Tài năng phi thường của nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking mắc bệnh ALS

Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Căn bệnh này khiến ông phải ngồi xe lăn. Dù vậy, ông kiên cường chống chọi bệnh tật và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học.

Một trong những nhà khoa học nổi tiếng thế giới có cuộc đời phi thường là nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking (1942 - 2018). Ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) khi mới ngoài 20 tuổi.

Một trong những nhà khoa học nổi tiếng thế giới có cuộc đời phi thường là nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking (1942 - 2018). Ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) khi mới ngoài 20 tuổi.

Thông thường, các bệnh nhân mắc ALS thường được chẩn đoán khi ở tuổi trung niên (ngoài 50 tuổi). Không chỉ được chẩn đoán mắc bệnh sớm, nhà vật lý Stephen Hawking còn khiến dư luận thế giới bất ngờ khi chiến đấu với căn bệnh ALS trong hơn 50 năm trước khi qua đời.

Trường hợp của thiên tài vật lý Stephen Hawking vô cùng hiếm gặp bởi thông thường bệnh nhân sẽ tử vong trong khoảng 4 - 5 năm sau khi có kết quả chẩn đoán. Do mắc ALS nên nhà vật lý Hawking dành phần lớn thời gian trong cuộc đời trên xe lăn hoặc giường.

Trong quá trình chiến đấu, chống chọi với bệnh tật, ông Hawking không ngừng nghiên cứu khoa học và đạt được nhiều thành tựu đáng nể khiến mọi người ngưỡng mộ, thán phục.

Cụ thể, nhà khoa học người Anh có bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp là vào năm 1970. Khi ấy, ông cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ và chỉ ra một điểm kỳ dị, một vùng có độ cong vô hạn trong không gian và thời gian, nằm trong quá khứ xa xưa của nhân loại. Đó chính là điểm đến bắt đầu của vụ nổ Big Bang.

Vào năm 32 tuổi, ông được chọn vào Hội Hoàng gia - hội khoa học lâu đời và uy tín lớn trên thế giới. Với những cống hiến to lớn cho khoa học thế giới, đến năm 37 tuổi, ông trở thành Giáo sư toán Lucasian tại Đại học Cambridge danh tiếng nước Anh.

Nhà vật lý Hawking giữ chức vụ quan trọng trên trong suốt 30 năm trước khi trở thành giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học Lý thuyết.

Ngoài hố đen, nhà vật lý Hawking trở thành tên tuổi lớn thế giới khi là một trong những người đầu tiên chỉ ra cách các dao động lượng tử. Theo nghiên cứu của ông, những biến đổi rất nhỏ trong sự phân bố vật chất có thể tác động đến sự trải rộng của các thiên hà trong vũ trụ.

Đặc biệt, vào năm 1988, ông Hawking xuất bản cuốn sách "A Brief History of Time" (Lược sử thời gian). Đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhất của tạp chí Sunday Times suốt 237 tuần. Được dịch sang 40 ngôn ngữ, cuốn sách "A Brief History of Time" của Hawking bán được 10 triệu bản.

Không những vậy, ông Hawking còn giành được nhiều giải thưởng danh giá và uy tín vì những nghiên cứu mang tính đột phá như: giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley, giải Vật lý Cơ bản, Huân chương Tự do Tổng thống... Nhờ vậy, những cống hiến to lớn của ông trong lĩnh vực khoa học được giới chuyên gia và công chúng đánh giá cao.

Mời độc giả xem video: Nhà khoa học lý giải nguyên nhân vụ tai nạn ở Hải Dương. Nguồn: THĐT1.

Tâm Anh (theo LS)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/tai-nang-phi-thuong-cua-nha-vat-ly-thien-tai-stephen-hawking-mac-benh-als-1543251.html