Tài sản cán bộ không giải trình rõ nguồn gốc được 'xử' thế nào?

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ không giải trình rõ nguồn gốc.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban TVQH sáng 10/9

Sáng nay (10/9), Ủy ban TVQH họp phiên thứ 27 cho ý kiến lần 3 vào dự thảo Luật PCTN sửa đổi.

Báo cáo về một số vấn đề lớn của Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được UBTVQH cho ý kiến thống nhất. Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Cụ thể, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (Phương án 1 của dự thảo Luật).

Nhiều ý kiến ĐBQH khác lại tán thành với phương án tạm coi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là thu nhập chưa nộp thuế và Nhà nước sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân (Phương án 2 của dự thảo Luật).

Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị một số phương án khác như: Xử phạt hành chính ở mức cao đối với hành vikhông giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; giữ quy định Luật PCTN hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính…

Về phương án 1 (xem xét, giải quyết tại Tòa án), Ủy ban Tư pháp lý giải, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình; Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Theo Ủy ban Tư pháp, phương án này thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Tuy nhiên, theo phương án này thì UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của Tòa án mới thi hành được.

Về phương án 2 (thu thuế thu nhập cá nhân),nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đánh giá của Ủy ban Tư pháp cho thấy với phương án này, thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án. Việc thu thuế cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và thu hồi tài sản nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ vẫn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính để giải quyết.

Tuy nhiên, phương án này chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Phương án này chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại Tòa án.

Theo phương án này sẽ phải sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Quy định về thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ để đưa ra mức thuế phù hợp với thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Với đề xuất xử lý bằng biện pháp phạt hành chính ở mức cao với hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Trong khi đó, hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức phải bị xử lý kỷ luật.

Do đó, dự thảo Luật quy định một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật sau đó lại bị xử lý hành chính là không hợp lý.

Với ý kiến đề xuất xử lý hình sự thông qua việc hình sự hóa tội làm giàu bất chính, Ủy ban Tư pháp cho rằng việc xử lý hình sự hành vi làm giàu bất chính thường gặp khó khăn trong chứng minh tội phạm, trình tự, thủ tục kéo dài qua nhiều cấp xét xử, dẫn đến hiệu quả thu hồi tài sản không cao. Đồng thời, do đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, do đó chưa nên đặt vấn đề hình sự hóa hành vi này.

Sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án) vì đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án xin ý kiến Ủy ban TVQH về 2 phương án như sau là xử lý qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án và phương án thu thuế thu nhập cá nhân.

Hoài Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tai-san-can-bo-khong-giai-trinh-ro-nguon-goc-duoc-xu-the-nao-d271242.html