Tài năng đang tràn ngập sóng truyền hình

Hiện nay, cứ bật ti vi là có thể thấy “tài năng” trong lĩnh vực giải trí xuất hiện. Phía sau hàng loạt các chương trình truyền hình ồ ạt lên sóng, chính là cái danh Tài năng được đẩy lên không ngớt, với rất nhiều cái tên, gương mặt xuất hiện làm đông thêm showbiz “thừa lượng, thiếu chất”. Không một chương trình nào không đưa ra tiêu chí tìm ra những Tài năng mới, hứa hẹn nhưng trên thực tế, đó chỉ có thể nói là gương mặt mới có “năng lượng” tham gia chương trình truyền hình và thực tài thì vẫn là ẩn số.

Chương trình "Hoán đổi cặp đôi". Ảnh: TL

Lạm dụng... “Tài năng”

Đặt rất nhiều chương trình giải trí truyền hình hiện nay vào danh từ Tài năng để làm phép so sánh, rõ ràng, danh từ này đang được sử dụng hết công suất của nó ở nhiều góc độ khác nhau. Thứ nhất, Tài năng được dùng như “kim chỉ nam” về ý tưởng để xây dựng những định dạng giải trí. Các cuộc thi, tìm kiếm diễn viên, ca sĩ, người mẫu trong đời sống văn hóa xã hội chúng ta đã có từ cả chục năm nay. Đó có thể xem là hoạt động không thể thiếu để tìm ra thế hệ nghệ sỹ mới kế thừa, nối nghiệp, nhưng hiện tại, danh từ Tài năng được áp dụng như tiền đề để làm nên hầu hết các chương trình giải trí truyền hình hiện nay. Từ lĩnh vực Âm nhạc, Điện ảnh cho đến Thời trang. Nhân tố con người làm chủ chốt, và hành trình đi tìm người thắng cuộc chính là đi tìm Tài năng trong mỗi chương trình. Và “Tài năng” được biến hóa đa dạng hơn với nhiều danh xưng phù hợp với tính chất, đặc điểm của mỗi chương trình.

Tiếp theo, Tài năng ẩn mình trong cách chọn nghệ sỹ tham gia, giám khảo, huấn luyện viên... Hầu hết các nghệ sỹ nổi tiếng nhất nhì của showbiz đều được “gom” hết lên sóng truyền hình. Từ trong chính nhu cầu là phải có các người nổi tiếng mới tạo sức hút cho chương trình truyền hình, nên người nổi tiếng Tài năng cũng dần cạn kiệt. Cái tên không đủ mới, tuổi nghề của những nghệ sỹ thành danh không tăng theo kịp tốc độ phát triển đến chóng mặt của số lượng chương trình truyền hình hiện nay. Vì thế, dễ dàng hiểu tại sao, có thể thấy NSUT Hoài Linh xuất hiện trong “Gương mặt thân quen”, chưa lâu lại có mặt tại “Ơn giời! cậu đây rồi”, hay sắp tới là “Cười xuyên Việt” ...trường hợp tương tự cũng có thể kể đến như Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang...cũng là những gương mặt Nghệ sỹ tài năng đang được khai thác triệt để vào những chương trình hiện nay.

Ở góc độ khai thác nhiều danh từ Tài năng thứ ba chính là người tham gia các chương trình giải trí với tư cách thí sinh. Đây chính là nơi tập trung đông nhất những “biến thể” của danh từ Tài năng hiện nay. Từ những nghệ sỹ mới vào nghề, nghệ sỹ đã vào nghề lâu năm nhưng chưa được nhiều khán giả biết đến, đến lớp nghệ sỹ mới có chút tên tuổi và những con người hoàn toàn mới trong các lĩnh vực giải trí đều xếp hàng để tham dự các chương trình truyền hình. Đương nhiên vẫn có hình thức mời tham gia, đăng ký tham gia nhưng nhìn chung, Tài năng ở góc độ thí sinh cũng bị lạm dụng quá mức, nhiều gương mặt “chạy vòng quanh” hầu hết các chương trình và làm nảy sinh nhiều câu chuyện bất cập cho chính con đường đi của họ sau này.

Người đẹp Quỳnh Chi tham gia chương trình “Người nghệ sỹ đa tài”. Ảnh: TL

Xuất hiện một “dạng” Tài năng mới

Hiện nay, những tính từ khen / chê xuất hiện nhiều tới mức khán giả không thể phân biệt được thế nào là nghệ sỹ, thí sinh giỏi, thí sinh hay và thí sinh Tài năng. Khán giả truyền hình xem và hầu như đều thấy một màu cho tất cả các thí sinh, từ trình diễn âm nhạc cho tới khả năng diễn xuất kịch, hài...Cứ diễn theo ý thích của giám khảo là nhận ngay những tính từ đánh giá nhiều cảm quan ở thời điểm thực tại hơn là một quá trình phát triển lâu dài. Vì vậy, khá dễ dàng trở thành Tài năng, chỉ cần tham gia một chương trình truyền hình thực tế là có thể sớm vụt trở thành Ngôi sao trong làng giải trí.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, dường như đã quá xưa cũ so với triết lý của hầu hết những chương trình giải trí hiện nay. Thí sinh, nghệ sỹ phải biết làm nhiều thứ, nhiều môn thì mới được xem là nghệ sỹ Tài năng. Ví như, từ một ca sĩ có thể diễn hài, nhảy múa đủ mọi thể loại, ngược lại, một nghệ sỹ múa có thể đóng kịch, ca hát...thì mới hội đủ yếu tố Tài năng trên sóng truyền hình. Nhưng thực tế nghề nghiệp của họ, khi thoát ra khỏi các chương trình, thì những nghệ sỹ ấy vẫn phải cật lực chứng minh khả năng của mình ở chuyên môn duy nhất. Vậy, có không hiện tượng nhiều nghệ sỹ trẻ chọn cách tồn tại trên sóng truyền hình để được khán giả biết đến mình nhiều hơn là cố gắng làm nghề đúng nghĩa của nó. Xây dựng khán giả từ những thành quả lao động, sáng tạo, cụ thể ca sĩ thì có album, ca khúc, show diễn ca nhạc, còn diễn viên thì được mời đóng phim, MC thì có chương trình để dẫn mỗi ngày... Thì nay, có không ít sự lựa chọn rằng Tài năng, tên tuổi được ghi nhận trên sóng truyền hình thông qua 40 phút lên sóng mỗi tập, kéo dài thường 2 đến 3 tháng. Đỉnh điểm đó chính là giải Quán quân, và cứ như thế, Tài năng xoay vần trên tróng truyền hình trong khoảng thời gian cực ngắn.

Rõ ràng, rất nhiều cuộc thi âm nhạc trong thời gian qua đã tìm kiếm ra không ít những giọng hát tiềm năng nhưng khi hoạt động thực sự thì họ chưa đủ sức để tỏa sáng. Nay lại có thêm một dạng Tài năng mới, hành trình đi ngược trở lại từ “thực” vào “ảo” để đi tìm sự công nhận của công chúng, đó có phải là sự lựa chọn đúng đắn. Điều này có thể thấy rõ nhất thông qua các chương trình giải trí có liên quan đến lĩnh vực sân khấu, hài kịch. Dù động cơ hay nguyên nhân để tham dự những chương trình giải trí của những nghệ sỹ này hoàn toàn tốt đẹp, yêu nghề và muốn cống hiến cho công chúng, nhưng từ trong tiêu chí, tính chất tồn tại thực sự của một chương trình mới là “mặt trái” mà chúng ta cần những phút bình tĩnh để nhìn nhận lại.

Liệu với rất nhiều Tài năng “dạng mới” của truyền hình như hiện nay, sẽ có những lao động, sáng tạo như thế nào khi thoát khỏi những khung hình? Đó vẫn là một thách thức lớn cho Tài năng hiện nay.

Các chương trình truyền hình mang yếu tố giải trí kết hợp tìm kiếm Tài năng không mang đến những biểu hiện tiêu cực, hay không lành mạnh. Nhưng mật độ cuộc chạy đua khán giả trên sóng truyền hình đang tạo ra một “tiến trình” tạo Tài năng nhanh và dễ tới mức rất dễ đẩy nhiều bạn trẻ vào sự ngộ nhận. Đó là con dao hai lưỡi, đủ để tạo ra tiếng vang cho một gương mặt mới nhưng ngay sau đó, vòng lặp lại của những show truyền hình định kỳ sẽ nhanh chóng trao giải cho Tài năng thay thế, không cần đến 1 năm, mà đó là 6 tháng hoặc ngắn hơn là 3 tháng. . Thận trọng chọn cho mình một cách xuất hiện trên sóng truyền hình cũng là điều cần thiết hiện nay.

Huyền Minh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/tai-nang-dang-tran-ngap-song-truyen-hinh-609748.bld