Tại sao Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lại 'lỡ hẹn'?

Góp ý cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, thời hạn áp dụng chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT để đảm bảo tính khả thi và chất lượng chương trình.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ tiếp tục lùi thời gian để điều chỉnh, bổ sung trước khi áp dụng đại trà. Ảnh minh họa: Q.Anh

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ tiếp tục lùi thời gian để điều chỉnh, bổ sung trước khi áp dụng đại trà. Ảnh minh họa: Q.Anh

Lùi thời gian thực hiện

Chiều ngày 21/11, ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo Báo cáo Giải trình, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết phải điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để bảo đảm tính khả thi và chất lượng chương trình.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Theo đó, về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; đa số đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự.

Về thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, có hai loại ý kiến: Nhiều đại biểu đồng tình với phương án Chính phủ đề xuất, bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019 -2020, lùi một năm so với thời gian quy định trong Nghị quyết 88 (Phương án 1). Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 - 2021, lùi 2 năm (Phương án 2) vì thực tế thời gian qua các công việc đều chậm tiến độ, trong khi phần việc còn lại là rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình.

Căn cứ ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với hai phương án nêu trên. Kết quả có 412 đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trong đó: Phương án 1 (lùi 1 năm): Có 193 đại biểu đồng ý, chiếm 46,84% số đại biểu trả lời và chiếm 39,31% tổng số đại biểu Quốc hội. Phương án 2 (lùi 2 năm): Có 208 đại biểu đồng ý, chiếm 50,49% số đại biểu trả lời và chiếm 42,36% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến cho thấy, cả hai phương án, chưa có phương án nào có trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến. Điều này thể hiện sự cân nhắc thận trọng của các đại biểu đối với thời gian cần thiết để chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Áp dụng chậm nhất từ năm 2020

Từ kết quả nêu trên, Quốc hội quyết định thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp THPT. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí. Bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Về vấn đề lùi thời hạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, việc tạm lùi thời gian thực hiện trương trình, sách giáo khoa mới cho thấy sự cân nhắc thận trọng của các đại biểu đối với thời gian cần thiết để chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Nhưng cũng mong hạn chế kéo giãn thời gian cũng như yêu cầu sử dụng kinh phí khi thực hiện chương trình phải hiệu quả, thiết thực.

Đồng tình với việc cần kéo dãn thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thế, ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết: “Để có thể triển khai Chương trình mới từ năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, nhất là ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín; bổ sung, điều chỉnh nội dung phù hợp, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể chính thức để các cơ sở giáo dục có căn cứ chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mới một cách tốt nhất. Do đó, việc lùi thời gian áp dụng tới năm học từ 2020 trở đi là hoàn toàn phù hợp”.

Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, ngày 21/11, Quốc hội đã bỏ phiếu, quyết định thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp THPT.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tai-sao-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-lai-lo-hen-20171123080551732.htm