Tại sao bánh giầy không cùng đồng hành với bánh chưng trên mâm cỗ Tết?

Theo như truyền thuyết, bánh chưng hình vuông, bánh dày hình tròn lần lượt tượng trưng cho Đất và Trời, Âm và Dương. Hai loại bánh này khi xuất hiện cùng nhau có ý nghĩa vạn vật hòa hợp ấm no. Tuy nhiên mâm cỗ ngày nay lại chỉ còn mỗi bánh chưng là vì sao thế nhỉ?

Nguồn gốc của món bánh giầy trong văn hóa người Việt

Người Việt hẳn không ai không biết đến câu chuyện sự tích bánh chưng, bánh giầy. Truyền thuyết kể rằng vào đời Hùng Vương thứ 6, vì muốn thoái vị nhường ngôi cho con nhưng không biết chọn ai, nhà vua đã đưa ra một yêu cầu nhân dịp đầu xuân, rằng là ai tìm được thức ngon lành có ý nghĩa nhất để bày cỗ dâng cúng tổ tiên thì sẽ truyền ngôi cho người đấy. Trước yêu cầu này, đa số các hoàng tử đều cố gắng tìm của ngon vật lạ khắp nơi, chỉ trừ người con trai thứ mười tám tên Lang Liêu dâng lên hai chiếc bánh giản dị làm từ gạo nếp. Trong đó có một chiếc hình vuông, một chiếc hình tròn, tất cả lấy lá bọc ngoài, đặt nhân đậu xanh mềm bên trong, chính là bánh chưng và bánh giầy.

Mâm cỗ Tết vắng bóng món bánh giầy.

Lang Liêu giải thích với vua cha rằng dân ta lấy lúa gạo làm nguồn sống chính, lấy gạo nếp làm nguyên liệu làm bánh thể hiện được tinh thần dân tộc. Phần nhân bên trong tượng trưng cho tấm lòng cha mẹ ấp ủ, thai nghén con cái thành hình người để bày tỏ ơn sinh thành với tổ tiên. Ngoài ra, bánh chưng hình vuông, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho Đất và Trời, thể hiện được sự hòa hợp âm dương và triết lý Vuông Tròn trong đời sống tâm linh của người Việt.

Vua Hùng sau khi nghe được thì cảm động, bèn truyền ngôi cho người con trai có gia cảnh đơn sơ mà hiểu thấu lễ nghĩa này. Kể từ đó, bánh chưng bánh giầy được mặc định là món nhất định phải có trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngày Tết, hay ít ra, truyền thuyết cho là như vậy.

Bánh giầy tượng trương cho trời trong truyền thuyết

Từ rất lâu về trước, bánh chưng vuông phải đi với bánh giầy tròn mới đủ ý nghĩa Đất Trời giao thoa của người Việt. Tuy nhiên, có một sự thật là ngày Tết bây giờ thường chỉ thấy sự xuất hiện của bánh chưng chứ hiếm nơi nào làm cả bánh giầy.

Tại sao món bánh giầy vắng bóng trong mâm cỗ Tết Việt

Song hành cùng bánh chưng trong truyền thuyết xưa, tuy nhiên ngày này người ta ít khi thấy sự xuất hiện của bánh giầy trong mâm cỗ Tết. Nguyên nhân chính là do thời gian bảo quản của bánh dày quá ngắn, chỉ để được gần 1 ngày là hỏng. Điều này ảnh hưởng đến tục lệ kiêng kỵ của người Việt - người dân quan niệm không nên vứt, bỏ đồ ăn thức uống trong ngày Tết để tránh tiêu tán may mắn, của cải trong năm mới.

Bánh chưng và bánh giầy.

Hơn nữa, để làm bánh giầy rất kỳ công nên người Việt đã tinh giản món bánh giầy trong mâm cỗ Tết và thay thế bằng những món ăn khác.

Tuy nhiên, trái ngược hẳn với đô thị, thành phố, bánh giầy vẫn có mặt trong mâm cỗ Tết của các đồng bào dân tộc vùng cao cùng với bánh chưng. Bánh giầy của người Mông và Dao được nặn to như bánh đa, trữ trên gác bếp và có thể "phơi" khô cả năm. Bánh giầy ở đây được xem như một món ăn quý. Mỗi khi dùng, bánh được xắt miếng nhỏ rồi nướng phồng hoặc rán như bánh tổ Hội An.

Người dân vùng cao làm bánh giầy ngày Tết.

Như vậy món bánh giầy không hề thất truyền và bị thiếu coi trọng như nhiều người vẫn lầm tưởng mà nguyên nhân khiến món bánh này ít xuất hiện trong mâm cỗ Tết là do cách chế biến và bảo quản món ăn này khá kỳ công, không hợp với tác phong hiện đại. Trong lòng những người con Việt, những nét đẹp tinh hoa của ẩm thực ngày Tết vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn qua nhiều thế hệ.

CHÂU ANH (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tai-sao-banh-giay-khong-cung-dong-hanh-voi-banh-chung-tren-mam-co-tet-20200125102513705.htm