Tại sao cái chết của George Floyd lại gây 'chia rẽ' trong nội bộ nước Đức?

Mặc dù George Floyd bị sát hại tại nước Mỹ nhưng cái chết của ông lại trở thành một cơ hội để người dân trên toàn thế giới nhìn thẳng vào tình trạng phân biệt chủng tộc của đất nước của mình.

Tại London, hôm chủ nhật (7/6), người biểu tình tụ tập bên ngoài đại sứ quán Mỹ trong ngày biểu tình thứ 2 liên tiếp. Tại Đức, "những cuộc biểu tình trong yên lặng" ngày 6/6 thu hút sự tham gia của khoảng 150.000 người. Và tại Rome, người biểu tình lớn tiếng chỉ trích các phong trào cực hữu chống lại người nhập cư cũng như các ngành công nghiệp bóc lột người lao động…

Vụ việc của Floyd – một người đàn ông da đen không vũ khí bị một cảnh sát da trắng ghì cổ trong nhiều phút cho tới chết, đã khơi nguồn cho một loạt các cuộc biểu tình từ Australia, Brazil tới Mexico hay Canada. Tuy nhiên, theo tờ The Washington Post, ảnh hưởng từ Floyd đặc biệt lớn tại châu Âu - nơi các nhà lãnh đạo vẫn đang nỗ lực tìm cách "dung nạp" làn sóng người nhập cư và tị nạn từ châu Phi và Trung Đông trong suốt 7 năm qua. Có tới 1/3 số người gốc Phi ở châu Âu cho biết, họ từng phải đối mặt với phân biệt chủng tộc.

"Trong thời kỳ phong tỏa, chúng tôi hiểu được rằng điều gì là quan trọng cho cuộc sống", bà Sheila Kinsey, một nữ tu đến từ bang Illinois, Mỹ và đã sống 10 năm ở Rome, Italy cho hay. "Và ngày hôm nay thật buồn vì chúng tôi phải nói: 'Có những thứ khác cũng là một đại dịch".

(ảnh minh họa: Reuters)

(ảnh minh họa: Reuters)

Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, mặc dù vẫn có một số nhóm đụng độ với cảnh sát. Không ít người biểu tình cũng bỏ qua các khuyến cáo của chính phủ về các sự kiện lớn. Chính phủ Anh kêu gọi các cuộc tụ tập giới hạn không quá 6 người tham gia trong khi các nhà tổ chức tại Rome đề nghị người biểu tình đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tuy nhiên, với quy mô của đám đông – thường lên tới vài nghìn, các quy định về giãn cách khó có thể được thực thi.

Nhiều người tại London chia sẻ, họ lo ngại về những con số liên quan tới các cộng đồng thiểu số bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thống kê tháng trước của chính phủ chỉ ra, người Anh da đen có tỷ lệ thiệt mạng vì COVID-19 lớn gấp 4 lần so với người da trắng.

"Tôi ở đây để ủng hộ những người ở Mỹ, nhưng cũng là cho chính mình", bà Denise Lewis, 60 tuổi nói. "Làm sao mà một virus lại có thể phân biệt đối xử như vậy? Chúng tôi cần có câu trả lời".

Các cuộc biểu tình cũng làm dấy lên những thảo luận về bất bình đẳng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Anh.

"Chúng ta cũng có vấn đề của mình tại đây", nghị sĩ Công đảng David Lammy phát biểu trên BBC, đồng thời lưu ý, người da đen tại Anh thường bị cảnh sát lục soát nhiều hơn 9 lần so với mức trung bình.

Tại Brussels, cảnh sát ước tính có hơn 10.000 người - phần lớn đều đeo khẩu trang, tụ tập ở Cung điện Công lý. Người biểu tình kêu gọi cần nhìn nhận sâu sắc hơn về quá khứ thuộc địa của Bỉ, bao gồm cả việc dỡ bỏ tượng Vua Leopold II vẫn đang tồn tại ở nhiều thành phố lớn trên khắp đất nước. Vua Leopold II thường bị coi là người chịu trách nhiệm cho một thời kỳ cai trị độc đoán tại Congo khiến gần 10 triệu người thiệt mạng.

"Nó giống như tại Đức vẫn có tượng của Hitler vậy", Jenny da Costa, 35 tuổi nói. "Tôi không hiểu tại sao các bức tượng vẫn ở đó".

Còn tại Berlin, anh Abdoulie Jarju, 39 tuổi cho rằng, nước Đức có xu thế coi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một vấn đề đã được giải quyết khi phát xít Đức bị thất bại. "Mọi người đang lờ đi sự thật", anh nói.

Đức từng chứng kiến một số vụ việc bạo lực cảnh sát được cho là có động cơ phân biệt chủng tộc. Năm 2005, Oury Jalloh, một người tị nạn từ Sierra Leone đã bị thiêu cháy tới chết trong một nhà tù của cảnh sát. Chỉ 1 viên cảnh sát bị sa thải.

Nhà hoạt động của tổ chức Sáng kiến vì người da đen Tahir Della nhận xét, tại Đức các cuộc tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc thường bị coi là các vụ tai nạn trong khi các cấp thẩm quyền không muốn công nhận đó là các vấn đề mang tính hệ thống.

Tuần trước, đề xuất về luật chống phân biệt đối xử khi được công bố đã châm ngòi cho một loạt các tranh cãi tại Berlin. "Đức không phải là Mỹ", Bộ trưởng Nội vụ bang Baden Wurttemberg Thomas Blenke tuyên bố. "Chúng ta không có vấn đề phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát tại đây".

Tuy nhiên, cái chết của Floyd đã mở ra một cuộc thảo luận mới tại Đức với các hoài nghi về phân biệt đối xử liên tục xuất hiện trên các tờ báo lớn và trong các cuộc họp báo chính phủ.

Della cho hay, anh chưa từng chứng kiến cụm từ "phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống" xuất hiện nhiều như vậy trên báo chí Đức. Còn theo Jarju, đã có một sự khác biệt trong cách đồng nghiệp đối xử với anh tại công sở. "Những gì bạn thấy ở nước Mỹ và hàng nghìn người đang đổ ra các đường phố ở Berlin để đấu tranh cho công lý", anh nói. "nó giống như có điều gì đó sẽ thay đổi".

Trong khi đó tại Madrid, Tây Ban Nha, hàng nghìn người đã tụ tập trước cửa đại sứ quán Mỹ trước khi diễu hành ôn hòa tới quảng trường Puerta del Sol ở trung tâm thành phố.

"Đây là biểu tình để phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phản đối Trump", anh Jorge Martinez, 22 tuổi đề cập tới tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ, Donald Trump.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tai-sao-cai-chet-cua-george-floyd-lai-gay-chia-re-trong-noi-bo-nuoc-duc-20200609120005541.htm