Tại sao 'Đại bàng vàng' Su-47 Berkut lại chết yểu?

'Đại bàng vàng' Su-47 Berkut của Liên Xô có thiết kế tàng hình, tốc độ và khả năng linh hoạt tuyệt vời, nhưng không được sản xuất hàng loạt.

Bối cảnh ra đời của thiết kế Su-47 Berkut

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (NI) của Mỹ, chuyên gia Sébastien Roblin viết rằng, vào năm 1996, tập san định kỳ số tháng 3/tháng 4 Air Fleet Bulletin của quân đội Nga đã công bố một bức ảnh thoạt nhìn có vẻ rất bình thường về cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo quân sự Nga và các đối tác của ngành hàng không.

Đặt trên bàn trước mặt họ là hai chiếc máy bay mô hình. Một là một biến thể tiên tiến của máy bay chiến đấu đa năng Flanker nổi tiếng lúc bấy giờ; cái còn lại là một chiếc máy bay phản lực màu đen kỳ lạ với đôi cánh ngược về phía trước, dường như đã bị thiết kế sai cách.

Cho dù hình ảnh bị rò rỉ do vô tình hay là cố ý, nó đã tạo ra một cơn bão phấn khích trên báo chí phương Tây và Nga, dự báo sự ra đời của một máy bay phản lực tiên tiến mới có thể vượt trội hơn máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ, mà phiên bản sản xuất hàng loạt của nó đã thực hiện chuyến bay đầu tiên cũng trong năm đó.

Trên thực tế, mô hình này đại diện cho một thiết kế chiến đấu cơ áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của Nga lúc bấy giờ, đó là chiếc máy bay phản lực cánh ngược Sukhoi Su-47 Berkut (“Đại bàng vàng” - Golden Eagle).

Đầu những năm 1980, khi Liên Xô giới thiệu các máy bay phản lực thế hệ thứ tư Su-27 và MiG-29 để làm đối trọng với F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon của Mỹ, họ đã nghĩ trước đến việc phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm để đánh bại “Chương trình phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ”, mà sản phẩm cuối cùng là chiếc F-22 Raptor.

Công nghệ vật liệu đã không đáp ứng được thiết kế độc đáo của Su-47 Berkut

Công nghệ vật liệu đã không đáp ứng được thiết kế độc đáo của Su-47 Berkut

Vào thời điểm đó, Hải quân Liên Xô đã tìm kiếm một máy bay chiến đấu mới có đặc tính tốc độ bay thấp tốt để cất cánh trên tàu sân bay trang bị máy phóng hơi nước Ulyanovsk, được đóng tại Ukraine năm 1988.

Trong bối cảnh đó, Mikoyan Gurevich đã phát triển một thiết kế chiến đấu cơ tàng hình trên cơ sở chiếc MiG 1.44, mà dự án này đã bị hủy bỏ 10 năm sau khi Liên Xô sụp đổ.

Còn nhà sản xuất Sukhoi đã chọn khám phá khái niệm “cánh ngược” (Forward Swept Wings - FSW), mà theo lý thuyết sẽ cho phép tăng khả năng cơ động đáng kể, đặc biệt là ở tốc độ thấp và góc tấn công cao, khả năng ổn định được cải thiện, rút ngắn khoảng cách cất cánh và phạm vi hoạt động lớn hơn, bằng cách giảm sức cản không khí.

Thiết kế của Sukhoi, ở nhiều thời điểm khác nhau được gọi là S-22, Su-27KM, S-37 và cuối cùng là Su-47, cũng có các cánh ngược và một bộ cánh nhỏ thứ hai bên cạnh buồng lái (cánh mũi) giúp tăng cường khả năng cơ động và lực nâng. Cùng với đôi cánh quét về phía trước, cánh mũi và bộ ổn định đuôi ngang đã tạo cho S-37 một cấu hình máy bay ba mặt phẳng.

Ngoài các yếu tố mới này, Su-47 vẫn giữ cấu hình thân máy bay và đuôi kép từ Su-27 Flanker, mặc dù có sự khác biệt lớn so với Su-27 ở điểm cấu trúc đuôi không đều, cái ngắn, cái dài hẳn ra phía sau để mang theo radar.

Hai động cơ phản lực D-30F-11, giống như những động cơ trên máy bay đánh chặn MiG-31 Fox Foxhound, cung cấp cho Su-47 một lực đẩy rất mạnh mẽ, mặc dù cuối cùng một động cơ phản lực đẩy AL-41F tiên tiến hơn đã được lên kế hoạch thay thế.

Giống như F-16, Su-47 có khả năng phản ứng và điều chỉnh bay rất nhanh, do nó đã dựa vào hệ thống fly-by-wire để tự động sửa các đặc điểm không ổn định về mặt khí động học của mình. Do đó, máy bay điều khiển ở tốc độ thấp tốt, điều này khiến nó trở nên rất hấp dẫn trong vai trò một máy bay chiến đấu trang bị trên tàu sân bay.

Nhưng với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, nhu cầu về tàu sân bay Ulyanovsk và máy bay chiến đấu trên tàu sân bay mới của hải quân Nga đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, dự án Sukhoi đã đi đủ xa để nhà sản xuất có thể sử dụng nguồn lực riêng để hoàn thành một mô hình trình diễn.

Nút thắt công nghệ mà Nga không thể vượt qua

Vào cuối Thế chiến II, Hồng quân đã bắt được các nguyên mẫu của một máy bay ném bom phản lực Ju-287 của Đức Quốc xã đang được chế tạo kết hợp với cánh quét về phía trước.

Tuy nhiên, cánh ngược đã không được áp dụng rộng rãi vì chúng đòi hỏi đôi cánh cực kỳ chắc chắn để chịu được áp lực xoắn đàn hồi tác động lên phần gốc cánh. Trọng lượng tăng thêm để gia cố độ dầy của cánh đã làm mất đi những lợi ích của cấu hình cánh ngược.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tai-sao-dai-bang-vang-su-47-berkut-lai-chet-yeu-3379059/