Tài nữ Trung Hoa cổ đại khiến Tào Tháo cả đời ngưỡng mộ

Nhờ vào kiến thức sâu rộng, tài ứng đối và cả sự nhu mỳ, Thái Văn Cơ đã lay động Tào Tháo, khiến người đứng đầu nhà Ngụy buộc phải tha chết cho chồng nàng là Đổng Tự.

Thái Văn Cơ, tên Diễm, tên gốc là Chiêu Cơ, thời Tấn tránh tên húy Tư Mã Chiêu, đổi thành Văn Cơ, người Trần Lưu Ngữ (nay là huyện Kỷ, Khai Phong, Hà Nam) cuối đời Đông Hán. Nàng là con gái của Thái Ung, nhà văn lớn đời Đông Hán. Nàng vốn giỏi thơ phú, lại giỏi hùng biện và âm luật.

Tranh vẽ mô tả Thái Văn Cơ. Ảnh dẫn theo wattpad.com.

Thái Văn Cơ cả đời đã hoàn thành “Tục Hán Thư” 400 quyển, bổ sung cho khoảng trống thiếu của “Hán Thư”, cô đã để lại “18 nhịp kèn Hồ” bồi hồi, xúc động lòng người, và “Bi phẫn thi”, một bài thơ trường thiên tự sự tự truyện thể ngũ ngôn đầu tiên trong lịch sử thơ ca Á Đông.

Cha cô, Thái Ung là nhà đại văn hào, nhà thư pháp danh tiếng lẫy lừng đương thời, ông còn tinh thông thiên văn, lý số, giỏi âm luật, là bạn chí thân và là thầy của Tào Tháo. Sinh ra trong gia đình như thế này, Thái Văn Cơ đã thấm nhuần từ nhỏ, vừa học rộng giỏi văn, lại giỏi thơ phú, còn giỏi hùng biện và âm luật. Thái Văn Cơ từ nhỏ đã thần tượng Ban Chiêu, cũng vì vậy nên từ nhỏ đã để tâm đến các điển tích, xem hết kinh sử, đồng thời có chí cùng với cha sửa, viết tiếp Hán Thư, lưu danh sử xanh.

Đáng tiếc những năm cuối đời Đông Hán, xã hội loạn lạc, ban đầu Thái Văn Cơ lấy Vệ Trọng Đạo, nhưng do không có con, chồng chết, nên trở về nhà mẹ đẻ. Rồi Hung Nô xâm chiếm, nàng bị bắt đưa về Nam Hung Nô, bị gả cho vua Hung Nô vai hùm lưng gấu Tả Hiền Vương, chịu hết đau khổ của cuộc sống dị tộc dị hương dị tục, sinh được hai người con trai. 12 năm sau, Tào Tháo thống nhất miền Bắc, nghĩ tới lời dạy của ân sư Thái Ung đối với bản thân, đã dùng rất nhiều vàng chuộc lại Thái Văn Cơ. Cả đời Thái Văn Cơ đau khổ, “Trở về quốc thổ” và “Mẹ con đoàn tụ” không được vẹn toàn.

Sau khi Tào Tháo chuộc lại Thái Văn Cơ, và gả nàng cho Đổng Tự. Sau đó Đổng Tự phạm phải tội chết, Thái Diễm đi tìm Tào Tháo xin cho Đổng Tự. Lúc đó Tào Tháo đang yến tiệc mời các công khanh danh sỹ, nói với các tân khách rằng: “Con gái Thái Ung ở bên ngoài, hôm nay cho mọi người được thấy”. Thái Diễm xõa tóc, chân trần, khấu đầu thỉnh tội, nói năng rành mạch rõ ràng, tình cảm khổ đau chua xót, tất cả các tân khách đều cảm động. Nhưng Tào Tháo lại nói: “Nhưng giấy giáng tội đã phát đi rồi, làm sao đây?”.

Thái Diễm nói: “Ngựa tốt trong chuồng ngựa của ngài có hàng nghìn hàng vạn, sỹ tốt dũng mãnh cũng không đếm xuể, vẫn còn tiếc một con tuấn mã để cứu một sinh mệnh đang chờ chết sao?”. Tào Tháo cuối cùng đã bị Thái Văn Cơ làm cho cảm động, đã tha chết cho Đổng Tự.

Một lần trong lúc nhàn đàm, Tào Tháo bày tỏ ngưỡng mộ tàng thư trong nhà xưa của Thái Văn Cơ. Thái Văn Cơ nói, trong nhà vốn có 4 nghìn quyển sách, trải qua mấy lần chiến loạn, đã bị mất hết. Tào Tháo lộ rõ vẻ thất vọng sâu sắc. Thái Văn Cơ thấy vậy nói vẫn có thể nhớ, thế là nàng dựa vào trí nhớ viết ra 400 chương, không sai một chữ. Có thể thấy Thái Văn Cơ tài năng cao siêu, Tào Tháo chuộc Thái Văn Cơ về, đã làm một việc tốt đối với việc bảo tồn văn hóa cổ đại. Bởi vậy mà lịch sử vẫn truyền tụng câu chuyện đẹp “Văn Cơ quy Hán”.

Văn Cơ cũng giỏi thư pháp, văn bút của nàng khắc đời Tống “Thuần hóa các thiếp” vẫn được lưu giữ. Cả đời Thái Văn Cơ, đặc biệt sau khi trở về Hán, đã kế thừa chí cha, soạn viết “Tục hậu Hán thư”, đã có cống hiến trác việt cho nền văn hóa cổ đại Á Đông.

Nam Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/tai-nu-trung-hoa-co-dai-khien-tao-thao-ca-doi-nguong-mo-920819.html