Tại sao các nước muốn mua S-400 của Nga?

Gần đây, Nga ký hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 cho Ấn Độ và có thể là Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc tập trận Vostok-2018 ở miền Đông Siberia hồi tháng trước với khoảng 300.000 quân nhân Nga, Trung Quốc và Mông Cổ tham dự là cơ hội để Moscow giới thiệu phần cứng quân sự, nguồn thu nhập lớn thứ hai của nước này sau dầu mỏ.

Trong thời gian diễn ra Vostok-2018, Nga giới thiệu tên lửa đất đối không S-400, một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến và có khả năng quảng bá hình ảnh mạnh nhất những năm gần đây.

Trong bài viết của đài Al Jazeera đăng tải hôm 8-10, một số chuyên gia cho biết bên cạnh công nghệ tiên tiến, S-400 còn là một mối nguy cơ tiềm ẩn đối với các liên minh phương Tây.

Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman làm việc tại Chương trình Chuyển giao vũ khí và Chi tiêu quân sự quốc tế của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), đánh giá S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất, ngang ngửa các hệ thống phòng không tốt nhất của phương Tây.

"Radar, cảm biến và tên lửa của S-400 bao phủ một khu vực rộng lớn, trong đó radar có tầm hoạt động tối thiểu 600 km và tên lửa có tầm hoạt động lên đến 400 km. Nó có thể theo dõi một số lượng rất lớn mục tiêu tiềm tàng, bao gồm cả các mục tiêu tàng hình" – ông Wezeman nói với đài Al Jazeera.

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400. Ảnh: Reuters

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400. Ảnh: Reuters

Ưu điểm của S-400 là khả năng thiết lập mô-đun cũng như tính di động cao, nghĩa là nó có thể được thiết lập, kích hoạt và di chuyển chỉ trong thời gian vài phút.

"Nó có thể được tích hợp với các hệ thống vũ khí tầm xa, tầm trung và tầm ngắn, tùy thuộc vào cách người sử dụng muốn cấu hình S-400" - nhà phân tích quân sự Kevin Brand cho biết.

Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, cũng là một trong những khách hàng tiềm tàng muốn mua S-400, theo đài Al Jazeera.

Phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp dành cho các nhân viên quân sự hồi tháng 8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Ankara sẽ cố gắng mua S-400 càng sớm càng tốt (phía Nga tiết lộ thương vụ sẽ được tiến hành vào năm 2019).

Tuy nhiên, mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hệ thống phòng không của Nga có thể khiến các đồng minh NATO lo ngại vì những lý do chính trị và kỹ thuật.

"Về mặt kỹ thuật, S-400 chắc chắn sẽ là một bước tiến đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nó không nhất thiết mang lại lợi ích cho NATO khi tích hợp vào hệ thống phòng thủ lớn hơn. S-400 có thể dẫn đến một tình huống nguy hiểm tiềm ẩn… Trường hợp xấu nhất là tồn tại các lỗ hổng liên quan đến hệ thống đó và bị kẻ thù tiềm tàng khai thác" - ông Brand nhận định.

Đối với Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Qatar, dù không phải là thành viên của các liên minh như NATO song nếu họ mua S-400 có thể dẫn đến những rủi ro ngoại giao và hậu quả kinh tế từ Mỹ.

Vào năm 2017, Mỹ ban hành Đạo luật Trừng phạt Các đối thủ của Mỹ (CAATSA) nhằm phản ứng "sự can thiệp của Nga đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016" và sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine và Syria. CAATSA cho phép Mỹ trừng phạt các cá nhân, công ty hoặc quốc gia "gây rối an ninh quốc tế".

Phạm Nghĩa (Theo Al Jazeera)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tai-sao-cac-nuoc-muon-mua-s-400-cua-nga-20181009193906885.htm