Tại sao các nhà làm luật ngày càng cởi mở hơn với thuốc lá thế hệ mới?

Mặc dù vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, các nhà làm luật đang cởi mở hơn với phương pháp khoa học giảm thiểu tác hại của thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) và thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điếu đốt cháy gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Thuốc lá điếu đốt cháy gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Như tất cả các phát kiến khoa học khác, thuốc lá thế hệ mới từ khi xuất hiện đã đối mặt với nhiều hoài nghi từ giới chuyên môn lẫn cộng đồng. Tuy nhiên, nền tảng khoa học được kiểm chứng mà ngành công nghiệp thuốc lá nỗ lực chứng minh với cộng đồng về sự chuyển đổi của họ đã dần thuyết phục được giới chuyên môn.

Ngày càng nhiều nhà khoa học, người làm chính sách, bắt đầu nhận ra rằng thực tế gánh nặng bệnh lý hút thuốc lá sẽ không thay đổi nếu vẫn cứ cố tình từ bỏ các giải pháp giảm thiểu tác hại.

Thậm chí, một số người từng dành thời gian dài để “chiến đấu” với ngành công nghiệp thuốc lá cũng đang cởi mở hơn với các sản phẩm giảm thiểu tác hại. Clive Bates, một chuyên gia về chính sách kiểm soát thuốc lá, cũng là cựu giám đốc tổ chức Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe - ASH (Vương quốc Anh), từng cho rằng chính các công ty thuốc lá là cầu nối giữa việc hút thuốc lá điếu và bệnh lý ung thư.

Nhưng nay, ông quan niệm không thể làm ngơ với sự thật rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có thể là một phương thức góp phần giúp đẩy lùi vấn nạn hút thuốc lá điếu và những vấn đề sức khỏe do hút thuốc lá điếu đốt cháy gây ra.

Các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và chính phủ các quốc gia xem sở cứ khoa học mới là căn cứ mấu chốt và là chuẩn mực trong việc chấp nhận hay không khái niệm giảm thiểu tác hại. Trong thập kỷ qua, xã hội đã chứng kiến những nhà quản lý, những nhà vận động chống thuốc lá bước ra từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoặc các tổ chức sức khỏe trên thế giới như Healthbridge Canada cùng khẳng định rằng giải pháp giảm thiểu tác hại được phát triển dựa trên nền tảng khoa học sẽ là phương pháp chuyển đổi hiệu quả cho người hút thuốc lá điếu nếu được sớm nhìn nhận và có biện pháp quản lý phù hợp.

Một trong những chuyên gia uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giảm thiểu tác hại, ông David Sweanor, thành viên Hội đồng quản trị Tổ chức HealthBridge Canada, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa cho rằng, các sản phẩm thuốc lá loại bỏ quá trình đốt cháy đã được chứng minh giúp giảm thiểu hơn 95% nguy cơ so với thuốc lá điếu đốt cháy.

Được biết, nhiều nước châu Á, điển hình là Nhật Bản, vốn là thị trường tiêu thụ thuốc lá làm nóng lớn nhất thế giới cũng đã thừa nhận thuốc lá làm nóng, và xây dựng chính sách quản lý riêng bớt khắt khe hơn so với khung pháp lý quy định thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.

Kết quả là những lo ngại mà những nhà quản lý đặt ra dù xảy ra nhưng với tỷ lệ rất thấp trong đó bao gồm tỷ lệ thu hút giới trẻ, hay tình trạng sử dụng kép. Và những tác động ngoại ý không đáng kể này hoàn toàn có thể kiểm soát được thông qua hệ thống đo lường, theo dõi và cơ chế quản lý phù hợp.

Ông David Sweanor, thành viên Hội đồng quản trị Tổ chức HealthBridge Canada toàn cầu.

Tại Việt Nam, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cách đây vài năm là một khái niệm xa lạ, gần đây đã trở thành vấn đề được bàn luận nhiều hơn. Quan điểm của các chuyên gia y tế và một số chuyên gia ở các bộ, ngành đối với các sản phẩm này cũng đang có xu hướng thay đổi theo hướng tăng cường quản lý hơn là cấm đoán cực đoan. Trong năm 2020, đã có nhiều hội nghị, bàn tròn được tổ chức, với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm sớm tìm ra phương pháp quản lý phù hợp cho thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.

Gần đây nhất, Chính phủ đã chính thức có công văn chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các ban ngành sớm nghiên cứu đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, trong nỗ lực phòng chống buôn lậu thuốc lá.

Trên tinh thần chỉ đạo này, tại Tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới được tổ chức tại Hà Nội ngày 11/11/2020, các cơ quan chức năng đã khẳng định, việc sớm có chính sách quản lý quản lý riêng với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử là việc cấp thiết. Các ý kiến tại Tọa đàm cũng nhấn mạnh, cần phân biệt rõ từng loại thuốc lá thế hệ mới để có chính sách quản lý phù hợp; nếu sản phẩm nào là thuốc lá theo định nghĩa Luật phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam 2012 thì có thể rà soát để sớm đưa vào quản lý ngay.

Trên thế giới, đến nay, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã và đang được thảo luận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC). WHO cũng xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, do đó chịu sự điều chỉnh của Công ước khung FCTC và tương ứng với Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của từng quốc gia. Đồng thời, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng chính thức phân loại sản phẩm thuốc lá làm nóng theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác).

Đây được xem là những tín hiệu tích cực để cộng đồng có thể hy vọng về một khung hành lang pháp lý phù hợp cho các sản phẩm thuốc lá, góp phần giúp những người hút thuốc lá được tiếp cận thông tin đầy đủ và đưa ra quyết định để góp phần cải thiện sức khỏe cá nhân nói riêng và sức khỏe cộng đồng nói chung./.

Thu Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tai-sao-cac-nha-lam-luat-ngay-cang-coi-mo-hon-voi-thuoc-la-the-he-moi/688515.vnp