Tại sao các công ty giải trí muốn ca sĩ cạnh tranh nhau?

Theo SCMP, việc tạo sự cạnh tranh nội bộ giúp các công ty quản lý duy trì danh tiếng, gia tăng lợi nhuận cũng như mở rộng quy mô phát triển ở nhiều thị trường khác nhau.

Vào những năm 1960, Motown được coi là thế lực lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc khi có hàng loạt tên tuổi nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ. Theo BBC, nhóm nhạc nữ đầu tiên của hãng - The Marvelettes đã mang lại danh tiếng cho Motown ngay từ ca khúc debut mang tên Please Mr. Postman.

Ca khúc trở thành bản hit nhạc pop số một tại Mỹ được nhiều nghệ sĩ bao gồm cả The Beatles cover lại. Bên cạnh đó, đĩa đơn đầu tay của nhóm cũng được công chúng yêu thích trong nhiều thập kỷ.

Các công ty quản lý Kpop đang thực hiện chiến thuật cạnh tranh nội bộ tương tự các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế. Ảnh: Twitter.

Các công ty quản lý Kpop đang thực hiện chiến thuật cạnh tranh nội bộ tương tự các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế. Ảnh: Twitter.

Vào thời điểm The Marvelettes đang phát triển mạnh mẽ, Motown tiếp tục cho ra mắt The Supremes và dành sự tập trung nhiều hơn cho nhóm nhạc mới. Với sự hậu thuẫn từ Motown cùng danh tiếng từ The Marvelettes, The Supremes nhanh chóng tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thậm chí vượt qua mức độ nổi tiếng của đàn chị đi trước.

Tờ Newsen cho biết những năm gần đây, các nhãn hiệu Kpop đang sử dụng chiến thuật tương tự, đặc biệt với những công ty quản lý nổi tiếng hàng đầu xứ kim chi. Với hiện trạng ở Kpop, sự cạnh tranh của những tên tuổi có sức ảnh hưởng nhất lại có thể đến từ chính nghệ sĩ hoạt động chung công ty.

Nâng cao danh tiếng và lợi nhuận

Theo Korea Times, việc HYBE liên tiếp cho ra mắt hai nhóm nữ mới là NewJeans và Le Sserafim hay SM thành lập hàng loạt nhóm nhỏ của NCT chính là cách để những “ông lớn” này gia tăng nguồn lợi nhuận và khẳng định vị thế lớn mạnh trên thị trường.

Các công ty giải trí lớn đã tận dụng danh tiếng cũng như hiệu ứng sẵn có từ các nhóm nhạc đi trước để tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của loạt lứa thế hệ tiếp theo.

Đây cũng là một trong những chiến lược hiệu quả giúp các nghệ sĩ mới dễ dàng nhận được sự quan tâm của khán giả. Thực tế chỉ ra rằng fandom của các nhóm nhạc hoạt động cùng thời điểm dưới trướng cùng một công ty quản lý thường ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau thay vì đối đầu hay cạnh tranh như thường lệ.

Việc tạo sự cạnh tranh nội bộ giúp đẩy mạnh danh tiếng và lợi nhuận của công ty quản lý. Ảnh: Naver.

Theo SMCP, Kpop được xây dựng dựa trên sự cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả và môi trường khác nhau. Theo quan điểm kinh doanh, công ty đứng sau các hoạt động này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi các nghệ sĩ của họ có thể cạnh tranh với nhau.

Có thể thấy sức ảnh hưởng của BTS chính là lý do để HYBE liên tiếp ra mắt các nhóm nhạc thế hệ sau đó như TXT, Enhypen, Le Sserafim hay NewJeans. Lứa nghệ sĩ mới của HYBE đều nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ.

Bởi vậy, trên nhiều BXH nhạc số cũng như tiêu thụ album của các nhóm nhạc Kpop hiện nay, cuộc cạnh tranh nội bộ giữa các nhóm nhạc của HYBE gồm BTS, Seventeen, TXT, Enhypen hay ở mảng nữ là Le Sserafim và NewJeans thường xuyên diễn ra. Điều này phần nào cho thấy vị thế chiếm lĩnh thị trường của nhãn hiệu này ở Kpop.

Trang SMCP cho biết SM cũng đã áp dụng chiến lược cạnh tranh nội bộ bằng cách phân chia NCT thành nhiều nhóm nhỏ ra mắt cùng lúc. Hiện tại, NCT gồm NCT 127, NCT U, NCT Dream và WayV với các thành viên không cố định, mỗi nhóm thể hiện một concept và hướng đến đối tượng khán giả khác nhau. Các thành viên đều nằm trong đội hình NCT song lại trở thành đối thủ của nhau khi họ trực thuộc các nhóm đơn vị.

Theo Naver, việc tạo ra sự cạnh tranh giữa các đội hình nhỏ của NCT giúp họ có thể thử nghiệm và khám phá bản thân ở nhiều khía cạnh cũng như phong cách khác nhau.

Hơn nữa, việc thường xuyên thay đổi đội hình cũng góp phần gắn kết fandom của từng nhóm thành một cộng đồng chung lớn mạnh. Chiến lược này giúp SM duy trì sức hút cũng như mức độ nổi tiếng ngày càng tăng cao của NCT cả ở trong lẫn ngoài nước.

Đối với một số hãng giải trí, cạnh tranh nội bộ còn làm giảm bớt sự phụ thuộc của công ty vào một nghệ sĩ nhất định. Điển hình việc HYBE và các công ty con đang cùng lúc chú trọng đầu tư cho Seventeen, TXT, Enhypen hay Fromis 9... trong giai đoạn BTS đang tạm dừng các hoạt động nhóm. Bởi vậy, lợi nhuận của HYBE vẫn duy trì được mức độ gia tăng ổn định sau khi BTS tập trung phát triển sự nghiệp của riêng họ.

Cạnh tranh nội bộ có thể tạo ra sự nổi tiếng đồng loạt của các nghệ sĩ dưới trướng công ty. Ảnh: Naver.

Việc tạo ra sự cạnh tranh nội bộ là cần thiết song theo JYP, chiến lược này đòi hỏi các hãng giải trí phải có mức độ ảnh hưởng cũng như nguồn vốn nhất định để đảm bảo thành công. Bởi vậy thông thường, cạnh tranh nội bộ thường chỉ được áp dụng ở các công ty giải trí lớn cả về nguồn lực lẫn vị thế. Đây được coi là dấu hiệu nhận biết về quyền lực và sức mạnh của một công ty giải trí, đồng thời cũng chỉ ra lợi thế vượt trội của họ so với các đối thủ trên thị trường.

Trang Korea Times cho rằng ở phương diện vĩ mô, cuộc cạnh tranh nội bộ có thể tạo ra sự nổi tiếng đồng loạt của các nghệ sĩ cùng hoạt động dưới trướng một công ty. Đây cũng là một trong những mục tiêu to lớn mà ngành kinh doanh âm nhạc đặt ra ở mỗi giai đoạn.

Mở rộng quy mô

Trang SMCP chỉ ra thị trường Kpop hiện có nhiều nghệ sĩ ra mắt mỗi năm, nhưng dù cùng được đào tạo từ một công ty, họ vẫn hiếm khi trùng lặp về hình ảnh hay phong cách âm nhạc. Thực tế cho thấy các nhãn hiệu giải trí đều thành công trong việc tạo dựng thương hiệu riêng cho từng nghệ sĩ.

Dù chung một đội ngũ nhân viên, mỗi nhóm đều được định hình theo màu sắc riêng, phù hợp từng thị trường mục tiêu. Bởi vậy, việc tạo ra sự cạnh tranh nội bộ giúp nâng cao vị thế của hãng quản lý đồng thời đưa tên tuổi của họ phủ sóng rộng rãi ở các quốc gia khác nhau.

Cạnh tranh nội bộ giúp mở rộng quy mô hoạt động của các công ty giải trí. Ảnh: Twitter.

Hai nhóm nhạc nhà HYBE: NewJeans và Le Sserafim, cùng ra mắt trong năm nay nhưng lại mang màu sắc hoàn toàn khác biệt. Trong khi NewJeans mang hình tượng tươi trẻ, năng động với đội hình thành viên đều thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, thì phong cách của Le Sserafim lại có phần trưởng thành và cá tính hơn.

Với khả năng nói tiếng Anh đồng đều của cả nhóm, NewJeans hướng đến chinh phục thị trường phương Tây. Đặc biệt, sự có mặt của một thành viên đến từ Việt Nam cũng thu hút lượng fan Kpop đông đảo từ các nước Đông Nam Á. Về phía Le Sserafim, sự xuất hiện của hai cựu thành viên IZ*ONE cho thấy hướng đi tập trung của nhóm ở hai thị trường lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo SMCP, cạnh tranh góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của cả nền công nghiệp âm nhạc. Và việc tận dụng chiến lược này hợp lý đã giúp một số công ty mở rộng quy mô hoạt động. Theo đó, sức mua của người hâm mộ trên các thị trường khác nhau cũng không ngừng tăng cao.

Linh Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-cac-cong-ty-giai-tri-muon-ca-si-canh-tranh-nhau-post1343867.html