong cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21, sử gia Harari lại không coi đấy là một vấn đề nghiêm trọng. Bởi theo Harari, sự dối trá hay năng lực tưởng tượng vốn là đặc tính của cái giống loài mà bây giờ chúng ta quy ước là "người".

Thật ra không phải đến cuốn sách này Harari mới nhấn mạnh đến "vai trò tưởng tượng" trong sự hình thành xã hội con người. Ngay từ cuốn sách đầu tiên trong loạt 3 cuốn sách đáng chú ý nhất của ông - Lược sử loài người, ông đã chứng minh rằng nhờ tưởng tượng mà các cộng đồng người mới dần lớn lên. Chẳng hạn để tạo ra một liên kết công đồng hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con người, mỗi cá thể trong cộng đồng nhất định phải có chung một niềm tin.

Đó là niềm tin vào một vị thần linh tưởng tượng nào đó, đối tượng mà tất cả các cá thể trong cộng đồng phải tôn sùng, phải cầu khẩn và phải đặt vào đó những ước mơ, hy vọng của mình. Sau đó, Harari còn chứng minh tất cả những thiết chế cơ bản tạo nên xã hội người hiện nay suy cho cùng đều là sản phẩm của tưởng tượng và sức mạnh của sự tưởng tưởng lớn đến nỗi bây giờ chúng ta mặc nhiên coi đó là sự thật.

Phát triển ý tưởng này, Harari viết trong cuốn 21 bài học cho thế kỷ 21 như sau: "Nếu bạn là người Cơ Đốc chính thống, chắc bạn sẽ khăng khăng cho rằng mọi lời của kinh Thánh đều là sự thật theo nghĩa đen. Giả dụ bạn đúng, rằng kinh Thánh quả thực là lời không thể sai khác của một vị chúa đích thực duy nhất. Thế thì bạn coi kinh Koran, kinh Talmud, kinh Mormon, kinh Vệ Đà, kinh Avesta, Sinh tử kỳ thư của Ai Cập là gì? Chẳng phải bạn muốn nói tất cả những văn bản này đều là những câu chuyện hư cấu hay sao?...

Thượng viện La Mã tự cho mình có quyền năng biến người thường thành thần linh, rồi yêu cầu con dân đế chế phải thờ phụng các vị thần này. Chẳng phải đó là một sự hư cấu sao?". Với cách lập luận này, Harari kết luận: "Tôi biết nhiều người có thể sẽ không hài lòng khi tôi đánh đồng tôn giáo với hư cấu nhưng chính xác đấy là ý của tôi. Khi một ngàn người tin vào một câu chuyện được dựng ra trong một tháng thì đấy là hư cấu. Khi một tỷ người tin vào chuyện đó trong một ngàn năm, đấy là tôn giáo và chúng ta được khuyên là không được gọi đấy là "hư cấu" để không làm tổn thương cảm xúc của những người có đạo".

Trong quan điểm của mình, Harari không chỉ đánh đồng tôn giáo với hư cấu mà còn đánh đồng rất nhiều phạm trù khác với hư cấu, để rồi, theo ông, từ đó sản sinh ra hàng loạt những niềm tin sai biệt. Ví dụ như phạm trù quảng cáo thương mại, vốn gắn chặt với các vận động xã hội hiện đại: khi nghĩ đến một nhãn hiệu nước ngọt nổi tiếng nọ, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những con người trẻ trung, khỏe mạnh, vui tươi, thay vì nghĩ đến những bệnh nhân tiểu đường đang nằm trên giường bệnh.

Thực tế là càng uống nhiều loại nước ngọt này, người ta càng dễ bị tiểu đường và tăng cân. Thế nhưng, trong nhiều chục năm qua, hãng nước ngọt đã đầu tư nhiều triệu đô quảng cáo để kết nối hình ảnh của mình với tuổi trẻ và thế là hàng tỷ người tin vào sự kết nối này trong tiềm thức.

Chìm vào những câu chuyện, những ví dụ, những phân tích của Harari, chúng ta dễ đi tới một kết luận: chẳng phải đến tận thế kỷ 21 này, cái tính chất "hấu sự thật" với sự lên ngôi của các loại hình tưởng tượng - hư cấu đã gắn chặt với quá trình phát triển của con người. Giống loài này thậm chí là một giống loài hậu sự thật, nếu có thể nói thế. Và phải là một giống loại hậu sự thật thì nó mới tồn tại, phát triển được, thay vì chỉ tồn tại một cách bị động như nhiều giống loài ăn thịt khác.

Một câu chuyện rất cụ thể diễn ra từ năm 1255 được Harari dẫn để chứng minh rằng ở cái thế kỷ 13 ấy, không Internet, không Facebook, không mạng xã hội nhưng tính chất "hậu sự thật" đã xuất hiện và dẫn dự con người vào một cơn lầm lạc. Hồi ấy, một cậu bé người Anh tên là Hugh được tìm thấy trong một cái giếng ở thị trấn Lincoln.

Mặc dù chưa hề có Internet và Facebook thì tin đồn vẫn lan xa: cậu bé đó bị những người Do Thái địa phương sát hại theo hình thức hiến tế. Từ đó dẫn đến hàng loạt vụ trả thù và đến năm 1290 thì toàn bộ người Do Thái bị trục xuất khỏi nước Anh. Phải đến năm 1955, Nhà thờ Lớn ở Lincoln mới bác bỏ câu chuyện hiến tế mang nặng tính vu vạ này. Và như vậy là sự vụ vạ - tin đồn sai trái - tính chất hậu sự thật của câu chuyện đã tồn tại đến tận... 700 năm!

Quả đúng là chưa có Internet và mạng xã hội thì tính chất "hậu sự thật" như trong câu chuyện này là rất rõ. Nhưng, cũng phải thấy rằng đó là những câu chuyện điển hình, đụng chạm đến những mâu thuẫn sắc tộc mà trong lịch sử vốn chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng dễ bùng nổ thành đám cháy lớn. Nhưng, trong thời đại ngày hôm nay thì không cần những câu chuyện điển hình, đụng chạm vào những mâu thuẫn cơ bản trong lòng một xã hội như vậy, hàng loạt câu chuyện nhỏ nhặt hơn, với những con người, những số phận nhỏ lẻ hơn hoàn toàn có thể bị tính chất "hậu sự thật" làm cho biến dạng.

Bởi nếu quy mô lan truyền thông tin ngày xưa là 1 đồn 10, 10 đồn 100, 100 đồn 1.000, 1.000 đồn 1.000.000 thì bây giờ, với tốc độ truyền tin ngang bằng với tốc độ ánh sáng, 1 hoàn toàn có thể đồn ngay thành 1 tỷ chỉ trong nháy mắt. Và như thế tính sát thương mà "hậu sự thật" ngày hôm nay tạo ra là lớn hơn và kinh khủng hơn nhiều.

Thành thử, chúng ta dễ đồng ý với Harari ở khía cạnh: tính chất hư cấu/tưởng tượng đã tồn tại trong đời sống loài người từ thời sơ khai nhưng không dễ đồng tình với ông ở việc những đặc tính đó trùng khít với đặc tính "hậu sự thật" trong đời sống loài người hôm nay. Ngay cả khi có cố nhập hai đặc tính này làm một thì cũng phải nói thêm rằng: tốc độ hậu sự thật bây giờ giờ khủng khiếp hơn nhiều và vì thế hậu quả mà nó gây ra cũng khủng khiếp hơn nhiều.

Con người ở thế kỷ 21 đã làm ra những công cụ truyền tin - công cụ kết nối mang tính siêu việt, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng của chính con người chỉ khoảng hơn 10 năm về trước. Và có lẽ khi làm ra những công cụ này, con người cũng không thể lường trước rằng chính nó lại tạo nên một thời đại "hậu sự thật" làm tổn hại ngược trở lại đời sống của mình.

Hậu sự thật là một thời đại mà sự thật khách quan ít có ít ảnh hưởng đến việc hình thành quan điểm hơn là sự kêu gọi cảm xúc và những sự tin tưởng cá nhân, đấy là một đặc tính mà theo chúng tôi sẽ còn đưa con người ở thế kỷ 21 vào một cơn bối rối kéo dài.

Phan Mỹ Chí

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/tai-sao-harari-phu-nhan-thoi-dai-hau-su-that-567464/