Tái phát dịch tả lợn Châu Phi tại Quảng Nam

Hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày Quảng Nam xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đầu tiên. Ở giai đoạn đầu công tác chống dịch diễn ra hiệu quả, các ổ dịch được kiểm soát tốt ngay khi bùng phát. Khi đó, Phó trưởng ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát trong chuyến công tác tại đây đã nhận định Quảng Nam là tỉnh có nhiều khả năng sẽ dập tắt được DTLCP trước tiên. Tuy nhiên, sau gần một tháng “im ắng”, DTLCP lại bỗng nhiên bùng phát trở lại kéo theo nhiều hệ lụy, bất cập khiến ngành chức năng không kịp trở tay. Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có đến 12 xã, phường tái phát dịch lần 2. Vậy nguyên nhân của việc tái phát dịch bệnh này là từ đâu?

Heo chết vứt đầy kênh mương là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Tính đến đầu tháng 8, toàn tỉnh Quảng Nam có 54.063 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc (chiếm hơn 11% tổng đàn) với tổng trọng lượng hơn 2.816 tấn heo hơi. Trong số các huyện, thị xã, thành phố bị dịch tấn công thì Thăng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Được biết, Thăng Bình có 95.911 con heo thì thời gian qua đã có đến 43.251 con bị mắc bệnh phải tiêu hủy, chiếm tỷ lệ 45% tổng đàn. Theo thống kê sơ bộ, các xã tái phát dịch hiện nay gồm: Bình Dương (Thăng Bình), Phú Thọ (Quế Sơn), Điện Ngọc, Điện Thắng Trung (Điện Bàn), Tam Thanh, Hòa Hương, Tân Thạnh (Tam Kỳ), Duy Trung, Duy Thành, Duy Sơn (Duy Xuyên), Tam Xuân 2 (Núi Thành), Trà Tân (Bắc Trà My). Trong khi đó, DTLCP vừa tiếp tục xuất hiện tại P. Cẩm Nam (Hội An) và các xã Phước Năng, Phước Công, thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) khiến nhiều con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp. Như vậy, hiện nay Quảng Nam đã có 16/18 huyện, thị xã, thành phố bị dịch bệnh nguy hiểm này gây hại (ngoại trừ Đông Giang và Tây Giang).

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y cho biết thời gian đầu, dịch xuất hiện lẻ tẻ, khi ấy công tác chống dịch được làm rất tốt, khi có heo nhiễm bệnh lập tức được mang đi tiêu hủy. Tuy nhiên, số lượng heo bệnh hiện nay đã tăng đột biến và chưa có dấu hiệu chững lại. Theo ông Nam, điều này xảy ra do 2 nguyên nhân chính là số lượng heo bệnh nhiều lên thì khả năng ứng phó, xử lý môi trường bắt đầu bất cập và ý thức của người dân chưa thực sự tốt khi phát hiện heo nhiễm bệnh.

“Đơn cử như hiện nay, theo quy định thì heo có dấu hiệu nhiễm bệnh cần phải đi xét nghiệm rồi tiến hành tiêu hủy. Nếu chôn toàn bộ đàn heo mà không qua xét nghiệm vừa sai quy định vừa dễ dẫn tới việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Tuy nhiên, để bám sát quy định này thì lực lượng chức năng phải rất vất vả. Lực lượng chống dịch làm “không xuể” trong khi đó số lượng heo chết ngày càng tăng khiến heo bệnh phải “nằm” trong chuồng quá lâu làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh sang hộ khác. Trong khi đó, những ngày vừa qua tại Quảng Nam liên tục xuất hiện tình trạng heo chết vứt ra đường hoặc kênh mương. Dù cơ quan chức năng đã tích cực dùng xe lưu động tuyên truyền lẫn tăng cường kiểm soát, nhưng chỉ cần lơ là là tình trạng trên tái diễn. Theo cảnh báo của Bộ NN&PTNT, thời gian tới rất nhiều khả năng DTLCP sẽ tiếp tục lây lan. Tại Quảng Nam dịch đang bùng phát mạnh chứ chưa đạt “đỉnh”. Chúng tôi đang lo ngại dịch sẽ từ những ổ nhỏ lẻ lan vào các trang trại lớn”, ông Nam cho biết.

Ngoài khó khăn trong công tác tiêu hủy, chôn lấp heo bệnh thì việc quản lý giết mổ heo cũng đang gặp khó khăn. Hiện nay, việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đã được bàn giao cho địa phương, nhưng cán bộ thú y ở cơ sở không nhiều. Những cán bộ này hiện nay cũng đang được tăng cường tối đa để kiểm tra tình hình dịch bệnh, giám sát heo chết, kiểm tra heo mắc bệnh để tiêu hủy vì vậy không đủ lực lượng kiểm tra việc giết mổ. Ở các khu chợ và trong các địa bàn dân cư vẫn còn tình trạng người dân bán “chui” heo ra thị trường.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_210692_tai-phat-dich-ta-lon-chau-phi-tai-quang-nam.aspx