Tài sản vô hình, sức mạnh cạnh tranh

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Công Tạc, trong thời đại KH-CN phát triển như vũ bão hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận và bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân, nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo. SHTT hiện đã trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, nhưng nếu không chuẩn bị tốt chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.

Năm 1975, tổng giá trị tài sản của 500 hãng lớn nhất nước Mỹ đăng ký ở thị trường chứng khoán, tạo nên sự hùng mạnh của nền kinh tế Mỹ. Khi đó, các công ty Mỹ có tỷ lệ tài sản hữu hình trên vô hình là 82/18. Nhưng đến năm 2015, tức 40 năm sau, sự dịch chuyển hoàn toàn ngược lại, tài sản hữu hình chỉ còn 18% và vô hình chiếm 82%. Một số hãng công nghệ chỉ nắm tài sản về SHTT các giá trị công nghệ lớn, có thể kể đến như: Google, Apple, Uber, Facebook, Microsoft…

Có thể nói, tài sản vô hình là đặc tính của nền kinh tế hiện đại, gắn liền với các nước phát triển công nghiệp. Trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, vấn đề SHTT ngày càng được quan tâm nhiều hơn, trở thành vai trò tiên quyết, chi phối nhiều mối quan hệ, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của một quốc gia.

Thời gian qua, mặc dù nền móng cho hoạt động SHTT của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc. Có thể kể đến Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12-11-2018, có hiệu lực với Việt Nam ngày 14-1-2019; và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên ký kết ngày 30-6-2019 tại Hà Nội.

Thế nhưng, hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao, như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực sự trở thành công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, để thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030 cũng như các mục tiêu đề ra, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra hiện nay là hệ thống SHTT phải được xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cần thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở quy mô khu vực và toàn cầu bởi nhiều vấn đề SHTT đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số, kinh tế số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, yêu cầu hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT “mới được tạo ra” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… là hết sức quan trọng, bức thiết. Bởi đó chính là tương lai, là sức mạnh của nền kinh tế bất cứ quốc gia nào, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

TRẦN LƯU

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/tai-san-vo-hinh-suc-manh-canh-tranh-73571.html