Tài sản riêng mới được lập hợp đồng tặng cho

Cá nhân có quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu, quyền sử dụng của mình như: tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê... và việc định đoạt đó không trái quy định pháp luật.

Luật sư Cao Sơn Hà (Hội Luật gia tỉnh) cấp tài liệu tuyên truyền về pháp luật dân sự cho người dân xã Suối Cao (H.Xuân Lộc) tại buổi tuyên truyền tư vấn, trợ giúp pháp lý do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Cao Sơn Hà (Hội Luật gia tỉnh) cấp tài liệu tuyên truyền về pháp luật dân sự cho người dân xã Suối Cao (H.Xuân Lộc) tại buổi tuyên truyền tư vấn, trợ giúp pháp lý do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú

Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

* Không phải “thích là cho”

Ông L.H.L. (ngụ xã Đắc Lua, H.Tân Phú) có chiếc xe máy cũ do vợ chồng mua cách đây 5 năm. Vì thương người em họ khó khăn, không có phương tiện đi làm nên ông L. làm hợp đồng tặng cho người em họ chiếc xe máy mà không được sự đồng ý của vợ. Chính vì vậy, khi người em họ ra công an làm thủ tục sang tên đổi chủ chiếc xe máy thì bị vợ ông L. ngăn cản. Vợ ông L. lập luận, chiếc xe máy đó là tài sản chung của vợ chồng, ông L. không được tự ý cho em họ khi chưa được sự đồng ý của bà.

Luật sư Cao Sơn Hà (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, việc vợ ông L. ngăn cản ông tự ý cho người em họ chiếc xe máy như vậy là đúng. Bởi theo quy định của pháp luật, chiếc xe máy trên thuộc sở hữu chung của vợ chồng nên khi ông L. muốn cho tặng, chuyển nhượng cho ai thì phải được sự đồng ý của vợ.

Hay như trường hợp ông C.H.K. (ngụ xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) lập hợp đồng tặng cho người con trai út 300m2 đất mà không hỏi ý kiến của các con còn lại. Biết chuyện, các con của ông K. phản đối, ngăn cản việc làm của cha. Mới đầu ông K. không hiểu pháp luật nên cho rằng, ông có quyền sử dụng, định đoạt tài sản này khi vợ mất, các con ngăn cản là bất hiếu.

Tuy nhiên qua tư vấn của luật sư Hà, ông K. hiểu được vấn đề. Bởi theo quy định của pháp luật, ông chỉ có quyền định đoạt 1/2 diện tích mảnh đất, số còn lại là của vợ ông nên phần đất này phải được chia cho ông, các con của ông theo quy định pháp luật về thừa kế. Theo đó, ông chỉ được phép lập hợp đồng tặng cho 1/2 diện tích đất thuộc quyền sở hữu của ông cho con trai út, còn 1/2 phần đất thuộc sở hữu của vợ ông (đã mất) là tài sản chung của ông và các con. Khi ông muốn cho con trai út phần đất này phải được sự đồng thuận của tất cả mọi người và việc cho tặng đó phải được lập thành văn bản (có công chứng, chứng thực) thì con trai út mới có toàn quyền sử dụng, định đoạt tài sản này.

“Việc cha mẹ lập hợp đồng tặng cho tài sản cho con hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết pháp luật nên đôi khi cha mẹ không biết rằng, đó là tài sản chung của nhiều thành viên trong gia đình góp sức tạo dựng, nên việc cho tặng tài sản này phải được sự đồng thuận của những người có liên quan. Chính vì vậy, trong thực tế cuộc sống vẫn còn xảy ra tình trạng mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình với nhau khi một cá nhân tự ý quyết định tặng cho, chuyển nhượng tài sản chung cho người khác mà không được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình” - luật sư Hà bộc bạch.

* Phải tuân thủ pháp luật

Cũng theo luật sư Hà, việc lập hợp đồng tặng cho tài sản cho người khác phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật dân sự và các luật có liên quan. Nếu hợp đồng tặng cho tài sản trái quy định pháp luật thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu, các bên phải hoàn trả lại tài sản cho nhau và người có lỗi phải bồi thường thiệt hại.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Còn tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Luật sư Hà lưu ý, trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.

Ngoài ra, luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa cho hay, việc tặng cho có sự ràng buộc về sau này giữa các bên như: chăm sóc, nuôi dưỡng... Điều 462, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202008/tai-san-rieng-moi-duoc-lap-hop-dong-tang-cho-3017599/