Tại sao dư luận bức xúc với sách giáo khoa lớp 1

Trong những ngày gần đây, đông đảo người dân và dư luận có rất nhiều ý kiến phản ánh những bức xúc về chất lượng và nội dung của cuốn sách giáo khoa lớp 1 trong bộ sách giáo khoa Cánh diều.

Đa số người quan tâm cho rằng cuốn sách là một ấn phẩm kém chất lượng, mắc rất nhiều lỗi và không thể là một cuốn sách giáo khoa phục vụ việc dạy học trẻ lớp 1 hiện nay.

Đi sâu phân tích nội dung cuốn sách, nhiều ý kiến cho thấy, bên cạnh việc mắc rất nhiều lỗi chính tả, như viết sai, viết hoa tùy tiện, cuốn sách cũng mắc khá nhiều lỗi ngữ pháp, diễn đạt lúng túng, tối nghĩa, mơ hồ, cẩu thả; đồng thời đưa vào nội dung những biện pháp tu từ như nhân cách hóa, các phép ẩn dụ, hoán dụ… không phù hợp với vốn từ vựng, sự hiểu biết của trẻ em Việt Nam lứa tuổi lớp 1.

Cạnh đó, còn thấy trong nội dung cuốn sách có rất nhiều từ ngữ mang tính phương ngữ, biệt ngữ khó hiểu. Chẳng hạn những từ như: “chả” (không, chẳng), “nhá” (nhai), “gà nhiếp” (gà con, gà nhép)... gây khó hiểu cho trẻ, cho thấy đây là một ấn phẩm thiếu tính chuyên nghiệp và không có tính sư phạm.

Đặc biệt hơn, cuốn sách đã trích dẫn nhiều hình ảnh, những câu chuyện ngụ ngôn xa lạ, trong khi trong kho tàng văn học Việt Nam không thiếu gì những câu chuyện, hình ảnh, ca dao, tục ngữ gần gũi, đồng dao thân thương, dễ hiểu mà các cháu đã được tiếp xúc hàng ngày, qua những lời ru, những câu chuyện ông bà, bố mẹ truyền đạt...

Điều còn đáng chú ý hơn, những câu chuyện ngụ ngôn của La Phontaine, Aesop, hoặc của văn hào Nga nổi tiếng Lev Tolstoy... được trích dẫn trong sách giáo khoa lớp 1 đều được trích, dịch một cách rất ẩu, tối nghĩa, vụng về, gượng ép, thậm chí ngớ ngẩn, bị cắt xén tùy tiện làm sai hẳn ý nghĩa, phản giáo dục, không thể tin được là của những chuyên gia giáo dục, lại đã được cả một hội đồng đông đảo gồm những giáo sư, tiến sỹ thẩm định...

Đơn cử như bài “Ve và gà” - Thực ra trong truyện truyện ngụ ngôn La Fontaine là “Ve và kiến”. Chưa nói việc thay “kiến” thành “gà” là rất gượng ép và vi phạm quyền tác giả, những lời lẽ trong bài thật ngô nghê, phản cảm: “Chị…cho ve tí gì nhé”, “Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chẳng lo gì”... đây cũng là cách viết rất ẩu, bởi các cháu lớp 1 lâu nay vẫn biết ve chỉ hay hát, nay các nhà soạn sách còn thêm cho ve biết múa!

Hoặc trong bài "Hai con ngựa", có nội dung như sau: "Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác, còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc: Chị làm hùng hục như thế để làm gì? Ngựa ô ngạc nhiên: Không làm thì ông chủ mắng. Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn. Ngựa ô lẩm bẩm: Có lí lắm". Nhiều phụ huynh băn khoăn: Bài học đạo đức ở đây là gì, có phải sách dạy các cháu lười lao động không?

Một bài khác: “Quạ đậu ở mỏm đá, mỏ ngậm khổ mỡ to, chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ. Nó giả vờ: - À ca sỹ quạ, quạ mà ca thì mê lắm. Quạ há to mỏ: - quà, quà. Thế là “bộp” khổ mỡ của quạ đã nằm kề mõm chó, chó tợp lấy tha đi”. Với bài này, chỉ riêng chữ “khổ mỡ” đã thấy không giống với cách viết thông thường. Bởi các cháu sẽ rất dễ hiểu nếu viết là “miếng mỡ”, còn “khổ mỡ” thì ngay đến cả người lớn cũng chẳng hiểu là gì. Chưa nói đến các từ “cuỗm”, “tợp” đều là những từ rất thô thiển, xấu xí đối với với trẻ nhỏ. Chỉ qua vài câu trong một bài tập đọc ngắn, đã thấy xuất hiện vô số “hạt sạn”. Cạnh đó, ta có thể tự hỏi: bài học rút ra ở đây là gì, khi người ta dạy cho trẻ con cách cướp miếng ăn của người khác?

Một ví dụ nữa cũng tương tự: "Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần chén hết đàn cá". Ở đây, hình ảnh con cò thân thương trong ca dao, tục ngữ Việt Nam đã bị biến thành một kẻ lọc lừa độc ác, ăn thịt bạn bè. Qua nội dung này, không biết trẻ sẽ học được bài học gì thì xin bạn đọc tự nhận xét.

Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, sách giáo khoa lớp 1 phải đảm bảo yếu tố cung cấp kiến thức chuẩn, phù hợp tâm lý lứa tuổi, đồng thời phải có tính nhân đạo, nhân văn. Những ý nghĩa và bài học rút ra từ đây phải mang lại một giá trị, một ý nghĩa nào đó. Nếu sách dạy trẻ em mà lại có những bài học cổ vũ bạo lực, lừa đảo thì rất phản giáo dục và tác hại sẽ rất to lớn...

Bác Hồ từng dạy: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn chơi biết học hành là ngoan”. Đông đảo ý kiến cho rằng, Trẻ học lớp 1 với lứa tuổi khoảng 6, 7 tuổi bắt đầu bước vào trường lớp có tâm hồn như tờ giấy trắng, rất cần được nâng niu, dạy dỗ đúng cách. Ở độ tuổi các cháu, chỉ cần học những bài học đơn giản, bình dị, ngắn gọn, dễ hiểu, mang đậm tính định hình và tính giáo dục. Sách giáo khoa lớp 1 chỉ nên dùng ngữ liệu là những câu chuyện đẹp, ngôn từ hay, định hướng tốt, có thể giáo dục cho các cháu lối sống, kỹ năng và có thể lấy từ chính dòng văn học dân gian, văn họ thành văn, ca dao tục ngữ của dân tộc và từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống hằng ngày để giáo dục các cháu. Với thực trạng trên, có thể thấy rằng, cuốn sách giáo khoa lớp 1 trong bộ sách giáo khoa Cánh diều khó mà đáp ứng được yêu cầu và không thể đưa vào để dạy cho học sinh lớp 1 hiện nay.

Trước bức xúc của dư luận, sáng 13/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tại thành phố Hải Phòng, đã trả lời các câu hỏi của cử tri về vấn đề sách giáo khoa lớp 1. Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Phó Thủ tướng trực tiếp theo dõi, làm rõ và xử lý; chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm tục tiếp thu ý kiến của cử tri. Thủ tướng nhấn mạnh hiện các cơ quan liên quan đang rà soát và sẽ có công bố chính thức để báo cáo với Quốc hội và cử tri. Trong trường hợp nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm. Bởi sách giáo khoa là vấn đề liên quan đến từng nhà, từng gia đình, cần tiết kiệm cho người dân; đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu cần có bộ sách giáo khoa, sách tham khảo phù hợp với văn hóa Việt Nam, trẻ em Việt Nam.

Đào Nguyên Lan

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tai-sao-du-luan-buc-xuc-voi-sach-giao-khoa-lop-1-79920