Tài nguyên khí đốt: Nguồn cơn căng thẳng mới giữa Lebanon-Israel

Tranh chấp biên giới kéo dài giữa Israel và Lebanon trở nên căng thẳng hơn với 'trận chiến khí đốt' ở vùng biển Địa Trung Hải.

Công ty Energean ký hợp đồng bán sản phẩm khai thác từ mỏ Karish cho Israel Electric Co., đơn vị mua khí đốt lớn nhất của Israel. (Nguồn: Oil & Gas Journal)

Công ty Energean ký hợp đồng bán sản phẩm khai thác từ mỏ Karish cho Israel Electric Co., đơn vị mua khí đốt lớn nhất của Israel. (Nguồn: Oil & Gas Journal)

Chỉ hai hoặc ba năm trước, các chuyên gia năng lượng hàng đầu còn nghi ngờ về khả năng thương mại của việc đầu tư thăm dò và khai thác khí tự nhiên nước sâu. Đến gần đây, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá khí đốt đã tăng hơn 4 lần.

Ông Yossi Mekelberg, Giáo sư quan hệ quốc tế và là thành viên của Chương trình Trung Đông-Bắc Phi tại Chatham House (Anh) cho rằng, sự bất ổn địa chính trị đang biến cơn sốt năng lượng trở thành nguồn cơn của những tranh chấp. Đơn cử là nguy cơ đụng độ quân sự giữa Israel và Lebanon quanh mỏ khí đốt Karish.

Chương mới "lục đục"

Phải mất 5 tuần di chuyển, giàn khoan khí đốt của Israel mới đến được Đông Địa Trung Hải - một địa điểm mà cả Israel và Lebanon đều tuyên bố chủ quyền. Trước những lời đe dọa từ chính phủ Lebanon và Hezbollah được Iran hậu thuẫn, giàn khoan được hộ tống bởi các tàu hải quân Israel, bao gồm cả tàu ngầm; và khi nó xuất hiện, một phiên bản hải quân của hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cũng theo đến khu vực.

Đây là chương mới nhất trong tranh chấp biên giới kéo dài giữa Israel và Lebanon. Hai nước chính thức vẫn còn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1948. Đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán về chủ quyền đối với 860 km2 ở Biển Địa Trung Hải đang được tiến hành thông qua trung gian Mỹ.

Lebanon tuần trước đã cảnh báo Israel đang "gây hấn" ở vùng biển tranh chấp, ám chỉ mỏ khí Karish. Tổng thống Michel Aoun tuyên bố rằng bất kỳ hoạt động nào trong khu vực tranh chấp sẽ trở thành hành động gây hấn và khiêu khích, trong khi Thủ tướng Najib Mikati ra lệnh cho Bộ Quốc phòng báo cáo về bất kỳ diễn biến mới nào.

Israel có thể không quá chú ý đến các đe dọa từ một chính phủ Lebanon đang lục đục nội bộ, nhưng Tel Aviv không thể phớt lờ cảnh báo của người đứng đầu Hezbollah - Hassan Nasrallah.

Nhà lãnh đạo, hiếm khi xuất hiện trước công chúng từ năm 2006, tuyên bố lực lượng của ông “có khả năng ngăn chặn kẻ thù ngay từ đầu nếu động vào Karish, và mọi hành động của kẻ thù sẽ không bảo vệ được giàn khoan này” và sẽ được đáp trả bằng tất cả sự thận trọng cần thiết.

Người đứng đầu Hezbollah - Hassan Nasrallah trong lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng vào tháng 11/2013. (Nguồn: Reuters)

Tài nguyên hay "tội đồ"

Việc phát hiện trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ những năm gần đây ở Đông Địa Trung Hải mang lại cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy nền kinh tế của các nước trong khu vực này.

Nhưng mặt khác, xét về căng thẳng địa chính trị giữa một số nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Cyprus, Syria, Israel, Gaza (do Hamas kiểm soát) và Lebanon, nguồn tài nguyên này nhiều khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng hiện có giữa các quốc gia, hơn là khuyến khích gạt bỏ những bất đồng, để hợp tác.

Người ta ước tính rằng, trữ lượng dầu và khí đốt ngoài khơi của Lebanon trị giá khoảng 250 tỷ USD, gấp khoảng 8 lần tổng sản phẩm quốc nội của nước này năm 2020.

Tuy nhiên, để chuyển tiềm năng này thành tiền mặt đòi hỏi phải đầu tư đáng kể nhưng Beirut không có đủ nguồn lực cần thiết, còn các nhà đầu tư quốc tế đắn đo về những rủi ro trong việc hợp tác với một quốc gia có nhiều vấn đề trong nước.

Quyết định mở rộng khoan thăm dò ở Địa Trung Hải của Israel cũng mang đến quan ngại khác từ góc nhìn về biến đổi khí hậu.

Chỉ vài tháng trước, Tel Aviv quyết định đóng băng việc mở rộng các mỏ khí đốt, nhằm đáp ứng các cam kết trong chính sách xanh của mình. Song cuộc chiến ở Ukraine đang làm thay đổi tính toán giữa nhu cầu cấp bách thay thế các nguồn cung cấp năng lượng của Nga và động lực trở nên xanh hơn cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Israel và Ai Cập tuần trước đã ký một thỏa thuận với EU để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Tình hình đặc biệt đáng báo động ở một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng Trái đất ấm dần lên, hậu quả được dự báo sẽ dẫn đến xung đột mang lại hậu quả chưa từng thấy.

Ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, người đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Israel và Lebanon, đã vội vã đến Beirut trong một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng.

Vì lợi ích của cả hai nước, tranh chấp biên giới trên biển lần này phải được giải quyết, không để rơi vào vòng xoáy bạo lực mới. Lebanon sau đó có thể bước những bước đầu tiên vào thị trường năng lượng toàn cầu.

Nhưng sự mong manh của xã hội và hệ thống chính trị của Lebanon cũng như vai trò của Hezbollah, vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến bất đồng thành xung đột quân sự.

Thảo Đình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-nguyen-khi-dot-nguon-con-cang-thang-moi-giua-lebanon-israel-188870.html