Tại sao các bộ, ngành chưa chịu trả trụ sở cũ?

Gần 10 năm qua, nhiều bộ, ngành đã có thêm trụ sở làm việc theo quy hoạch mới. Vậy mà tại sao những đơn vị này vẫn không chịu trả trụ sở cũ. Theo thống kê, đến nay, chỉ duy nhất Bộ Nội vụ thực hiện đúng như cam kết, trả trụ sở cũ, sử dụng trụ sở mới ở Tôn Thất Thuyết. Trong khi, 9 bộ, ngành còn lại vẫn sử dụng cả nơi làm việc mới và cũ. Thực hư chuyện này như thế nào?

Trụ sở mới của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã sử dụng được gần 10 năm. Ảnh: VH

Trụ sở mới của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã sử dụng được gần 10 năm. Ảnh: VH

Chỗ làm việc mới, cung không đủ cầu

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, 9 bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chuyển về làm việc tại trụ sở mới như: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thế nhưng, duy nhất có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ, hoàn toàn làm việc ở trụ sở mới trên phố Tôn Thất Thuyết.

Vậy tại sao gần 10 bộ, ngành còn lại vẫn sử dụng cả trụ sở mới lẫn cũ, chưa chịu bàn giao trụ sở cũ?

Về vấn đề này, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính lý giải: “Năm 2012, khi trụ sở ở số 10 Tôn Thất Thuyết xong có tổng diện tích sử dụng gần 11.000 m2. Hiện tổng số cán bộ, công chức, người lao động ở đây là gần 1.000 người, vượt khoảng 200 người so với thiết kế ban đầu của tòa nhà. Khi trước, quân số còn ít nên đủ diện tích sử dụng, giờ thì nhân sự đã tăng lên, trở nên quá tải, thiếu chỗ làm việc”.

Thực tế khảo sát cho thấy, hiện có 7 đơn vị đang làm việc tại Tôn Thất Thuyết gồm có: Khối cơ quan Bộ, Tổng cục Môi trường, Quản lý đất đai, Quản lý Tài nguyên nước, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Thanh tra Bộ, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia trước đây chưa có trụ sở làm việc, phải làm việc tạm ở Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Chung tay gỡ khó

Các đơn vị “nở” thêm nhưng quỹ đất thì không có thể coi là lý do căn bản nhất hiện nay đối với các bộ, ngành. Họ mang tiếng có trụ sở mới, không chịu trả trụ sở cũ nhưng dư luận xã hội thì chưa hiểu thấu đáo nội tình đã lên án, chỉ trích. Riêng Bộ Công an, với đặc thù của ngành, coi trọng vấn đề an ninh hàng đầu nên vẫn duy trì song song cả trụ sở mới và cũ.

Vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường không chịu trả trụ sở cũ 83 Nguyễn Chí Thanh? Ông Trường cho biết: “Trụ sở 83 Nguyễn Chí Thanh với hơn 4.000 m2 nhưng có 8 đơn vị. Hiện có hơn 400 cán bộ. Bình quân diện tích làm việc mới đạt 10,3m2/1 người”.

Thực tế, năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán chuyển nhượng khu 83 Nguyễn Chí Thanh để lấy tiền đầu tư cho xây trụ sở Tổng cục Biển đảo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã kí đồng ý. Song lúc bấy giờ triển khai bán thì chưa quy hoạch, chưa định giá. Sau này năm 2016, Thủ tướng đã có văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục sử dụng và quản lí theo yêu cầu, theo đúng quy định chứ không nói đến chuyện thu hồi, nộp lại vì nhà này là của cơ quan Trung ương đặt tại Hà Nội, toàn bộ thuộc thẩm quyền quản lí và xử lí không phải của thành phố Hà Nội.

Trong Văn bản số 187/BC-UBND ngày 18/6/2019 của UBND TP Hà Nội cho thấy, thành phố đã bố trí quỹ đất tập trung 75 ha để các bộ, ngành di dời đến khu vực quận Tây Hồ (20ha) và quận Nam Từ Liêm (55ha). Trụ sở Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, quận Ba Đình; Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại số 45 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo nguồn vốn di dời và đầu tư xây dựng trụ sở mới.

“Hiện một số cơ quan, đơn vị chưa có trụ sở làm việc, phải bố trí lồng ghép, chia sẻ diện tích sử dụng chung hoặc đi thuê bên ngoài. Chẳng hạn Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm việc tại trụ sở của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Trụ sở Báo Tài nguyên và Môi trường gồng gánh 6 đơn vị khác của Bộ. Có lần chuyên gia nước ngoài đến làm việc mà chúng tôi không có nổi phòng để họp, phải ghép phòng vào để bố trí phòng cho chuyên gia”, ông Nguyễn Xuân Trường cho biết.

Mong muốn hiện nay của các bộ, ngành đó là có đủ tiềm năng đầu tư xây dựng, mở rộng thêm trụ sở, xin thêm quỹ đất, tập trung các cơ quan trực thuộc Bộ về một nơi để tiện lợi trong việc điều hành.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tai-sao-cac-bo-nganh-chua-chiu-tra-tru-so-cu-4026698-b.html