Tại sao ai cũng muốn đầu quân cho công ty này?

Các nhân viên được quyền tự do lựa chọn giờ giấc, văn phòng làm việc, thậm chí có thể làm ở nhà, quán cà phê hay bất cứ chỗ nào họ thích, tham gia bất cứ cuộc họp nào của công ty nếu muốn.

Ở Verve, các nhân viên được quyền tự do lựa chọn thời gian, địa điểm làm việc, và tham gia các cuộc họp mà mình muốn (Ảnh Getty Images)

Đây là sự thật mà công ty khởi nghiệp Verve đang áp dụng cho các nhân viên của mình, và chính điều này tạo ra động lực rất lớn cho công ty phát triển cực nhanh trong những năm qua.

Callum Negus-Fancey, một doanh nhân người Anh 28 tuổi, đã xây dựng công ty khởi nghiệp Verve trên nền căn hộ của cha mẹ anh ở phía Tây Luân Đôn. Được thành lập năm 2013, Verve là một nền tảng phần mềm cho phép các ngành/thương hiệu tuyển mộ được những người hâm mộ để bán vé cho các sự kiện của họ, đổi lại những người này sẽ nhận được các phần thưởng như là vé vào miễn phí và các huy hiệu VIP.

Hiện nay, Verve đã huy động được số vốn đầu cơ lên đến 35 triệu USD và đã tăng số nhân viên từ 5 lên 160 người thuộc tất cả các văn phòng ở Luân Đôn, Las Vegas, Austin và một số thành phố khác ở châu Âu.

Tuy phát triển với cấp số nhân như vậy, nhưng văn hóa hoạt động của công ty Verve vẫn được duy trì về cơ bản như lúc mới thành lập với một số lượng nhân viên và nguồn vốn khiêm tốn, anh Negus-Fancey cho tờ Business Insider biết. Ngay từ khi mới bắt đầu thành lập, công ty này đã cho phép các nhân viên của mình được quyền tự do lựa chọn giờ giấc làm việc, nơi làm việc, và các cuộc họp mà họ tham gia.

Dù nhân viên của mình có đến công ty, ngồi trong văn phòng làm việc đến 9 tiếng hay không, thì “đó không phải là điều mà tôi quan tâm. Điều duy nhất mà tôi quan tâm là giá trị mà họ tạo ra cho các khách hàng của chúng tôi”, anh Negus-Fancey nói.

Nhìn chung những người thuộc thế hệ Y (những người sinh từ 1980 đến 1998) làm việc nhiều giờ hơn, để lỡ nhiều ngày nghỉ hơn, và nghỉ hưu muộn hơn nhiều so với các thế hệ trước. Khi cùng độ tuổi, họ cũng làm ra ít tiền hơn so với thế hệ cha mẹ mình.

Những điều kiện này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức, cạn kiệt động lực làm việc, thiếu sự gắn kết với công việc, hay thậm chí là bỏ việc, đây là lý do tại sao những người thế hệ Y vẫn thường được gọi là thế hệ “hy vọng nhiều vào công việc”. Năm 2016, một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup đã công bố kết quả rằng 21% số người thuộc thế hệ Y cho biết họ đã thay đổi việc làm của mình nhiều lần trong năm qua (nhiều hơn đến 3 lần so với những người không thuộc thế hệ Y), và có đến 60% số người sẵn sàng cân nhắc các cơ hội mới.

Từ đó, các công ty bắt đầu thực hiện các giải pháp mang tính sáng tạo để giữ chân nhân viên của mình lâu hơn (những người thuộc thế hệ Y), từ việc chấp nhận trả lương trong thời gian họ được nghỉ để đi du lịch cho đến hướng dẫn định hướng sự nghiệp theo nhu cầu.

Tại công ty Verve, gần như tất cả 160 nhân viên làm việc ở các văn phòng rải rác khắp nơi trên thế giới. Theo anh Negus-Fancey, một tỷ lệ rất lớn số nhân viên của công ty – chủ yếu là những người ở độ tuổi 30 đến 39 – làm việc ở quán cà phê hay ở nhà ít nhất một lần/tuần. Công ty Verve không có giờ giấc làm việc hay những ngày nghỉ cố định.

“Quan điểm của tôi là tôi muốn những nhân viên của Verve xem văn phòng làm việc là một công cụ hơn là một nơi bắt buộc phải đến”, ông nói.

Negus-Fancey cho biết nếu một nhân viên của công ty anh cần về sớm để đến phòng khám nha sỹ, họ được quyền làm thế mà không cần phải thông báo cho ai biết cả. Vị CEO của Verve giải thích rằng một người nhân viên phải làm một chỗ cả đời “rõ ràng có thể gây các mối lo hay căng thẳng”, và điều này có thể là một triệu chứng làm họ bỏ việc trước đây. Một người quản lý nên cần biết đặt mình vào vị trí của nhân viên và thấy được rằng “tại sao họ không cần làm việc đó ở đây chứ”, Negus-Fancey nói.

Văn hóa công ty này rất nhiều cảm hứng và sáng tạo, một phần là nhờ phương pháp khởi nghiệp khác thường của người sáng lập công ty.

Callum Negus-Fancey – người đồng sáng lập công ty Verve (Ảnh Verve)

Khi mới 17 tuổi, Negus-Fancey đã bỏ dở học phổ thông bởi lúc đó cậu nói rằng mình không phù hợp với một khuôn mẫu giáo dục “giống nhau như đúc”. Cậu không thích học, cũng không cảm thấy việc học ở nhà trường đưa cậu đi đến thành công.

Callum Negus-Fancey đã thành lập công ty có tên là Let’s Go Crazy, chuyên tổ chức các bữa tiệc nhảy nhưng không được sử dụng ma túy hay chất uống có cồn cho những đứa trẻ ở độ tuổi từ 16 đến 18. Lúc đó Negus-Fancey gần như không có vốn, thay vào đó, cậu sử dụng hình thức bán vé để có tiền chi trả phí thuê câu lạc bộ. (Negus-Fancey đã gây nhiều phiền toái cho các chủ câu lạc bộ ở Luân Đôn vì đã “đưa quá nhiều đứa trẻ vị thành niên vào câu lạc bộ. Nhưng đổi lại công ty cũng phải chịu một số áp lực vì những đứa trẻ sử dụng ma túy trong các sự kiện do công ty tổ chức).

Ý tưởng thành lập công ty Verve sau khi Negus-Fancey thấy được hiệu quả tuyệt vời từ việc những đứa trẻ bán vé cho những đứa khác để tham gia vào các sự kiện của Let’s Go Crazy. Công ty Verve đã tăng cường “quảng cáo bằng lời nói” để bán vé cho các sự kiện, chủ yếu là các lễ hội âm nhạc, người dùng bán vé cho bạn bè mình để nhận được các phần quà hấp dẫn như là quyền bước vào sân khấu hậu trường của sự kiện.

Với tư cách là một doanh nhân, Negus-Fancey cho biết anh đã học để yêu sự ồn ào náo nhiệt và cảm thấy một mục đích mới. Anh đã tưởng tượng ra một văn hóa công ty cho phép các nhân viên được quyền tự do làm việc theo cách họ muốn để đạt hiệu quả tốt nhất.

Sự linh hoạt về văn phòng và giờ giấc làm việc là một yếu tố có sức lôi kéo cực lớn để những người thuộc thế hệ Y ứng tuyển vào làm việc cho Verve và tạo ra nhiều lý do và cơ hội hơn để các nhân viên đang làm việc cho Verve gắn kết chặt chẽ với nhau như một gia đình, Negus-Fancey nói.

Trong một cuộc điều tra về sự hài lòng của nhân viên năm 2017, có đến 24% số nhân viên của công ty Verve cho biết họ hoàn toàn đồng ý rằng họ “không cảm thấy bị đánh giá vì tự ý có những ngày nghỉ. 1/3 số nhân viên cho biết họ đồng ý 100% rằng họ “được quyền tự do lựa chọn nơi làm việc, thời gian làm việc, và cách thức làm việc ở Verve”.

Negus-Fancey cũng cho biết công ty hầu như không có vấn đề gì với nhân viên liên quan đến việc vi phạm quyền lợi của họ. Nhưng nếu một nhân viên để chệch hướng các mục đích của mình, thì quản lý sẽ yêu cầu làm rõ lý do là gì.

Cũng theo anh Negus-Fancey, thì các nhân viên của Verve vẫn làm việc rất nhiều và chăm chỉ. Công ty Verve đang phát triển rất nhanh, và những người vào làm việc cho Verve cần hiểu rằng giờ giấc làm việc linh hoạt không có nghĩa là thời gian làm việc ít hơn. Negus-Fancey vẫn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chất lượng công việc hơn là số lượng thời gian làm việc. Anh đã cố gắng truyền đi thông điệp này trong những cuộc họp hàng tuần và trong các bức thư của công ty.

“Trong một môi trường khởi nghiệp, bạn có rất nhiều thứ bất định và tốc độ thay đổi phát triển nhanh. Nhưng một điều mang lại cho nhân viên cảm giác chắc chắn đó là văn hóa làm việc trong công ty bạn”, Negus-Fancey nói.

Danh Cảnh /

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tai-sao-ai-cung-muon-dau-quan-cho-cong-ty-nay-201516.html