Tại sao có F-35, nhưng Hàn Quốc vẫn nâng cấp tiêm kích F-16?

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã phê duyệt thỏa thuận cung cấp các gói nâng cấp máy bay chiến đấu F-16 trị giá 194 triệu USD cho Không quân Hàn Quốc; mặc dù có kế hoạch tiếp tục mua thêm F-35, nhưng Hàn Quốc vẫn tin tưởng vào số F-16 hiện có trong biên chế.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài của Chính phủ Mỹ. Theo đó, nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sẽ nâng cấp tiêm kích F-16 của Không quân Hàn Quốc lên gần tiêu chuẩn F-16V Viper, phiên bản F-16 mới nhất hiện nay của Không quân Mỹ. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc thực hiện màn “Voi đi bộ” - Nguồn: Wikipedia.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài của Chính phủ Mỹ. Theo đó, nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sẽ nâng cấp tiêm kích F-16 của Không quân Hàn Quốc lên gần tiêu chuẩn F-16V Viper, phiên bản F-16 mới nhất hiện nay của Không quân Mỹ. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc thực hiện màn “Voi đi bộ” - Nguồn: Wikipedia.

Hiện nay Quân đội Hàn Quốc đang sử dụng 10 phi đội máy bay chiến đấu KF-16C/D, trong đó gồm 118 chiếc KF-16C và 45 chiếc KF-16D; KF-16 là tên gọi của phiên bản F-16 Block 52 Fighting Falcon dành riêng cho Không quân Hàn Quốc. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

F-16 bắt đầu được sản xuất tại Hàn Quốc từ những năm 1990 theo phương thức chuyển giao công nghệ từ Hãng Lockheed Martin của Mỹ, nhưng được sửa đổi so với phiên bản gốc, nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của không quân quốc gia Đông Bắc Á này. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Kể từ khi được đưa vào biên chế đến nay, F-16 đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tác chiến của Không quân Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc thiếu vũ khí chính xác và tình trạng xuống cấp của các thiết bị điện tử, khiến nhu cầu nâng cấp loại máy bay này trở nên bức thiết. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Năm 2009, Không quân Hàn Quốc đã ký kết một thỏa thuận nâng cấp 30 máy bay F-16 với Hãng Lockheed Martin, tuy nhiên phải đến tận năm 2013 hợp đồng này mới được khởi động. Lần nâng cấp này, F-16 được trang bị thêm tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120C-7 và bom thông minh GBU-31 JDAM. Ảnh: Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120C-7 - Nguồn: Wikipedia.

Với gói nâng cấp này, khi sử dụng tên lửa không đối không tầm xa AIM-120C-7 và bom thông minh GBU-31 JDAM, F-16 của Không quân Hàn Quốc có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách từ 50 đến 180 km. Ảnh: Bom thông minh GBU-31 JDAM - Nguồn: Wikipedia.

Tuy nhiên khi Trung Quốc đưa vào sử dụng nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại như J-10/11/16 và nhất là chiến đấu cơ tàng hình J-20, muốn giành lợi thế trên không, bắt buộc không quân Hàn Quốc phải tiếp tục nâng cấp số F-16 lên chuẩn mới, để có thể đối phó được với những mối đe dọa mới. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Với gói nâng cấp mới, phía Hàn Quốc yêu cầu phải kéo dài niên hạn sử dụng của số F-16 này thêm 10 năm; đồng thời trang bị hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động; hệ thống đối kháng điện tử tiên tiến và tích hợp vũ khí tấn công chính xác mới. Đặc biệt là trang bị các loại vũ khí có thể phóng ngoài tầm phòng không của đối phương. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Theo thỏa thuận của hợp đồng nâng cấp F-16 lần này, Không quân Hàn Quốc sẽ được chuyển giao nhiều thiết bị điện tử hàng không hiện đại, cũng như các thiết bị hỗ trợ hậu cần và huấn luyện. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến là hệ thống nhận diện địch-ta Mod 5 và thiết bị liên kết dữ liệu chiến thuật Link 16. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Cả 2 thiết bị này sẽ không chỉ giúp tăng cường sự tương tác, kết nối giữa các máy bay chiến đấu F-16 với nhau, mà còn tăng khả năng tương tác, đồng bộ dữ liệu với các máy bay khác trong đội hình chiến đấu của Không quân Hàn Quốc cũng như các lực lượng đồng minh; tạo ra một liên minh hiệu quả hơn cho các phi đội máy bay chiến đấu. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Ngoài ra, hệ thống điện tử của máy bay F-16 nâng cấp còn được trang bị buồng lái kính tiên tiến, tích hợp bộ hiển thị trung tâm mới trong buồng lái, máy tính đa năng hiệu suất cao, trang bị màn hình đa chức năng mới và một màn hình hiển thị độ nét cao cỡ lớn, hệ thống kết nối dữ liệu dung lượng cao và một số nâng cấp hệ thống nhiệm vụ khác. Ảnh: Máy bay chiến đấu KF-16C của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Với gói nâng cấp này, số F-16 của Không quân Hàn Quốc sẽ tiếp tục phục vụ thêm một thời gian dài nữa; trong khi F-35 nắm giữ nhiều ưu thế như khả năng thu thập thông tin tình báo, thì những chiếc F-16 lại phù hợp với vai trò “ngựa thồ” vũ khí. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-35 của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Trong tác chiến, số F-35 sẽ làm nhiệm vụ phát hiện và chỉ huy cho số F-16 từ ngoài vùng sát thương của các hệ thống phòng không phóng tên lửa hoặc bom tiêu diệt mục tiêu dưới mặt đất qua đường liên kết dữ liệu Link 16 theo thời gian thực. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-35 của Hàn Quốc - Nguồn: Wikipedia.

Đây là phương pháp tác chiến hiện đại mà Không quân Mỹ và Israel đang triển khai áp dụng hiệu quả, khi vừa phát huy được tính năng tàng hình của F-35 và khả năng mang vũ khí của F-16; đồng thời đảm bảo an toàn cho phi công và máy bay không có tính năng tàng hình như F-16. Ảnh: F-35A tại Căn cứ Không quân ở Daegu, Hàn Quốc - Nguồn: Jeon Heon-kyun/ AP.

Có khả năng trong tương lai, Hãng Lockheed Martin sẽ tiếp tục hợp tác với Không quân Hàn Quốc nâng cấp toàn bộ các máy bay chiến đấu F-16 hiện có của Không quân Hàn Quốc lên tiêu chuẩn tương tự phiên bản F-16V Viper, có nhiều tính năng của F-22 và F-35. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-16V Viper - Nguồn: Wikipedia.

Video Vụ việc giữa Tu-95 Nga và F-16 của Hàn Quốc - Nguồn: Sputnik Việt Nam

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-co-f-35-nhung-han-quoc-van-nang-cap-tiem-kich-f-16-1407402.html