Tài nguyên khoáng sản, con dao hai lưỡi của Afghanistan

Phần lớn hy vọng của Afghanistan dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của nước này, nhưng chỉ khi chúng có thể được khai thác theo cách có lợi cho người Afghanistan.

Phần lớn hy vọng của Afghanistan dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của nước này, nhưng chỉ khi chúng có thể được khai thác theo cách có lợi cho người Afghanistan.

Khai thác tại mỏ vàng Qara Zaghan ở Baghlan, Afghanistan. Ảnh: Getty Images

Khai thác tại mỏ vàng Qara Zaghan ở Baghlan, Afghanistan. Ảnh: Getty Images

Khi đất nước trượt sâu hơn vào bạo lực, nhiều người coi nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Afghanistan là cách thoát khỏi tình trạng kinh tế và an ninh ảm đạm. Nước này có một loạt các khoáng sản quý, từ các nguyên tố đất hiếm đến quặng sắt, đồng, lithium, vàng, và nhiều thứ khác – nguồn tài sản quý giá đối với bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào. Trong khi nguồn khoáng sản có thể là cửa sổ mở ra một tương lai tươi sáng cho người dân Afghanistan, không phải kết thúc lúc nào cũng có hậu.

Ngoài nạn bạo lực không ngừng đã xảy ra trong hơn 17 năm qua, tham nhũng trở thành căn bệnh mãn tính đối với đất nước nghèo khó này. Trong bảng xếp hạng Chỉ số tham nhũng năm 2017, Afghanistan xếp thứ 177 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ - một sự suy giảm đáng kể so với năm trước. Một cuộc khảo sát khác cho thấy, số tiền hối lộ mà người Afghanistan đã chi hàng năm để được tiếp cận các dịch vụ công cộng cơ bản lên tới 3 tỷ USD, trong khi toàn bộ ngân sách an ninh của quốc gia này chỉ ở mức hơn 5 tỷ USD.

Hôm 5-10, chính phủ đã trao hai hợp đồng khai thác đồng và vàng lớn cho Centar Ltd, một Cty được thành lập bởi Ian Hannam, cựu chủ tịch của JP Morgan. Cty của Anh này đang kêu gọi các nhà đầu tư từ một số quốc gia, trong đó có Mỹ. Centar Ltd sẽ khai thác vàng ở Badakhshan và đồng tại Sar-i-Pul, hai tỉnh miền bắc Afghanistan.

Trong khi các khoản đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng được hoan nghênh, việc ký hai hợp đồng này có thể vi phạm luật pháp Afghanistan. Một cựu thành viên trong nội các của chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), người đã từ chức vào tháng 6-2018, sở hữu cổ phần trong cả hai hợp đồng. Theo luật khai thác của nước này, các quan chức chính phủ cấp cao, gồm tổng thống, nghị sĩ và các bộ trưởng không được sở hữu hợp đồng khai thác khoáng sản nếu thời gian nghỉ việc chưa được 5 năm. Ngoài ra, trái ngược với luật yêu cầu các Cty phải cung cấp bảo lãnh tài chính cần thiết, Centar Ltd được trao cho khoảng thời gian 6 tháng sau khi ký hợp đồng để làm như vậy. Xung đột lợi ích, thiếu bảo lãnh tài chính và vi phạm luật pháp Afghanistan là những mối quan ngại chính. Cơ quan giám sát và các tổ chức xã hội dân sự lo sợ các thỏa thuận này sẽ làm hại nhiều hơn là mang lại lợi ích cho người dân.

Cả hai khu mỏ đều nằm trong khu vực không an toàn, không thích hợp để khai thác vào lúc này. Chính phủ không thể giám sát hiệu quả việc thực hiện hợp đồng. Gần đây, các tỉnh phía bắc đã chứng kiến sự bất ổn về an ninh, với việc các nhóm phiến quân ngày càng thách thức lực lượng an ninh.

Badakhshan, một tỉnh phía bắc quan trọng chưa bao giờ thuộc quyền kiểm soát của Taliban ngay cả khi nhóm cực đoan này nắm quyền lãnh đạo Afghanistan vào những năm 1990, hiện đang nổi lên như một điểm nóng nổi dậy - đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền địa phương. Sự giàu có khoáng sản của Badakhshan là lý do chính khiến Taliban và các nhóm vũ trang khác kéo đến đây.

Bên cạnh những rủi ro an ninh, Afghanistan vẫn chưa sẵn sàng để ký các hợp đồng khoáng sản lớn. Ngành khai khoáng của nước này vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ cũng như không có khả năng tổ chức giám sát các hợp đồng này. Luật khai thác mới thiếu tính minh bạch, không rõ ràng trong vấn đề hồ sơ dự thầu và giám sát quá trình khai thác sau khi trao hợp đồng.

Một ví dụ điển hình là mỏ vàng Qara Zaghan ở Baghlan, được khai thác với rất ít sự giám sát của chính phủ. Đã xuất hiện nhiều cáo buộc rằng các nhà thầu lấy vàng trong khi chính phủ nhận được ít hoặc không nhận được gì cả. Trong khi đó, hợp đồng khai thác quặng đồng ở Aynak bị trì hoãn lâu nay được ký với một Cty Trung Quốc là chủ đề của cuộc tranh luận bởi việc khai thác này làm tổn hại đến các di sản Phật giáo tại khu vực này.

Việc tiếp cận các mỏ khoáng sản của Afghanistan gây ra các cuộc tranh cãi đằng sau nỗ lực của nhà thầu khét tiếng Erik Prince về việc tư nhân hóa cuộc chiến tại Afghanistan. Prince, người đã thành lập Cty nổi tiếng Blackwater, gần đây đã đến Kabul và Washington để gặp các chính trị gia và các nhà môi giới với nỗ lực bán ý tưởng của ông về việc tư nhân hóa cuộc xung đột đang diễn ra tại Afghanistan. Những kẻ thua cuộc thực sự sẽ là người dân Afghanistan, những người đã trả giá bằng nhiều mạng sống của họ mỗi ngày trong cuộc chiến lâu dài nhất của Mỹ.

Nước, hydrocacbon, gỗ cứng hoặc khoáng sản, hy vọng duy nhất của Afghanistan về một tương lai tươi sáng đang nằm dưới lớp đất đã nhuốm quá nhiều máu. Phần lớn hy vọng của quốc gia này dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chính phủ Afghanistan nên thận trọng để đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản không thúc đẩy các xung đột hiện nay.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_198505_tai-nguyen-khoang-san-con-dao-hai-luoi-cua-afghan.aspx