Tại sao bạn bị đỏ mặt khi uống rượu bia?

Đỏ mặt khi uống rượu bia là tình trạng rất nhiều người gặp phải nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân.

Đỏ mặt khi uống rượu là tình trạng như thế nào?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi Etanol trong rượu đi vào cơ thể con người, một phần nhỏ sẽ thông qua đường hô hấp hoặc nước tiểu mà được thải ra ngoài, tuy nhiên vẫn còn gần 90% hàm lượng của nó đều phải qua gan tiến hành trao đổi chất.

Quá trình trao đổi chất của gan sẽ trải qua 2 bước:

Bước 1: Dưới tác dụng của các enzyme Aldehyd Dehydrogenase, Etanol sẽ phân giải thành Acetaldehyde.

Bước 2: Acetaldehyde sau khi được trao đổi chất, dưới tác dụng của Aldehyd Dehydrogenase 2 (viết tắt là ALDH2) lại chuyển hóa thành Etanoic.

Đỏ mặt khi uống rượu là hiện tượng khi gan bị thiếu hụt các enzyme làm nhiệm vụ chuyển hóa Etanol thành Etanoic, tức là thiếu Aldehyd Dehydrogenase. Một khi Etanol không thể được trao đổi chất kịp thời như bình thường sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ chất này, làm giãn nở các mạch máu ở niêm mạc da nên gây đỏ mặt sau khi uống bia rượu.

Như vậy có thể thấy, tình trạng này chính là một biểu hiện bất thường của quá trình trao đổi chất Etanol chứ không liên quan trực tiếp đến “tửu lượng”. Điều này cũng có nghĩa là biểu hiện đỏ mặt chỉ là dấu hiệu nhận biết cơ thể có bệnh, cụ thể là ở gan chứ không phải uống bia rượu nhiều mà bị.

Đỏ mặt khi uống rượu bia có nguy hiểm không?

Mặc dù bản thân hiện tượng đỏ bừng da mặt sau khi uống rượu bia không nguy hiểm lắm, nhưng những người mắc bệnh này có nguy cơ mắc phải chứng cao huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 trên nam giới Hàn Quốc đã nghiên cứu sự khác biệt về huyết áp giữa những người bị đỏ mặt khi uống rượu và những người có biểu hiện bình thường.

Sau khi tính đến các yếu tố như tuổi tác, cân nặng, hút thuốc và thói quen tập thể dục, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người đàn ông đỏ bừng mặt sau khi uống rượu có nguy cơ cao huyết áp cao hơn đáng kể khi họ sử dụng đồ uống có cồn từ 4 – 5 lần mỗi tuần.

Ngược lại, những người có biểu hiện bình thường sau khi uống rượu vẫn ở trạng thái ổn định và không cho thấy huyết áp tiềm ẩn nguy cơ tăng lên.

Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu tin rằng nguy cơ ung thư vòm họng lên cao có thể là do sự gia tăng nồng độ acetaldehyd. Hàm lượng acetaldehyd cao sẽ tấn công DNA trong các tế bào của bạn, từ đó kích thích các tế bào ung thư phát triển.

Giảm đỏ mặt khi uống rượu bia bằng cách nào?

Hiện tượng mặt đỏ có thể đi kèm với nhịp tim nhanh, trong trường hợp nặng có thể là buồn nôn, đau đầu. Vì những hiệu ứng này mà người mắc thường không thể uống được nhiều.

Mặc dù không có cách nào thay đổi được điều này nhưng một số cách có thể giúp giảm đỏ mặt khi uống rượu bia.

Điều đầu tiên cần lưu ý là không nên cố gắng uống thật nhiều rượu bia để tăng tửu lượng. Cách này không giúp giảm triệu chứng mặt đỏ, nhức đầu như nhiều người vẫn tưởng. Các bác sĩ khuyến cáo không nên làm như vậy vì chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng.

Thay vì vậy, hãy hạn chế uống rượu bia. Lượng rượu bia uống vào mỗi ngày không nên quá 2 ly với đàn ông và 1 ly với phụ nữ, các chuyên gia khuyến cáo.

Uống quá nhiều sẽ khiến cơ thể bạn không xử lý kịp. Do đó, cách tốt nhất là hãy hạn chế rượu bia ở các bữa tiệc. Nếu cứ mỗi lần uống là bị đỏ mặt, buồn nôn, nhức đầu thì hãy lập ra định mức cho bản thân. Khi uống đến mức mà mặt bắt đầu đỏ thì hãy ngưng lại, các chuyên gia khuyến cáo, theo MSN.

Theo Bằng Lăng/Tiêu dùng

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/tai-sao-ban-bi-do-mat-khi-uong-ruou-bia/20210217082338911