Tài năng của nghị tổ Ân Vương Trịnh Doanh

Trịnh Doanh là vị chúa thứ tám thời Lê Trịnh. Ông là người văn võ song toàn, có tài năng và biết tập hợp triều thần trung thực.

Lịch sử ghi nhận trong 28 năm Trịnh Doanh cầm quyền là những năm đất nước ổn định và thịnh đạt.

16 tuổi đã làm Khâm sai tiết chế

Trịnh Doanh là con thứ ba của Trịnh Cương, sinh ngày Mậu Thìn tháng 11 năm Canh Tý (1720) nổi tiếng có tư chất thông minh, giỏi cả văn lẫn võ.

Năm Trịnh Giang lên ngôi nối nghiệp chúa, Trịnh Doanh mới 10 tuổi. Năm Bính Thìn (1736), Giang thấy mình cầm quyền ở phủ khá lâu mà chưa có con, thấy em là Doanh có văn tài võ lược mới giao cho làm Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư quân, Thái úy An quốc công, cho mở phủ đệ riêng để phòng có người nối ngôi. Mọi việc triều chính Trịnh Giang giao cho em quán xuyến.

Bởi thế, tuy còn ít tuổi nhưng Trịnh Doanh đã phải thay anh hằng ngày nghe các quan tâu trình việc nước. Tuy nhiên, Trịnh Doanh vẫn là người phụ giúp anh, không phải việc gì cũng được toàn quyền quyết định, nên công việc triều đình bị rối loạn, nhất là khi Trịnh Giang xây xong cung Thưởng Trì để ở và chữa bệnh. Do đó, thời kỳ này xã hội bất yên, dân chúng náo loạn, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi.

Sử chép rằng, Trịnh Doanh là người cơ mưu, kín đáo biết giữ gìn không bộc lộ mình. Đại thần Hoàng Công Phụ khi đó chuyên quyền, dựa vào thế của Trịnh Giang, nghĩ cách giảm bớt uy lực của Trịnh Doanh nên lệnh cho trăm quan hễ trình bày việc gì với Trịnh Doanh không được dùng chữ "bẩm" mà phải dùng chữ thân (trình). Khi ấy, Hoàng Công Phụ hét ra lửa, phe cánh đều cầm trọng binh nên có quyền cắt đặt, phế truất mà không ai dám trái. Lúc đó Trịnh Doanh chỉ được ở một cái nhà nhỏ phía Nam phủ chúa, nhưng Trịnh Doanh không tỏ thái độ gì, hết sức giữ gìn kín đáo. Bởi thế, Hoàng Công Phụ không có cớ gì để xúc xiểm Trịnh Doanh với Trịnh Giang.

Tượng thờ Trịnh Doanh.

Tượng thờ Trịnh Doanh.

Vì nước lên ngôi

Khi đất nước lâm vào cảnh rối loạn, Vũ Thái Phi bàn định khuyên Trịnh Doanh lên

ngôi chúa , Trịnh Doanh đã khóc và gạt đi vì sợ chưa đến lúc, biết đâu tình hình lại rối loạn thêm. Trịnh Doanh bảo: Vương huynh rời ra hành cung. Ta nghĩ nhà nước là nhất thể, nghĩa không tránh được nên mới nhiếp chính, sớm tối ta sẽ trả triều chính. Việc lên thay ngôi chúa là việc không nên bàn.

Bấy giờ Nguyễn Tuyển nổi lên ở Ninh Xá. Tuyển trước đây đã từng ở trong nhà của Hoàng Công Phụ, nên Phụ muốn đem quân đến vỗ yên, lập công to để có cớ chế ngự triều đình nên đem hết quân bản bộ sang sông, bỏ

kinh thành trống không. Nguyễn Kính bèn dựa vào hương binh gần kinh kỳ xung vào việc bảo vệ để gây thanh thế họp trăm quan đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Trịnh Doanh không nghe, Nguyễn Kính sợ để việc chậm sinh biến liền đem chỉ của Vũ Thái Phi ra và tâu lên vua. Vua sai sứ đến dụ bảo Trịnh Doanh mấy lần. Trịnh Doanh "bất đắc dĩ gượng theo".

Sáng sớm hôm sau, Trịnh Doanh vào triều, có Nguyễn Kính, Công Thái và Trương Khuông đi theo hộ vệ. Bấy giờ nội sai giám Phan Lai Hầu lên tiếng phản đối, Nguyễn Kính và Trương Khuông im lặng không trả lời. Lúc sau, Tào Thái đem sắc chỉ của vua đến. Thấy Tào Thái, biết là đã có sắc chỉ của nhà vua, Công Thái đọc to: Có sắc chỉ! Trịnh Doanh quỳ nhận sắc trong khi Phan Lai Hầu đứng bên cạnh la trách. Trương Khuông lôi Hầu ra mắng là vô lễ, sai giam vào ngục. Trong triều nghiêm lặng. Công Thái lại tuyên bố sắc chỉ, khuyên Trịnh Doanh lên ngôi. Trịnh Doanh khóc không dám ngồi lên ngai chúa. Trương Khuông và Nguyễn Đình Hoàn đỡ Trịnh Doanh lên ngai. Một hiệu trống do Nguyễn Khoa đánh vọng lên, các quan theo lệnh lạy mừng. Thế là Trịnh Doanh chính thức lên ngôi chúa.

Theo Trịnh Dương/Kiến thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tai-nang-cua-nghi-to-an-vuong-trinh-doanh/20200211095554349