Tai nạn trong trường học - trách nhiệm thuộc về ai?

'Sao con tôi đi học trong trường mà cũng chết?' – câu hỏi đau đớn này người mẹ của sinh viên N.T.L đã thốt ra trong đám tang của con mình. Con trai của bà mẹ đã rời cuộc đời một cách tức tưởi bất ngờ khi em đang đứng xếp hàng vào thang máy thì một mảng vữa to bằng bàn tay rớt từ mái nhà trúng đầu và tử vong tại chỗ.

Tai nạn trong trường học, trách nhiệm thuộc về ai ?

Tai nạn trong trường học, trách nhiệm thuộc về ai ?

Tiếc thay, đây không chỉ là câu hỏi của cá nhân một bà mẹ, mà nó còn tiếp tục vang lên ở rất nhiều nơi, mà mới gần đây nhất là sau cái chết của ba học sinh ở Lào Cai khi cổng trường đổ sập, của một học sinh ở Nghệ An khi sập tường trước cổng trường…

Quá nhiều nguy hiểm chực chờ trong trường học

Trường học luôn được xem là nơi an toàn cho học sinh. Thế nhưng, thời gian gần đây nơi đó lại tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của các em.

Điểm nhanh một số vụ có thể thấy, một học sinh tiểu học bị cánh cửa ở cổng trường Tiểu học Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc đổ sập xuống người, khiến cháu bị gãy xương quai xanh. Một học sinh trường Tiểu học Đại Bản, Hải Phòng tử vong tại trường do bị điện giật.

Một học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) trong lúc chơi đùa đã ngã từ lan can tầng 2 xuống đất, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Tại Thái Bình, bé trai 3 tuổi ngã tại trường mầm non, dẫn đến bị xuất huyết não và phải đi mổ gấp để cứu tính mạng…

Và mới gầy đây nhất là vụ việc thương tâm xảy ra lúc 13 giờ ngày 7/9/2020, tại phân hiệu thôn Bản Phùng, trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Trụ cổng và cánh cổng trường đổ sập, đè lên người sáu học sinh, làm ba học sinh tử vong tại chỗ và ba học sinh khác bị thương.

Ngày 11/9/2020, một nhóm học sinh ở trường Tiểu học Nam Lộc huyện Nam Đàn, Nghệ An đang chơi trước cổng trường thì bức tường bị đổ sập, đè trúng làm một học sinh lớp 5 tử vong. Vào giờ ra chơi sáng 10/9/2020, chiếc quạt trần tại lớp 2B trường Tiểu học Kim Đồng, TP. Lào Cai rơi xuống mặt bàn, văng vào trán một học sinh gây thương tích.

Ai chịu trách nhiệm?

Đây là câu hỏi luôn được đặt ra sau mỗi vụ việc xảy ra trong trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của học sinh. Nhưng dường như câu trả lời chưa lúc nào thỏa đáng.

Được biết, liên quan đến vấn đề về việc quy trách nhiệm người đứng đầu nếu trẻ tử vong do tai nạn thương tích, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Chỉ thị nêu rõ, để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương.

Đặc biệt, Chỉ thị số 23/CT-TTg nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Từ tinh thần này, với vụ việc xảy ra ở Văn Bàn, Lào Cai làm 3 học sinh thiệt mạng, Thủ tướng yêu cầu xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học nhất là trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020-2021.

Ở góc độ cơ sở giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm khi vụ tai nạn xảy ra trong trường học thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng của trường, không thể đổ lỗi cho học sinh hay gia đình. Ngoài ra, ngành giáo dục cần có công văn yêu cầu các trường tổng kiểm tra, rà soát các hạng mục kém chất lượng, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn.

Cùng quan điểm, nguyên ĐBQH Bùi Thị An khẳng định định tai nạn xảy ra trong nhà trường thì trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường. Nhà trường là nơi dạy dỗ và quản lý học sinh khi các em ở trường, vậy khi tai nạn xảy ra, dù do chủ quan hay khách quan thì nhà trường, trong đó hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Ở góc độ pháp lý, chia sẻ với truyền thông, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nếu sự việc xảy ra trong giờ học, trong khuôn viên trường học, do tài sản, vật dụng của trường gây ra thì trường học phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh.

Thiệt hại với học sinh bị thương tích bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công chăm sóc, thiệt hại tinh thần. Còn đối với học sinh thiệt mạng, trường phải bồi thường chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), chi phí mai táng và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Gia đình các nạn nhân có thể thỏa thuận với nhà trường về mức bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Sau khi nhà trường bồi thường cho gia đình các nạn nhân mà có căn cứ cho thấy cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ trông nom quản lý các cháu hoặc được giao nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo cơ sở vật chất của nhà trường có lỗi gây ra hậu quả thiệt hại cho các học sinh thì những người này phải bồi hoàn lại những thiệt hại mà nhà trường đã bồi thường cho các học sinh và gia đình học sinh theo quy định của pháp luật.

Còn theo luật sư Lại Xuân Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dù trong trường hợp hay nguyên nhân nào đi nữa thì nhà trường đều phải có trách nhiệm đối với những tai nạn này. Bởi những tai nạn xảy ra trong thời điểm mà nhà trường đang có trách nhiệm trông coi cũng như quản lý học sinh. Ở đây trách nhiệm của nhà trường chia thành hai trường hợp là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.

Về trách nhiệm dân sự, nhà trường phải thực hiện bồi thường những thiệt hại đã xảy ra cho các học sinh gặp tai nạn. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ về trường hợp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm tại Điều 590 hoặc trường hợp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm tại Điều 591.

Trường hợp sức khỏe bị xâm phạm thì nhà trường phải bồi thường các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất của người bị hại. Thứ hai là các khoản thu nhập bị mất, bị giảm sút của người bị hại. Thứ ba là chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị cùng các thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm thì áp dụng theo Điều 591 Bộ luật Dân sự thì phải bồi thường những khoản như Điều 590 cùng chi phí hợp lý cho việc mai táng, chi phí cho người mà người bị hại đang nuôi dưỡng và những thiệt hại khác do pháp luật quy định. Trường hợp này cũng đặt ra trách nhiệm hình sự, nhưng phải xem xét từng trường hợp cụ thể và nguyên nhân gây ra tai nạn xem có cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không, hay chỉ là tai nạn không may.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tai-nan-trong-truong-hoc-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-544279.html