Tại sao đức Phật vô giới tính?

Hồi còn nhỏ, mỗi khi theo bà vào chùa, đứng trước ban thờ Tam Bảo tôi thường tự đặt cho mình câu hỏi: Đức Phật ngồi trên ngai cao kia là đàn ông hay đàn bà?

Vì quả thật, trong quan sát của chú - bé - tôi ngày ấy, gương mặt Đức Phật không hẳn ra gương mặt đàn ông, mà cũng không hẳn ra gương mặt đàn bà.

Sau này lớn lên, đọc sách, thấy người ta viết là "Ông Phật" thì nghi vấn: Ồ, vậy phải chăng, Đức Phật là đàn ông? Lớn nữa, đọc sâu hơn, biết về câu chuyện của chàng hoàng tử Tất Đạt Đa bỏ kinh thành Ca Tỳ La Vệ đi tu thì tôi đã trả lời chắc nịch: Đức Phật đúng là đàn ông rồi. Chắc chắn là đàn ông. Không thể khác!

Nhưng rồi đến bây giờ, khi đã trưởng thành, mỗi khi lắng lòng mình, nhìn sâu vào gương mặt Đức Phật trên rất nhiều các bức tượng ở rất nhiều ngôi chùa (thuộc các trường phái làm tượng khác nhau), tôi vẫn cứ thắc mắc: Tại sao gương mặt ấy vẫn không rõ hẳn ra một gương mặt đàn ông, như lẽ ra phải thế?

Tại vì tôi bị những ý nghĩ thủa ấu thơ ám ảnh chăng? Hay tại vì con mắt thẩm mĩ của tôi có vấn đề? Không trả lời được một mớ thắc mắc ấy, tôi lại chọn giải pháp quay về tự trách tôi: Đúng là ý nghĩ của một kẻ vô minh, chìm đắm hoàn toàn trong bể khổ dục giới. Vì có lẽ, chỉ vô minh và bị kiến chấp vào những u sầu dục giới thì mới hỏi một câu hỏi như vậy. Chứ còn với Đức Thế Tôn thì một câu hỏi như vậy, xét cho cùng có ý nghĩa gì đâu!

Khi còn là một hoàng tử, Phật đúng là đàn ông. Thậm chí người đàn ông ấy đã có vợ, có con như bao nhiêu người đàn ông bình thường khác.

Khi khước từ vị thế của một hoàng tử để đi tu theo trường khổ hạnh, Phật chắc chắn vẫn là đàn ông. Người đàn ông lúc này thậm chí suýt chết, vì khổ hạnh quá - ép xác quá nên trong cơ thể đã không còn những chất dinh dưỡng tối thiểu của một thực thể sống. May thay lúc đó có một cô gái xuất hiện, cho người đàn ông uống một bát sữa, và nhờ thế người đàn ông mới có cơ hội tiếp tục hành trình đi tìm lý tưởng của mình.

Ngày đầu tiên ngồi dưới gốc cây bồ đề, nấc thang đầu tiên trong những nấc thang tu tập để sau này chạm vào lý tưởng, Phật vẫn cứ là đàn ông. Ngày thứ 2 cũng thế. Ngày thứ 3 cũng thế.

Đến ngày thứ 48 cũng y như thế. Nhưng đến ngày thứ 49 - ngày chính thức trở thành một NGƯỜI THỨC TỈNH, đạt tới một cảnh giới TUÊå GIÁC tối cao thì có lẽ khái niệm đàn ông - đàn bà không còn quan trọng nữa. Nói cho chính xác, lúc ấy, đàn ông, đàn bà không có bất cứ một ý nghĩa nào nữa.

Sau này đi thuyết pháp, hẳn nhiên Phật không xưng "tôi" (cái đại từ nhân xưng mà một kẻ vô minh dốt nát như người viết bài này đang sử dụng), vì bản chất của đạo Phật là thoát khỏi cái tôi - bản ngã, để hướng đến trạng thái vô ngã. Phật cũng ít khi xưng là "ta", vì "ta" vẫn cứ gắn với ngã. Phật thường xưng là NHƯ LAI, và vì thế mà bây giờ chúng ta vẫn hay gọi ngài là đức Phật Tổ Như Lai.

Hai chữ "Như Lai" trong bốn chữ "Phật Tổ Như Lai" từ trăm ngàn năm qua được mặc định, mặc khải trong nó một ý nghĩa cao quý, với tất cả những sự sùng bái tối cao. Nhưng thực ra NHƯ LAI mang một ý nghĩa rất đơn giản mà sâu sắc, rất triết học mà lại rất phi triết học, đó là: Không đến từ đâu và không đi về đâu cả.

Nếu triết học thuần túy bị ám ảnh bởi 2 câu hỏi vĩ đại: Chúng ta đến từ đâu và chúng ta đi về đâu thì "triết học Phật giáo" (nếu có thể nói như vậy) với danh xưng "Như Lai" lại trả lời rõ ràng vậy đấy. Với danh xưng này chúng ta hiểu, ông tổ của trường phái triết học này là người chẳng đến từ một thiên đường cụ thể nào và cũng chẳng đi về một thiên đường cụ thể nào.

Không có nguyên nhân đầu tiên, không có kết quả sau cuối, vạn vật (trong đó có con người) đơn giản là do duyên mà thành, hết duyên mà diệt. Đã "không đến từ đâu" cũng "không đi về đâu" thì việc đàn ông/đàn bà hay đàn A, B, C, X, Y, Z... còn gì quan trọng nữa. Đã trở thành một bậc đại giác ngộ của thế gian, hiểu thấu những nỗi khổ niềm đau của thế gian thì đàn ông/đàn bà còn gì quan trọng nữa.

Nhận thức luận Phật giáo thường chia làm hai cấp độ, đó là thế tục đế và thắng nghĩa đế. Ở cấp độ thứ nhất - thế tục đế, Đức Phật nói đến những sự thật mang tính ước lệ như trên và dưới, trong và ngoài, cha và con, cái này và cái kia...

Phải sử dụng một hệ thống những sự thật ước lệ như vậy, lại thông qua ngôn ngữ nói (cái thứ mà xét về bản chất cũng mang tính ước lệ) để các tín đồ có thể dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu giáo lý của mình. Và khi đã tiếp cận - thấu hiểu và đốn ngộ thì tín đồ nhà Phật sẽ phải hướng đến cấp độ thứ hai của nhận thức, đó là thắng nghĩa đế.

Thế nào là thắng nghĩa đế? Là sự thật tuyệt đối! Là chân lý tuyệt đối. Và trong lăng kính của chân lý tuyệt đối thì làm gì có trên có dưới, có trong có ngoài, có cha có con, có cái này cái kia... Ở cặp phạm trù cha - con chẳng hạn, nếu ngẫm nghĩ kỹ sẽ thấy trong cha có con, trong con có cha. "Sắc sắc không không" được hiểu theo nghĩa này.

Câu chuyện nam/nữ có lẽ cần được nhìn nhận ở cả hai cấp độ nhận thức này. Với cấp độ thế tục đế, hẳn nhiên có nam và có nữ, và việc "chia đôi sơn hà" như thế là bản chất của một vận động sống.

Nhưng với cấp độ thắng nghĩa đế, chúng ta có quyền nghĩ rằng, trong nam có nữ, trong nữ có nam. Và với một người ở vào đỉnh cao tuệ giác như Đức Phật thì hẳn nhiên chuyện nam/nữ lúc này là vô nghĩa.

Cũng vì thế mà một người đàn ông đứng trước tượng Phật, và có cả TÂM lẫn TUÊå (nhất định phải có TUÊå) để tu học theo Phật, chắc chắn sẽ thấy một phần nhân trắc của mình trong nhân trắc Phật.

Cũng như vậy, một người đàn bà đứng trước tượng Phật, và có cả TÂM lẫn TUÊå (chắc chắn phải có TUÊå) để tu học theo Phật, cũng sẽ thấy một phần nhân trắc của mình trong nhân trắc phật.

Mà ngay cả nhân trắc Phật, thể hiện ở những bức tượng hay những tấm hình cũng là một thứ nhân trắc tưởng tượng của người đời sau. Thế nên khi đã có cả TÂM lẫn TUÊå để đi theo chánh niệm thì người ta có thể cảm nhận được một nhân trắc Phật trong một cái chén, một cái bát, một cái điện thoại di động hay một cái điều khiển tivi. Thiền sư Nhật Bản Soko Morinaga mới bảo: "Hãy rửa một cái chén như đang tắm cho một vị Phật" là vì thế.

Đời thực của Phật đúng là cuộc đời của một người đàn ông. Nhưng khi Phật đã là Phật thì hạnh phúc thay, cả đàn ông hay đàn bà trong cõi ta bà đau khổ này đều có quyền được thấy những phần nhỏ nào đó của mình trong Phật.

Một tiếng chuông (chỉ một tiếng chuông thôi) được đánh lên, một nén hương (chỉ một nén hương thôi) được đốt lên, một âm thanh vang trầm bay lên - một cột khói mảnh mai bé nhỏ bay lên, bay qua gương mặt Phật, lan tỏa trong cõi ta bà, và bay lên những miền xa xôi vô lượng kiếp... chính trong khoảnh khắc thinh lặng tột cùng ấy, ta sẽ nghe thấy một câu trả lời nhè nhẹ bay ra từ chính trái tim mình, cho một câu hỏi - một nỗi ám ảnh lớn trong ta: rốt cuộc, Đức Phật là ai?

Trong khoảnh khắc ấy, tùy duyên của mình mà mỗi người có thể sẽ có một câu trả lời khác nhau, cho dù Đức Phật Tổ Như Lai thì chỉ có một. Tiếng chuông như những gợn sóng lan tỏa xa xôi, thăm thẳm.

Những sợi khói được chẻ từ một cột khói mảnh mai đã bay tới những miền vô lượng kiếp...

Lòng ta thinh lặng quá!

Phan Mỹ Chí

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tai-sao-duc-phat-vo-gioi-tinh-534518/