Tài sản duy nhất cha mẹ nghèo để lại cho anh em tiến sỹ Giàu

Người cha quan niệm, 'dù có chết cũng không để lại cho con bất cứ tài sản gì' ngoài thứ duy nhất.

TS. Võ Văn Giàu (SN 1986) - nhà nghiên cứu vừa đoạt giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2019 là một người con của vùng đất Quảng Nam. Anh kể, tuổi thơ gắn liền với vùng khô cằn đầy gió biển và mưa bão đã tôi luyện cho những đứa trẻ miền quê như anh ước mơ và nghị lực mạnh mẽ để thoát khỏi cảnh nghèo.

“Dù nghèo nhưng ba má vẫn cố cho tụi con được đi học”

Là con út trong một gia đình có 10 người con, cái nghèo đã đeo bám lấy gia đình anh trong suốt mấy chục năm trời.

“Có lẽ cũng vì ước mơ có một cuộc sống tốt đẹp hơn nên ba má lần lượt đặt tên cho các anh em tôi là Lắm, Sang, Giàu”, TS. Giàu kể lại.

Nhưng những cái tên dù có chứa đầy ước ao thì nhà anh Giàu vẫn cứ “nghèo bền vững”. Song ba má anh khi ấy vẫn quyết không để các con phải nghỉ học.

Đại gia đình gồm bốn thế hệ của TS. Võ Văn Giàu

Cả gia đình với 13 người (10 con, ba má và bà nội) sống nhờ vào mấy sào ruộng, đến mùa trồng lúa, lúc lại trồng khoai mì. Việc đói ăn xảy ra như cơm bữa.

“Tôi nhớ anh chị tôi thường nói rằng: “Út sướng nhất vì có cơm để ăn”. Trước tôi, anh chị chỉ được ăn 7 phần khoai, 3 phần cơm trộn lẫn. Ba má tôi thường mua cá nục, cá cơm về muối thành những ghè lớn để ăn dần qua mùa đông.

Nhà đông con nên dọn cơm ra cũng phải ngồi ăn như quân đội. Có một con cá ba sẽ đưa lên miệng cắn lấy cái đầu, phần thịt tách ra thành miếng để chia cho từng người theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Là con út nên tôi thường được ưu tiên phần hơn; đến các anh chị lớn thì chẳng còn phần thịt cá.

Nhưng nhờ vậy, anh em chúng tôi học được cách đùm bọc, yêu thương lẫn nhau”.

Cứ thế, anh chị lớn thay ba má quản thúc các em. Nếp nhà cứ thế phát huy, đứa lớn nuôi đứa nhỏ, không ai chệch ra ngoài quỹ đạo chung là “phải học để thoát nghèo”.

“Tôi nhớ có thời điểm mọi người trong làng thường đùa rằng, nhà tôi đi học như lùa vịt ra đồng vì cứ 5 – 7 người cùng xách cặp đi học. Các anh chị em đều học chung nhau một bộ sách. Vì thế không ai được phép vẽ bậy bởi sách còn “tái bản” để dành cho những người em phía sau. Hay khi cùng nhau đi chăn bò, làm đồng áng tay ai cũng phải cầm theo quyển sách”.

“10 người con ai cũng tự lập”

Ở thời điểm cả xã nghèo, cả làng nghèo, nhà anh Giàu cũng không thoát nổi cái nghèo thì gia đình anh, người học thấp nhất cũng hết cấp 3. Ba anh quan niệm, “dù có chết cũng không để lại cho con bất cứ tài sản gì”. Thứ tài sản duy nhất ba má anh để lại cho các con chính là tri thức.

“Ba tôi luôn cứng rắn trong việc định hướng cho các con phải học hành tử tế. Nhà tôi ở gần núi. Cứ đứa nào lười học hay trốn học, ba lại kéo ra khoảng sân, chỉ lên tít ngọn núi xa xa và nói: “Không học, tương lai của con sẽ ở trên những đỉnh núi kia”.

Nghe vậy chúng tôi ai cũng sợ lắm, bởi như thế là phải đi đốt nương làm rẫy hoặc lên đó kiếm củi. Ba không cần đánh đòn hay răn đe gì cả. Thay vào đó, ba nói: “Cuộc đời của ba má đã quá khổ rồi; con đường duy nhất để các con thoát cảnh đói nghèo là phải học”. Đến giờ, anh chị em tôi ai cũng biết ơn vì những định hướng của ba má".

Nhờ thế, các anh em nhà anh Giàu ai cũng học rất giỏi. Có người tốt nghiệp tiến sĩ Y khoa, nay đã là Giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội; có người lại làm Luật sư, Kỹ sư, …

“Các anh chị đi trước chính là tấm gương để tôi tiếp bước theo sau”.

TS. Võ Văn Giàu là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực Khoa học Thần Kinh

Ngày anh Giàu vào đại học, cùng ba má, anh Bốn (nay là giám đốc bệnh viện) lo hỗ trợ học phí; còn anh Năm (nay công tác tại Xí nghiệp cấp thoát nước TP.HCM) lại lo hỗ trợ nhà cửa, ăn uống. Khi em trai muốn tìm việc làm thêm, người anh thứ Năm cũng phải tìm hiểu kỹ xem công việc đó có ảnh hưởng gì đến việc học của em không.

“Các anh chị đều rất lo lắng cho em nhỏ thay ba má. Vì vậy sau này, ba má cũng đỡ vất vả hơn do các con đã lớn và đi làm phụ giúp. Song, ba má vẫn giữ thói quen sống rất tiết kiệm vì điều kiện khí hậu miền Trung mùa hè hạn hán, mùa đông bão lụt, người miền Trung luôn phải ky cóp”.

Ước mơ biến Quảng Nam thành một vùng quê trù phú

Đến giờ, anh Giàu đã có gia đình riêng với người vợ là Dược sĩ. Chị vừa tốt nghiệp tiến sĩ tại Hàn Quốc và hiện đang là giảng viên tại Trường ĐH Công nghệ TP. HCM.

Còn anh Giàu sau khi hoàn thành chương trình đại học và cao học, năm 2014, anh đã nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ để theo đuổi ngành Kỹ thuật Y Sinh học tại Đại học Gachon, Hàn Quốc.

Với kiến thức sẵn có, anh được tuyển chọn vào nhóm nghiên cứu lâm sàng bậc nhất Hàn Quốc – nơi hội tụ nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều trường đại học, bệnh viện lớn của Hàn Quốc - với mục đích nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Đến giờ, anh Giàu đã có gia đình riêng với người vợ là Dược sĩ.

Tốt nghiệp sau hơn 3 năm với kết quả học tập - nghiên cứu xuất sắc và đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, TS. Giàu được giữ lại trường và bổ nhiệm vào vị trí Giáo sư trợ lý tại Khoa Công nghệ Nano Sinh học và Khoa Kỹ thuật Môi trường & Công nghiệp cho đến hiện tại.

Sau 6 năm theo đuổi hướng nghiên cứu này, TS. Giàu đã đóng góp hơn 35 công trình nghiên cứu, một bằng độc quyền sáng chế và hiện đang chủ nhiệm một dự án thuộc Quỹ nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc.

“Mình muốn mang hướng nghiên cứu này về Việt Nam và muốn vẽ lên trên bản đồ nghiên cứu về căn bệnh Alzheimer có chữ Việt Nam trong đó”, TS. Giàu chia sẻ.

Nghĩ về tương lai xa hơn, TS. Giàu cho biết: “Nếu có cơ hội mình sẽ quay trở về quê hương, biến vùng đất cằn cỗi nơi mình sinh ra thành một vùng trù phú theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, vợ của mình cũng mong muốn thành lập một vùng lâm nghiệp với những cây thuốc để chiết xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu ứng dụng trong dược và mỹ phẩm”.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/gia-dinh-10-anh-em-ngheo-van-hoc-cua-tien-si-giau-603681.html