Tại sao cảnh sát Mỹ được trang bị vũ khí quân dụng?

Chương trình gây tranh cãi của Mỹ cho phép lực lượng cảnh sát nước này tiếp cận nhiều loại vũ khí quân dụng, trong đó có phương tiện bọc thép, trực thăng và súng phóng lựu đạn.

Cảnh sát Miami quan sát người biểu tình từ trên xe bọc thép. Ảnh: AFP/Getty Images

Cảnh sát Miami quan sát người biểu tình từ trên xe bọc thép. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo báo Anh Guardian, giờ đã bước sang tuần thứ ba nước Mỹ chìm trong làn sóng xung đột bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình sau cái chết của công dân da màu George Floyd (46 tuổi). Ngày 25/5, công dân George đã tử vong tại bệnh viện sau khi bị một cảnh sát da trắng tì gối vào cổ gần 9 phút trong lúc bắt giữ.

Hàng nghìn người đã bị bắt giữ và nhiều người đã bị thương trong các cuộc biểu tình. Để giải tán đám đông, cảnh sát đã sử dụng súng bắn đạn cao su, xịt hơi cay. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong kho vũ khí quân dụng với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD mà lực lượng hành pháp sở hữu, đa dạng từ phương tiện chống mìn, máy bay cho đến súng phóng lựu đạn, súng trường.

Kể từ năm 1997, Bộ Quốc Mỹ đã chuyển giao lượng thiết bị quân sự trị giá hơn 7,2 tỷ USD cho các đơn vị cảnh sát. Động thái này được triển khai dựa trên chương trình 1033 nhằm bán cho các lực lượng cảnh sát số thiết bị quân sự dư thừa với mức giá chỉ bằng một phần giá gốc.

Sau khi hứng chịu những lời chỉ trích cho rằng cảnh sát được trang bị nhiều thiết bị hạng nặng khi đối phó với các cuộc biểu tình tại Ferguson, năm 2015, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã cấm chương trình gây tranh cãi trên.

Tuy nhiên, đến năm 2017, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh chấm dứt lệnh cấm. Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, các lực lượng cảnh sát trên toàn nước Mỹ đang sở hữu 1,8 tỷ USD trang thiết bị quân sự.

Cảnh sát trong bộ đồ chống bạo động dàn hàng trên đường phố Minneapolis. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo một nghiên cứu thực hiện vào năm 2017 đăng trên tạp chí SAGE, việc các cơ quan hành pháp nhận thiết bị quân sự dẫn tới một sự gia tăng trong số lượng dân thường thiệt mạng vì cảnh sát. Trong khi đó, một bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế Mỹ năm 2017 chỉ ra việc nhận vũ khí quân sự không giúp cảnh sát làm giảm tỷ lệ tội phạm.

Bất chấp những lợi ích còn để ngỏ của chương trình 1033, dữ liệu của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ cho thấy các cơ quan hành pháp tiếp tục nhận được hàng nghìn mặt hàng thiết bị quân sự trị giá hàng triệu USD.

Phương tiện đắt nhất trong danh sách các thiết bị được chuyển giao cho lực lượng cảnh sát là xe chống mìn. Hiện có 1.099 xe trong kho vũ khí quân dụng của cảnh sát Mỹ với giá trị 745 triệu USD.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng những chiếc xe bọc thép hạng nặng này, ban đầu được triển khai ở Iraq và Afghanistan, không có công dụng rõ ràng đối với lực lượng hành pháp trong nước.

Các mặt hàng có giá trị tiếp theo là xe tải quân sự (2.711 chiếc trị giá 184,2 triệu USD) và máy bay (13 chiếc trị giá 98,7 triệu USD). Bên cạnh nhiệm vụ điều tiết giao thông và tìm kiếm cứu nạn, cảnh sát sử dụng máy bay để kiểm soát tình hình mất trật tự an ninh công cộng và hỗ trợ trên không cho các hoạt động trên mặt đất. Trang thiết bị quân sự phổ biến nhất mà cảnh sát nhận được là hộp tiếp đạn (86.548 hộp), súng trường 5,56mm (54.131 chiếc) và bộ kính ngắm (45.214 bộ).

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/tai-sao-canh-sat-my-duoc-trang-bi-vu-khi-quan-dung-20200608190526180.htm