Tại sao doanh nghiệp cần thành lập ủy ban kiểm toán?

Việc áp dụng mô hình ủy ban kiểm toán (UBKT) sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến báo cáo tài chính, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Mô hình UBKT đã được áp dụng ở nhiều quốc gia có hệ thống quản trị công ty tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, UBKT còn là khái niệm khá mới mẻ, thậm chí còn chưa được hiểu một cách đầy đủ. Năm 2014, lần đầu tiên, khái niệm này được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều 134 của Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra hai lựa chọn về cơ cấu quản trị của một doanh nghiệp. Theo đó, các công ty cổ phần có thể lựa chọn: giữ nguyên mô hình ban kiểm soát hiện có; hoặc thành lập một ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị (HĐQT) với yêu cầu tối thiểu có 20% thành viên độc lập trong HĐQT.

Luật Doanh nghiệp đưa ra thuật ngữ “ban kiểm toán nội bộ” để ám chỉ UBKT theo mô hình quản trị tiên tiến, nhưng thuật ngữ này dễ bị hiểu nhầm thành bộ phận kiểm toán nội bộ (có chức năng thực hiện các công việc kiểm toán nội bộ theo các chuẩn mực về kiểm toán nội bộ).

UBKT là gì?

Không có một định nghĩa chung, nhưng đa số các quốc gia coi UBKT là một ủy ban chuyên môn trực thuộc HĐQT, giúp HĐQT thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của HĐQT.

Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và các nguyên tắc hoạt động chính cần được quy định trong điều lệ/quy chế hoạt động của UBKT. Mặc dù quy định cụ thể của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức có thể khác nhau, nhưng tựu trung lại, UBKT thường có các nhiệm vụ hỗ trợ HĐQT trong vai trò giám sát của mình. Thông qua các nhiệm vụ của mình, UBKT sẽ giúp làm gia tăng giá trị của công ty.

Cụ thể, UBKT thường chịu trách nhiệm giám sát hệ thống quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp. Mặc dù không phải tất cả, nhưng UBKT thường được HĐQT giao nhiệm vụ giám sát hệ thống quản lý rủi ro và KSNB liên quan đến báo cáo tài chính, gian lận, tuân thủ, công nghệ thông tin, đạo đức. UBKT thường sử dụng bộ phận kiểm toán nội bộ để hỗ trợ thực hiện chức năng giám sát này. Trong các tổ chức có rủi ro cao hơn, HĐQT có thể thành lập riêng một ủy ban (ví dụ ủy ban quản lý rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng) để giám sát hệ thống quản lý rủi ro của doanh nghiệp.

Một trong các chức năng chính của UBKT chính là việc giám sát hệ thống báo cáo tài chính. UBKT thường được yêu cầu rà soát báo cáo tài chính, công bố thông tin và báo cáo cho HĐQT các vấn đề trọng yếu có liên quan. Thành viên UBKT thường được quy định là các thành viên độc lập và có chuyên môn về kế toán, kiểm toán để có thể thực hiện tốt chức năng này.

Để thực hiện tốt vai trò của này của mình, UBKT có một trách nhiệm rất lớn khi làm việc với kiểm toán độc lập. UBKT cần phải đánh giá và giám sát về chuyên môn, tính độc lập và khả năng đáp ứng công việc của kiểm toán độc lập. UBKT cũng là người rà soát các điều chỉnh được đề xuất và thư quản lý được lập bởi kiểm toán độc lập.

Để thực hiện chức năng của mình, UBKT thường cần có sự giúp đỡ của bộ phận kiểm toán nội bộ. Theo quy định tại Nghị định 05/2019/NĐ-CP ban hành ngày 21/1/2019 của Chính phủ, các doanh nghiệp niêm yết cần thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ báo cáo về mặt chuyên môn lên cho HĐQT. Theo thông lệ tốt nhất, UBKT được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp và giám sát các hoạt động của kiểm toán nội bộ như là tuyến phòng thủ thứ 3 của doanh nghiệp.

Trong một số trường hợp, UBKT có thể được yêu cầu giám sát các chương trình tuân thủ và đạo đức của doanh nghiệp. UBKT cần hiểu được các rủi ro tuân thủ và đạo đức trong doanh nghiệp và mức độ ảnh hưởng của các rủi ro này tới hoạt động của doanh nghiệp.

Những giá trị khác UBKT có thể mang lại

Rõ ràng, với vai trò hỗ trợ HĐQT trong các hoạt động giám sát liên quan đến báo cáo tài chính, hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán độc lập như nêu ở trên, UBKT sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Tuy nhiên, UBKT còn có thể hỗ trợ đắc lực hơn cho HĐQT và doanh nghiệp thông qua:

Tính độc lập

Thông lệ quốc tế quy định phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) các thành viên của UBKT cần phải là thành viên độc lập. Chủ tịch UBKT cũng cần là thành viên độc lập. Vị thế độc lập của UBKT và thành viên của UBKT sẽ cho phép họ thực hiện công việc mà không phải chịu các sức ép không cần thiết.

Vị trí thuộc HĐQT

Mặc dù ở Việt Nam không có quy định rõ, nhưng theo thông lệ tốt, các thành viên của UBKT cũng sẽ đồng thời là thành viên HĐQT. Với vị thế của mình, UBKT sẽ có tiếng nói có trọng lượng hơn khi làm việc với ban điều hành và kiểm toán độc lập. Hơn thế nữa, vị thế của UBKT sẽ đảm bảo họ được tiếp xúc thường xuyên hơn với các thông tin của doanh nghiệp và sẽ không cảm thấy bị “cô đơn”.

Tính chuyên môn và nguồn lực sẵn có

Với các yêu cầu của luật cũng như theo thông lệ quốc tế, các thành viên UBKT phải là những người cho chuyên môn sâu về kế toán, kiểm toán, quản lý rủi ro, luật. Ngoài ra, UBKT được hỗ trợ bởi “cánh tay nối dài” của mình là bộ phận kiểm toán nội bộ. Việc này sẽ cho phép UBKT có thể thực hiện được tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Nguyễn Viết Thịnh, CEO Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) CIA, FCCA, MBA

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/tai-sao-doanh-nghiep-can-thanh-lap-uy-ban-kiem-toan-262859.html