Tai nạn trên... bàn ăn

Đôi khi câu chuyện vui trên bàn ăn có thể kết thúc bằng một chuyến đi đến... bệnh viện

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) ,trong dịp cuối năm thường hay xảy ra tình trạng dị ứng thức ăn, vì những buổi tiệc thường có các món ăn lạ. Có người chỉ bị ngứa ngáy, nổi mề đay trên tay chân chút ít nhưng cũng có trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như sốc phản vệ.

Những tai nạn khó ngờ

BV Tai Mũi Họng TP HCM vừa cấp cứu cho nữ bệnh nhân T. (62 tuổi). Bà T. vào viện với tình trạng ho dữ dội. Bà đã bị ho gần 2 năm nay, chữa nhiều nơi không khỏi, lần này tái phát đến mức không chịu nổi. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân nhớ ra 2 năm trước từng hóc xương khi ăn cháo gà, khạc không ra nhưng sau đó thấy êm nên quên luôn. Bà được yêu cầu nhập viện cấp cứu, BS lấy ra được một mảnh xương găm sâu vào một bên phế quản.

Mới đây, con trai 7 tuổi của chị Trần M.P (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) bỗng dưng ngã quỵ xuống đất từ bàn ăn, thở dốc, cố phun ra gì đó. "May là hàng xóm có anh làm điều dưỡng chạy qua xốc con tôi lên mấy cái, cháu phun ra viên bột từ món chè. Anh ấy nói chắc cháu vừa ăn vừa chơi nên viên bột lọt vào đường thở, suýt nữa thì ngạt" - chị P. cho biết.

Bệnh nhân bị dị vật găm vào phế quản vừa được Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM điều trị thành công

Bệnh nhân bị dị vật găm vào phế quản vừa được Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM điều trị thành công

Cách đây không lâu, BV Nhi Đồng Thành phố đã tiếp nhận một bé trai 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái, tri giác lơ mơ, nhịp tim tăng vọt... BS Nguyễn Minh Tiến cho biết nguyên nhân của cơn nguy kịch này sau đó được tìm ra là một mẩu xương lươn. Người mẹ bảo trước khi nhập viện 5 ngày có cho bé ăn cháo lươn. Mẩu xương đã đâm thủng thực quản, gây tổn thương đến khí quản. Sau khi phẫu thuật và hơn 1 tháng điều trị tích cực, cháu bé mới cai được máy thở.

Cần bình tĩnh xử lý

BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết việc nói cười, đùa giỡn, thậm chí cho trẻ nhỏ chạy chơi khi đang ăn rất dễ dẫn đến nguy cơ hóc dị vật vào đường thở. BS Vinh giải thích thêm: Khi chúng ta nuốt, nắp thanh môn đóng đường thở lại nhưng khi chúng ta cười, nói, nắp thanh môn mở ra. Vừa ăn vừa nói cười dẫn đến việc khi nuốt nắp thanh môn chưa kịp đóng, sẽ làm sặc thức ăn vào đường thở. Trẻ em, người lớn tuổi dễ hóc, sặc thức ăn nhất bởi trẻ nhỏ thì phản ứng đóng - mở nắp thanh môn của cơ thể chưa thuần thục, người già thì sự lão hóa khiến cơ chế này không còn chính xác.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, trẻ bị dị ứng thức ăn nếu chỉ bị nổi mề đay chút ít trên da thì không nên quá lo lắng nhưng cũng nên đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân dị ứng và kê toa thuốc nếu cần thiết. Việc xác định chính xác món bị dị ứng cũng giúp cha mẹ tránh đúng món, không phải kiêng khem quá đáng khiến bé bị thiếu chất. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ bị dị ứng thức ăn mà sưng tới mắt, môi, mặt, nôn ói, đau bụng dữ đội, mệt, ngất, khó thở... thì phải đưa đi cấp cứu ngay.

Trong trường hợp sặc, hóc thức ăn vào đường thở, BS Tiến khuyên điều đầu tiên là xem nạn nhân còn thở được hay không, nếu còn thở thì lập tức đưa đến bệnh viện. Nếu ngưng thở, khó thở nặng, lập tức thực hiện khai thông đường thở. Với trẻ 1-2 tuổi là "vỗ lưng, ấn ngực": đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái, đầu thấp, vỗ mạnh 4 cái vào lưng, rồi lật ngửa đặt sang tay phải, dùng 2 ngón tay ấn mạnh ở vùng nửa dưới xương ức 5 cái, lặp lại cho đến khi trẻ khóc lên là thành công.

Còn với trẻ lớn, người lớn còn tỉnh, cần ôm nạn nhân từ sau lưng, nắm chặt bàn tay thành quả đấm, tay còn lại chồng lên trên, ấn quả đấm 5 cái dứt khoát vào vùng thượng vị. Nếu đã bất tỉnh, đặt nạn nhân nằm ngửa và cũng dùng 2 bàn tay ấn mạnh thượng vị cho đến khi dị vật văng ra. Phương pháp này gọi là "heimlich", cần thực hiện song song với việc gọi cấp cứu.

Bài và ảnh: ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/tai-nan-tren-ban-an-20210118211947663.htm