Tài năng dân ca 'nhí' mong lan tỏa Ví, Giặm

Vóc dáng bé nhỏ, khá rụt rè trên sân khấu, nhưng khi Nguyễn Hữu Đạt cất tiếng hát, thì phía dưới, tiếng vỗ tay vang lên không dứt. Giọng ca Ví, Giặm sâu lắng, da diết của cậu học trò không chỉ là nhân tố bất ngờ cho khán giả, mà còn chinh phục hoàn toàn ban giám khảo.

Tập hát cùng cô giáo

Nguyễn Hữu Đạt (HS lớp 6B – Trường THCS Kim Liên, Nam Đàn) đã xuất sắc trở thành 1 trong 2 thí sinh giành giải “Giọng hát triển vọng” Hội thi Tiếng hát dân ca trong trường học tỉnh Nghệ An năm 2018.

Tài năng nhí dân ca Ví, Giặm

Nguyễn Hữu Đạt sinh ra và lớn lên ở Kim Liên, Nam Đàn, quê hương Bác Hồ và là một trong những cái nôi của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Tình yêu với dân ca của em được nuôi dưỡng trong cái không gian đậm đà truyền thống ấy. Bên cạnh đó, cậu bé còn được thừa hưởng năng khiếu từ bố - một “người hát rong” ở làng.

Bố của Đạt là anh Nguyễn Trường Thi, cũng vì mê rồi sống bằng câu hát cha ông để lại, với nghề tổ chức sự kiện và hát tại các đám cưới. Chẳng phải là sân khấu lớn, cũng chưa bao giờ thi thố với ai, anh Thi hát bằng bản năng, bằng kinh nghiệm, và những lần biểu diễn chỉ là “hát giữa người làng với nhau”.

Nhưng cậu con trai thì lại được các thầy cô giáo phát hiện, chọn vào đội văn nghệ của trường. Cứ hễ đi thi cấp trường, cấp xã, hay cấp huyện, ở đâu cũng giành giải.

Anh bắt đầu lắng nghe con nhiều hơn, thấy giọng hát của con tình cảm, những đoạn ngân nga, luyến láy khá thuần thục. Thấy con có đam mê, và chút tố chất, anh dành thời gian tập hát và truyền dạy những điều mình biết được cho con.

Cậu bé học khá nhanh, chẳng mấy chốc “hết bài” của bố. Anh mới quyết định dắt cậu con trai xuống TP Vinh, tìm đến nhà NSND Hồng Lựu xin được cô bồi dưỡng. Năm đó, là hè năm lớp 3 của Đạt. Mỗi buổi tối, hai bố con chở nhau đi 20km đên nhà cô để học.

Đây là lớp học được NSND Hồng Lựu mở miễn phí vào dịp hè, để ươm mầm những tài năng dân ca nhí. Tất nhiên, những học trò của cô cũng phải thực sự có năng khiếu, thì cô mới đồng ý nhận vào lớp.

Mặc dù với thời gian chỉ gần 1 tháng, nhưng được sự chỉ bảo trực tiếp, tận tình của cô Lựu giúp Đạt tiến bộ rất nhanh. Em thấu hiểu, cảm xúc hơn với những câu Ví, Giặm và hát bằng đam mê, bằng tình yêu dân ca lớn dần.

Và khi đến với cuộc thi hát dân ca trong trường học cấp tỉnh, Nguyễn Hữu Đạt đã tự tin đứng trên một sân khấu lớn. Trong nhà hát dân ca Nghệ An, chật kín khán giả, em tuy còn khá rụt rè, biểu diễn chưa chuyên nghiệp, nhưng giọng hát cao vút, có lúc mềm lại thiết tha, khiến tất cả mọi người im lặng...

Những "thập ân phụ mẫu", công ơn thầy cô, tình yêu quê hương làng xóm… đã làm lay động, chạm đến trái tim, nhiều người đã khóc, rồi vỡ òa thành những tràng vỗ tay không dứt. Đạt đã góp phần giúp huyện Nam Đàn giành giải Nhất toàn hội thi, và bản thân xuất sắc được trao giải "Giọng ca triển vọng".

Hát dân ca để học làm người

Nguyễn Hữu Đạt (đứng giữa) là một trong 2 cá nhân xuất sắc giành giải “Giọng ca triển vọng” cuộc thi

Nguyễn Hữu Đạt đã từng là một cậu bé rất rụt rè, tự ti. Anh Nguyễn Trường Thi – bố Đạt kể: Lúc bé, cháu sinh ra bị suy dinh dưỡng, chỉ được 1,5kg. Lớn lên, cháu cũng thấp còi, gầy gò hơn các bạn cùng trang lứa. Khi đi học cháu luôn mặc cảm về thân hình của mình, nóng nảy, nổi khùng mỗi khi bị bạn bè trêu chọc.

Chính nhờ việc tham gia vào đội văn nghệ, các hoạt động đoàn thể, nhờ biết hát dân ca và biểu diễn trước đông người, Đạt dần dần có được sự tự tin với chính mình, với các bạn, thầy cô.

"Cháu còn nói với tôi, học hát dân ca, được học về văn hóa truyền thống của xứ Nghệ, con thấy mình học được nhiều điều. Như là biết ơn cha mẹ, thầy cô, biết lễ nghĩa trong nhà, với mọi người. Con cũng mềm tính, biết kiên nhẫn rồi, không còn nóng nảy như ngày trước nữa. Tôi nghe cháu nói như vậy thấy mừng lắm. Mừng hơn các giải thưởng cháu mang về", anh Thi xúc động.

Đạt (đầu tiên, bên phải) cùng cô giáo và các bạn trong CLB dân ca của Trường THCS Kim Liên

Ở Trường THCS Kim Liên, hiện Đạt cũng là hạt nhân quan trọng trong Câu lạc bộ dân ca dù em là thành viên nhỏ tuổi nhất. Cô Nguyễn Thị Mai Lan – giáo viên dạy Nhạc chia sẻ: “Ở Đạt, không chỉ có năng khiếu bẩm sinh mà còn biểu diễn rất tự nhiên, giàu biểu cảm. Cậu bé cũng ham học hỏi, nếu thấy mình hát chưa tốt sẽ trực tiếp nhờ thầy cô, nhờ các nghệ nhân trong làng hướng dẫn. Vì vậy, trong hội thi vừa rồi, chúng tôi đã để Đạt hát đơn ca trong 1 tiết mục. Lúc em đứng trên sân khấu, ai cũng hồi hộp, lo lắng, nhưng em đã thể hiện rất tự tin và xuất sắc phần trình bày của mình".

Một điều thú vị nữa là sau khi hội thi trở về, mấy cô bé, cậu bé khác trong làng cũng tìm đến nhờ Đạt dạy hát. Em khoe em cũng đã in lời của các bài hát ra giấy, phát cho các bạn đọc trước. Sau đó, em sẽ dạy hát. "Lớp học của em có 4 bạn rồi, em thấy có thêm nhiều bạn cùng học hát với nhau thì vui hơn nhiều", Đạt nói.

Em cũng tự học thêm qua băng đĩa, clip trên Youtube của các nghệ sĩ lớn, và trở thành ca sĩ nhí đi biểu diễn dân ca Ví Giặm giúp bố trong các đám cưới ở làng.

Những việc làm em tự nói là rất “bé nhỏ”, nhưng giúp em nuôi đam mê dân ca của mình, và quan trọng hơn là giữ gìn, nhân rộng, phát triển dân ca Ví Giặm đến các bạn, đến mọi người xung quanh mình.

Hồ Lài

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/tai-nang-dan-ca-nhi-mong-lan-toa-vi-giam-3928289-c.html