Tái nghèo vì 'bệnh' thành tích

Xóa nghèo, giảm nghèo rồi tái nghèo… đang là vòng luẩn quẩn của các huyện miền núi Quảng Nam, dù thời gian qua nhiều chính sách, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và trung ương đã được triển khai mạnh mẽ nhưng hiệu quả mang lại không cao. Giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi Quảng Nam vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Nhiều chính sách, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam và trung ương đã được triển khai mạnh mẽ nhưng hiệu quả mang lại không cao

Giảm nghèo không bền vững

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi gồm Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My. Đây là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số (Cơ Tu, Ca Dong, Mơ Nông…). Tính đến hết năm 2017, số hộ nghèo của khu vực này là 24.405 hộ (trong tổng số 38.112 hộ nghèo toàn tỉnh), tỷ lệ nghèo bình quân của các huyện miền núi hơn 30%. Một trong những nguyên nhân là do điều kiện canh tác thô sơ, chủ yếu bám vào nông nghiệp và rừng nên đời sống người dân các huyện miền núi khá bấp bênh.

Theo Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam, từ đầu năm đến nay số hộ nghèo phát sinh ở miền núi là 640 hộ, trong đó có 123 hộ tái nghèo và hộ nghèo mới là 517 hộ. Huyện Nam Giang là địa phương có số hộ nghèo mới phát sinh cao nhất với 198 hộ (tái nghèo 66 hộ), nâng số hộ nghèo toàn huyện lên 3.069 hộ. Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết, ngoài các nguyên nhân như thiếu đất sản xuất, thời tiết bất lợi, thất thu vụ lúa, dịch bệnh chăn nuôi hay giá cả hàng nông lâm sản (keo, cao su…) giảm mạnh thì một số hộ sau khi đăng ký thoát nghèo bị cắt hết chính sách đã tái nghèo trở lại.

Tương tự, tại các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Tây Giang… dù số hộ nghèo giảm hàng năm cao nhưng số hộ nghèo phát sinh cũng không hề thấp khiến tỷ lệ hộ nghèo luôn ở ngưỡng cao. Đơn cử, huyện Phước Sơn, từ đầu năm đến nay có 478 hộ thoát nghèo thì cũng phát sinh thêm 92 hộ nghèo (12 trường hợp tái nghèo và 80 hộ phát sinh mới); hay như huyện Đông Giang đến thời điểm hiện tại còn hơn 2.080 hộ nghèo, chiếm hơn 29%. Thậm chí, huyện Tây Giang tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 48% (2.325/4.807 hộ dân toàn huyện). Trong đó, xã Ga Ry tỷ lệ hộ nghèo hơn 89% (356 /1.555 hộ dân toàn xã), xã Dang là 60% hộ dân thuộc diện nghèo. Theo ông Arất B’lúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, chính sách đầu tư vào khu vực miền núi thời gian qua dù rất lớn nhưng chưa hiệu quả do dàn trải, chưa đúng mục tiêu. Trong đó, một số vấn đề cần quan tâm giải quyết như mở đường giao thông, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động… thì vẫn chưa được hỗ trợ mạnh và hiệu quả, khiến mục tiêu giảm nghèo thiếu bền vững và căn cơ.

Lý giải cho vòng lẩn quẩn của việc giảm nghèo miền núi có nhiều, nhưng một nguyên nhân không thể bỏ qua khiến tỷ lệ tái nghèo cao chính là việc chạy theo thành tích của một số địa phương nhằm đạt chỉ tiêu đăng ký thoát nghèo. Chưa kể, một số dự án nông nghiệp hỗ trợ không thực tế, không hiệu quả khiến đầu ra không đảm bảo. “Đơn cử như dự án hỗ trợ người dân trồng cây ăn trái nhưng lại không kết nối thị trường đầu ra do đó khi dự án kết thúc thì người dân cũng phá cây để trồng loại khác vì không biết tiêu thụ ở đâu, do đường sá đồi núi đi lại khó khăn”, ông Arất B’lúi chia sẻ.

Phần mềm quản lý giảm nghèo

Thực tế, những năm qua nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo đã được tỉnh Quảng Nam tập trung cho khu vực miền núi, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Chỉ riêng từ năm 2016 đến nay thông qua các chương trình, dự án như Chương trình 30a, Chương trình 135… tổng nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo của trung ương và tỉnh dành cho miền núi ước gần 840 tỷ đồng nhằm hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐTB-XH, cho rằng, số tiền trên thoạt nhìn có vẻ nhiều nhưng chủ yếu dành đầu tư cơ sở hạ tầng cho toàn dân trong khi đó, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho người nghèo về sinh kế, mô hình giảm nghèo lại quá thấp, chưa tác động mạnh đến hộ nghèo. Chưa kể, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn trùng lặp trên cùng địa bàn giữa Chương trình 30a và 135...

Theo ông Huỳnh Tấn Triều, UBND tỉnh cần kiến nghị cấp trung ương nên tích hợp các chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, đồng thời cũng nên phân bổ nguồn lực cụ thể nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo tốt hơn. “Bên cạnh làm tốt công tác phúc tra đối với số hộ nghèo phát sinh, hộ tái nghèo... thời gian tới sở cũng sẽ phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông xây dựng phần mềm theo dõi, quản lý hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chính sách người có công và hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, trong đó có miền núi; nâng cấp phần mềm quản lý hộ nghèo trực tuyến để cập nhật và phân tích thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương, nhất là các huyện miền núi. Khi phần mềm hoàn chỉnh và đưa vào vận hành, từng hộ nghèo được quản lý theo tháng, quý, năm; từng biến động của hộ nghèo sẽ được cán bộ giảm nghèo ở cơ sở cập nhật, theo dõi cụ thể”, ông Triều cho biết.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thừa nhận, tỷ lệ giảm nghèo miền núi Quảng Nam hiện vẫn chậm, do đó chính quyền địa phương cần phải sâu sát và đồng hành cùng dân đề giúp dân thoát nghèo. “Trung ương, tỉnh tập trung công cuộc giảm nghèo cho miền núi, nhưng lãnh đạo một số huyện hầu như chỉ để ngành lao động, xã, thôn lo chứ chưa vào cuộc. Với trường hợp tái nghèo, nói do không được hưởng chính sách nên tái nghèo là không đúng. Tái nghèo vì thiên tai, bệnh tật còn chấp nhận, chứ chỉ vì không có chính sách hỗ trợ là không hợp lý. Cần xem lại trách nhiệm của bí thư, chủ tịch mỗi huyện, có làm quyết liệt không hay khoán trắng cho ngành lao động, rồi cuối năm chỉ nghe báo cáo. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy giảm nghèo bằng cả quyết tâm, thì huyện cũng phải đặt quyết tâm chính trị vào công cuộc giảm nghèo. Đời sống người dân còn nghèo, còn khổ thì tự thân mỗi lãnh đạo địa phương phải ray rứt”, ông Thanh nói.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tai-ngheo-vi-benh-thanh-tich-562638.html