Tại sao chúng ta đổ mồ hôi trong khi ngủ?

Bạn có bao giờ tỉnh dậy giữa đêm và thấy mình ướt đẫm mồ hôi? Nếu hiện tượng này lặp đi lặp lại, nó có thể gắn liền với các chứng bệnh khác ở người trưởng thành và có thể đòi hỏi được thăm khám kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này lại hàm chỉ thứ khác ở trẻ em và cả ở những phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh.

Hãy cùng các chuyên gia giải mã hiện tượng nói trên và khám phá một số lí do tại sao chúng ta lại đổ mồ hôi trong khi ngủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiệt độ cơ thể và môi trường ngủ

Trước hết, lí do phổ biến nhất khiến bạn có thể đẫm mồ hôi vào ban đêm là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể do môi trường ngủ ấm nóng.

Nếu phòng ngủ của bạn có lắp đặt bộ điều chỉnh nhiệt để ở nấc cao hoặc bạn đang mặc bộ đồ ngủ bằng lông cừu dày hay cuộn mình dưới nhiều lớp chăn, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn trở nên quá ấm nóng và bắt đầu đổ mồ hôi. Điều này rõ ràng là bình thường.

Theo các chuyên gia, có nhiều sự biến thiên bình thường đối với nhiệt độ cơ thể của chúng ta suốt thời gian ngủ. Hầu hết mọi người sẽ trải qua sự sụt giảm nhiệt độ cơ thể khi về sáng, thường vào lúc khoảng 4 giờ sáng. Song, trong các giai đoạn nhất định của giấc ngủ, hệ thần kinh thực vật, vốn kiểm soát nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, áp huyết và các yếu tố khác, có thể bị kích thích tăng hoạt động, dẫn tới hiện tượng toát mồ hôi.

Các rối loạn giấc ngủ

Không có gì ngạc nhiên khi biết các rối loạn ảnh hưởng đến giấc ngủ có thể dẫn tới những trận đổ mồ hôi vào ban đêm khi chúng xảy ra cùng lúc. Rối loạn phổ biến nhất kiểu này là chứng ngừng thở tạm thời khi ngủ.

Nếu bạn đang vật lộn để thở trong khi ngủ, việc này sẽ dẫn tới sự gia tăng nỗ lực và cách thực hiện để hô hấp. Hãy tưởng tượng bạn toát mồ hôi nhiều tới mức nào khi đang chạy thi và thở hổn hển. Mỗi giai đoạn của chứng ngừng thở tạm thời cũng có thể kích thích sự bùng nổ cortisol, hoóc môn stress tự nhiên của cơ thể, nhằm thúc đẩy hô hấp bình thường, dẫn tới sự tăng tiết mồ hồ cơ thể.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi, hố hấp có liên quan đến rối loạn giấc ngủ có thể được biểu hiện thông qua giấc ngủ trằn trọc và đẫm mồ hôi. Đứa trẻ có thể thức dậy với khuôn mặt đỏ bừng và mồ hôi toát ra đầm đìa. Hiện tượng này cần được thăm khám kỹ lưỡng hơn, đặc biệt nếu có kèm ngáy và các dấu hiệu ngưng thở khi ngủ khác.

Phụ nữ cũng có thể đối mặt với việc gia tăng các cơn bốc hỏa trong lúc ngủ, khi họ đang bước vào thời kỳ mãn kinh. Nguy cơ ngừng thở tạm thời khi ngủ tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này do sự mất mát các hoóc môn estrogen và progesterone. Vì vậy, toát mồ hôi ban đêm ở phụ nữ lớn tuổi hơn có thể xảy ra cùng với thời kỳ mãn kinh như là hậu quả của chứng ngưng thở khi ngủ.

Một số người nhận thấy, họ toát nhiều mồ hôi hơn trong khi ngủ, sau khi uống rượu, bia. Điều này là do, cồn là một chất giảm căng cơ, có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp trên và làm trầm trọng thêm chứng ngủ ngáy cũng như ngưng thở khi ngủ.

Cuối cùng, các cơn ác mộng và sự lo lắng nói chúng cũng có thể gây ra các đợt sợ hãi và đổ mồ hôi trong khi ngủ. Nếu bạn gặp các cơn ác mộng lặp đi lặp lại, đặc biệt là trong bối cảnh rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), việc chữa trị có thể hữu ích. Trẻ con thường cũng đẫm mồ hôi khi trải nghiệm những nỗi hoảng sợ vào ban đêm.

Các bệnh lí khác

Chúng ta cũng cần cân nhắc nhiều nguyên nhân khác, có thể dẫn đến tình trạng đổ mồ hôi đêm. Hiện tượng có thể bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng (kể cả bệnh lao), dược phẩm (thuốc chống trầm cảm, thuốc thay thế hoóc môn, insulin), sự tăng hoạt động tuyến giáp quá mức (bệnh cường tuyến giáp), bệnh tiểu đường hoặc các rối loạn tự miễn (ảnh hưởng đến bộ não hoặc hệ thần kinh).

Các sự cố đơn lẻ ít gây lo lắng hơn, nhưng việc đổ mồ hôi đêm mạn tính có thể đòi hỏi phải đánh giá thêm. Nếu bạn có các triệu chứng như trên hoặc vài dấu hiệu khác, chẳng hạn như sốt và sụt cân, hãy thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/tai-sao-chung-ta-do-mo-hoi-trong-khi-ngu/20201205102957081