Tại sao châu Á tụt lại trong cuộc đua chấm dứt Covid-19?

Trong khi các nước phương Tây dần đón 'bình minh mới' nhờ chương trình tiêm chủng hiệu quả, các quốc gia châu Á có thể sẽ chưa chấm dứt được đại dịch năm nay.

Trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia từng trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19 giờ đây lại đang vật lộn để thoát khỏi đại dịch.

Trong khi đó, tại Mỹ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 suốt năm 2020, nhiều người dân bắt đầu đổ đến các sân vận động xem hòa nhạc và thể thao, đi nghỉ hè và du lịch, vì đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Ở miền Nam Trung Quốc, biến thể Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ) lây lan nhanh chóng khiến Quảng Châu, thành phố công nghiệp lớn của nước này, bị phong tỏa.

Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Australia cũng đã tạm thời kiểm soát được các đợt bùng phát gần đây. Trong khi Nhật Bản đang trải qua làn sóng đại dịch thứ 4, gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng trước thềm Olympic 2021.

Người dân từ Trung Quốc cho đến New Zealand đang đặt câu hỏi: Tại sao họ lại bị bỏ lại phía sau? Và khi nào đại dịch mới kết thúc?

Terry Nolan, người đứng đầu nhóm Nghiên cứu Vaccine và Miễn dịch tại Viện Doherty ở Melbourne, Australia, cho biết: “Tình hình hiện tại giống như chúng ta đang mắc kẹt, chờ đợi trong đống bùn. Ai cũng đều cố gắng thoát ra ngoài".

Dù mỗi quốc gia phải đối mặt với tình hình cụ thể khác nhau, nhìn chung vấn đề đều bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguồn cung vaccine Covid-19, New York Times nhận định.

 Nhân viên y tế đến phun khử trùng một nhà dân ở Bangkok, Thái Lan vào tháng 5. Ảnh: New York Times.

Nhân viên y tế đến phun khử trùng một nhà dân ở Bangkok, Thái Lan vào tháng 5. Ảnh: New York Times.

Gặp khó với chiến lược tấn công bằng vaccine

Ở một số nơi, như Đài Loan và Thái Lan, các chiến dịch tiêm chủng được tiến hành tương đối chậm.

Các quốc gia khác, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đẩy mạnh tiêm chủng trong những tuần gần đây, nhưng vẫn chưa tiêm đủ vaccine cho người dân.

Trong khi người Mỹ ăn mừng "bình minh mới" sau khoảng thời gian u ám vì đại dịch, khoảng 4,6 tỷ người châu Á có thể sẽ phải trải qua năm 2021 không mấy khả quan hơn năm 2020 là bao. Hoặc thậm chí năm nay có thể có nhiều biến động hơn.

Tất cả bắt nguồn từ nhiều tháng trước, khi đại dịch chưa diễn biến quá phức tạp như hiện nay.

Bắt đầu từ mùa xuân năm 2020, Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu đặt cược vào vaccine Covid-19. Họ nhanh chóng phê duyệt và chi hàng tỷ USD để sớm có được những lô vaccine đầu tiên.

Tại các nước này, nhu cầu vaccine rất khẩn cấp. Chỉ riêng tại Mỹ, vào giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát, hàng nghìn người tử vong mỗi ngày vì Covid-19.

Nhưng khi đó, ở Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức tương đối thấp. Các nước áp đặt quy định kiểm dịch nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới và tích cực truy vết các ca nghi nhiễm.

Do kiểm soát được dịch tương đối thành công, và khả năng phát triển vaccine có hạn, chính phủ các nước này không đầu tư nhiều vào kế hoạch tiêm chủng.

C. Jason Wang, phó giáo sư tại Đại học Y khoa Stanford, cho biết: “Nhận thức của công chúng về mối đe dọa tương đối thấp, trong khi các chính phủ dựa vào nhận thức của công chúng để phản ứng trước mối đe dọa từ đại dịch".

Chuyên gia này nói đóng cửa biên giới cũng là một trong những chiến lược đối phó với đại dịch. "Nhưng để chấm dứt nó, bạn cần cả chiến lược phòng thủ và tấn công. Và chiến lược tấn công ở đây là vaccine", ông nói thêm.

Người dân ngồi trong quán cà phê ở Paris hồi tháng 5 mà không cần đeo khẩu trang. Ảnh: New York Times.

Đầu năm nay, hàng loạt quốc gia thông báo ký hợp đồng mua vaccine với các nhà sản xuất, nhưng số lô hàng được chuyển giao trên thực tế vẫn rất ít.

Vào tháng 3, Italy không cho phép xuất khẩu 250.000 liều vaccine AstraZeneca, nhằm ưu tiên cho việc kiểm soát dịch bệnh đang hoành hành trong nước trước. Các lô hàng khác cũng bị trì hoãn phân phối vì một số vấn đề liên quan trong khâu sản xuất.

Richard Maude, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á ở Australia, cho biết: “Công bằng mà nói, nguồn cung vaccine được bàn giao thực sự là số rất nhỏ so với con số trong hợp đồng mua hàng".

Peter Collignon, bác sĩ kiêm giáo sư vi sinh tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định: "Thực tế là những quốc gia sản xuất vaccine đang giữ lại cho chính nước họ".

Covid-19 sẽ chưa bị đánh bại trong năm nay

Kết quả là giờ đây, hố sâu ngăn cách giữa chương trình tiêm chủng của Mỹ, châu Âu với châu Á ngày càng bị nới rộng.

Ở châu Á, khoảng 20% người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tại Nhật Bản, con số này là 14%, trong khi ở Pháp là 45%, ở Mỹ là hơn 50% và ở Anh là hơn 60%.

Mạng xã hội Instagram giờ đây tràn ngập hình ảnh người Mỹ tươi cười ôm hôn bạn bè vừa được tiêm phòng. Người Paris cũng nô nức khoe ảnh đi cà phê, đi du lịch.

Còn tại Seoul, người dân mòn mỏi tìm kiếm nơi còn vaccine để tiêm phòng Covid-19, nhưng hiếm khi tìm được gì.

"Có còn vaccine nào sót lại không? Hay nó đã biến mất trong 0,001 giây giống như tấm vé ngồi hàng ghế đầu trong buổi biểu diễn của thần tượng K-pop?", một người dùng Twitter viết.

Người dân đeo khẩu trang khi vào chùa ở Seoul, Hàn Quốc, hồi tháng 5. Ảnh: AP.

Một số quốc gia châu Á đang tích cực thúc đẩy chương trình tiêm chủng để chấm dứt đại dịch.

Trung Quốc, nơi bùng phát dịch Covid-19, tiêm 22 triệu mũi vaccine cho người dân vào ngày 2/6. Đây là con số kỷ lục của nước này. Tổng cộng, Trung Quốc tiêm gần 900 triệu liều cho tổng số 1,4 tỷ dân.

Nhật Bản cũng bắt đầu mở rộng đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 ngoài các nhân viên y tế.

Chính phủ lập các trung tâm tiêm chủng lớn ở Tokyo và Osaka, triển khai chương trình tiêm chủng đến các doanh nghiệp và trường học. Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố từ nay đến tháng 11, tất cả người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm vaccine Covid-19.

Đài Loan cũng đẩy mạnh chương trình tiêm chủng với khoảng 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Nhưng số vaccine mà hòn đảo này nhận được cho tới nay cũng chỉ đủ để tiêm cho chưa đầy 10% dân số.

Do chưa thể kiểm soát đại dịch bằng vaccine, các nước châu Á vẫn chưa thể quay trở về trạng thái bình thường.

Australia gần đây đưa ra khả năng phải đóng cửa biên giới trong một năm nữa. Nhật Bản cũng đang cấm khách du lịch nước ngoài nhập cảnh.

Cho tới nay, cách các quốc gia châu Á phản ứng với các đợt bùng phát vẫn không khác gì nhiều so với trước đó.

Đối với ổ dịch ở Quảng Châu, Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực, giống với các biện pháp từng được áp dụng.

Người dân trong nước cho rằng kịch bản này vẫn sẽ còn lặp lại, đặc biệt là khi biến thể Delta từ Ấn Độ đang khiến tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.

Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, giữa đợt bùng dịch hồi tháng 5. Ảnh: AP.

Trong khi đó, các kho bảo quản vaccine đang phải chạy đua với thời gian, vì vaccine cần được sử dụng trước khi hết hạn.

Indonesia cảnh báo người dân sẽ bị phạt khoảng 450 USD nếu từ chối tiêm vaccine. Tại Hong Kong (Trung Quốc), các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đang áp dụng một loạt các biện pháp để khiến nhân viên bớt do dự trong việc tiêm vaccine Covid-19.

New York Times nhận định với tình hình hiện nay thì cho tới hết năm, Covid-19 vẫn chưa thể bị đánh bại ở châu Á, và sẽ không sớm biến mất.

Ngay cả những người may mắn được tiêm phòng cũng có cảm xúc hỗn độn.

“Đây là cách thoát khỏi đại dịch. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiến xa hơn so với tình hình tiêm chủng bây giờ", Kate Tebbutt, luật sư 41 tuổi vừa được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer ở Melbourne, Australia, nói với New York Times.

Cải trang thành bà lão để tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ Olga Monroy-Ramirez (44 tuổi) và Martha Vivian Monroy (34 tuổi) đã bị phát hiện sau khi cải trang thành người cao tuổi để tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 2 ở Florida, Mỹ.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-chau-a-tut-hau-trong-cuoc-dua-cham-dut-covid-19-post1227921.html