Tại sao cứ phải đi để trở về?

Cuối cùng thì bầu Đức cũng đành thổ lộ, ông và trợ lý đã tính đến chuyện: có khi phải đưa đội bóng của mình sang thi đấu ở giải của các nước trong khu vực thay vì ở V-League.

Đây không phải lần đầu tiên bầu Đức có ý định “ly khai” khỏi giải đấu “quốc doanh”, giải V-League do VFF tổ chức. Lần đầu là khi ông cùng bầu Kiên và một số ông bầu lập ra VPF nhằm tách chuyện điều hành giải V-League khỏi VFF, cùng lời hứa: “Sẽ xử lý chuyện một ông bầu nhiều đội bóng nhằm lập lại công bằng cho giải đấu”.

Thậm chí, phương án khác được nêu ra, nếu VFF không đồng thuận, các ông bầu sẽ đứng ra tổ chức một giải đấu khác. Rất tiếc, khi VPF ra đời chẳng được bao lâu thì bầu Kiên vướng vòng lao lý. VPF mất đi “minh chủ”, việc điều hành của công ty này lại dần trở lại gắn bó với VFF như mọi người đã thấy.

Tất nhiên, cùng với đó, câu chuyện một ông bầu nhiều đội bóng vẫn là sự ấm ức của nhiều câu lạc bộ còn lại. Bằng chứng là bầu Thụy, bầu Quyết… đều nêu lý do từ giã bóng đá vì chuyện không thể làm gì hơn, vì đầu tư mãi mà đội bóng của mình chẳng thể có thành tích do không chống lại được “thế lực” có VFF hậu thuẫn.

Bầu Đức từng thách đố HLV Chung Hae-seong của CLB TP.HCM đặt mục tiêu vô địch V.League 2019 nhưng bây giờ đã khác... Ảnh: Đình Thảo

Bầu Đức từng thách đố HLV Chung Hae-seong của CLB TP.HCM đặt mục tiêu vô địch V.League 2019 nhưng bây giờ đã khác... Ảnh: Đình Thảo

Mùa bóng 2019 một lần nữa chứng kiến, chuyện các đội bóng bức xúc khi mà lời “tiên tri” của bầu Đức mới đây lại đúng. Bất chấp Câu lạc bộ TP.HCM đang dẫn đầu với khoảng cách hơn 5 điểm so với Hà Nội. Bầu Đức chắc nịch nói: “TP.HCM mà vô địch, thua gì tôi cũng thua. Làm gì có chuyện một ông béo đánh lại 5 ông gầy”.

Quả nhiên, Câu lạc bộ TP.HCM thua một lèo, tuột xuống thứ nhì trên bảng xếp hạng. Không chỉ vậy, đội bóng của bầu Đức thua liên tục với những sai sót của trọng tài, chẳng hiểu sao cứ nhắm vào đội bóng phố núi.

Và bầu Đức không nhịn nữa. Ông tuyên bố, đội của mình có xuống hạng cũng chẳng sao, bởi ông tin, người hâm mộ sẽ vẫn ủng hộ đội bóng vì suy cho cùng, thể thao chính là cái đẹp và sự cao thượng chứ không phải chỉ là thành tích.

Nhưng, đương nhiên, để cái đẹp được duy trì, để sự cao thượng được bảo vệ, ông cũng đã tính đến chuyện cho câu lạc bộ của mình sang giải Thái Lan hoặc Singapore thi đấu. Rồi sau đó, khi cần, cầu thủ của ông sẽ quay lại quê nhà đóng góp cho đội tuyển quốc gia.

Vậy thì chẳng có lý gì HAGL với những cầu thủ đang được yêu mến nhất nhì Việt Nam lại chẳng thể có thêm thành công nếu thi đấu trong khu vực. Với cách tính này, không những HAGL có được sự hâm mộ của người dân trong nước mà còn có thể thu hút thêm sự quan tâm của những kiều bào, thậm chí là người dân địa phương, nơi mà họ chọn đóng quân.

Nhưng câu hỏi được đặt ra, vì sao và vì sao, người ta cứ phải chọn cách đi để trở về. Đi tìm sự minh bạch rồi đóng góp ngược lại cho đất nước, trong khi ngay chính giải đấu trên quê hương lại luôn phải đối đầu với sự thiếu minh bạch.

Tất Đạt

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tai-sao-cu-phai-di-de-tro-ve-20347.html