Tại sao doanh nghiệp trong nước ngày càng tụt so với FDI?

Đây là câu hỏi được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra khi thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội vào chiều 23/10.

Tại phiên họp tổ 2, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP HCM) đánh giá, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, nhất là FDI với tỷ trọng xuất khẩu lên tới 70%. Trong khi đó, liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa yếu, nguồn nguyên liệu nhập khá lớn.

"Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế thế giới có sự biến động, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên áp lực tỷ giá, lãi suất cao", báo Dân trí dẫn lời ông Tuấn nhận định.

Theo vị ĐBQH, nguồn lực xã hội lớn do các doanh nghiệp thành lập mới nhưng số lượng doanh nghiệp chờ phá sản chiếm tỷ trọng cao, trên 50.000 doanh nghiệp, cho thấy hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.

Đại biểu Phạm Phú Quốc

Qua theo dõi chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, một số chi phí không được cải thiện như chi phí logistic khiến giá hàng hóa dịch vụ cao, sức cạnh tranh ngang giá so với sản phẩm cùng loại chưa hấp dẫn; chưa kể chất lượng, mẫu mã chưa cải thiện. Chi phí không chính thức vẫn chưa cải thiện, khiến doanh nghiệp gặp khó trong hạch toán trong sản xuất.

Đại biểu Phạm Phú Quốc cũng lo lắng về lượng doanh nghiệp giải thể lớn, tăng 46% so với cùng kỳ 2018. Ông cho rằng, vấn đề này cần nhìn nhận để có giải pháp, Chính phủ cần tạo môi trường để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ông Quốc quan ngại, môi trường doanh nghiệp trong nước ra sao khiến doanh nghiệp trong nước ngày càng "tụt" so với FDI. Ví dụ Samsung, mối quan hệ giữa Nam - Bắc Hàn tốt thì họ có thể thay đổi cơ cấu đầu tư, khi đó lượng vốn rót vào đầu tư ở Việt Nam có còn giữ ở mức cao? Đây là thực tế cần đặt ra, tính toán.

Ngoài ra, ông Quốc cũng cho rằng, hiện Việt Nam thiếu hẳn thị trường vốn để cung ứng cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp vẫn dựa vào chủ yếu là vốn vay.

Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, còn có lý do khác trong chuyện doanh nghiệp phá sản số lượng lớn chứ không đơn thuần vì môi trường kinh doanh cải thiện chưa như kỳ vọng.

Theo ông Nghĩa, đang có hiện tượng lập doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn, trốn thuế rồi sau đó giải thể và lại lập đơn vị mới. Hiện tượng này xảy ra trong thực tế, lặp đi lặp lại mà không có sự kiểm soát.

"Trong số hơn mấy chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, giải thể có không ít là doanh nghiệp ma. Họ lập ra để buôn bán hóa đơn, nợ thuế rồi tự mình đóng cửa, rồi lại lập doanh nghiệp mới và lặp lại chu trình trên", đại biểu Nghĩa nói, và đề nghị Chính phủ rà soát để đánh giá đúng hiện tượng này.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tai-sao-doanh-nghiep-trong-nuoc-ngay-cang-tut-so-voi-fdi-3367869/