Tai nạn tình ái: Chuyện của Phương

Tôi gặp Phương hôm rồi khi cùng vài người bạn đến chùa Đức Sơn, thành phố Huế để chụp ảnh tặng các bạn nhỏ đang được các ni sư nuôi dưỡng ở đây.

Hôm ấy, Phương theo anh chị đến lớp học vẽ. Các anh chị lớn thì học, Phương vì còn quá nhỏ, mới khoảng 2 tuổi, còn chưa biết nói nên chỉ ngồi chơi.

Phương có gương mặt xinh xắn, mặc chiếc váy sạch sẽ và được đóng chiếc bỉm màu hồng. Nước mũi Phương chảy liên tục vì vậy thi thoảng các anh chị lại dừng tay để lấy khăn lau cho bé.

Phương là con của một phụ nữ góa chồng. Khi Phương sinh ra, mẹ của Phương bị cả họ nội và ngoại ruồng rẫy, đến con gái lớn của người phụ nữ này cũng không chấp nhận việc mẹ chửa hoang.

Đau khổ vì bị phụ tình và bị tất cả người thân quay lưng, người đàn bà ấy bị trầm cảm nặng sau sinh. 7 tháng trước, Phương – đứa trẻ vô thừa nhận, được gửi vào chùa trong tình trạng chưa được làm giấy khai sinh.

Phương phải kiễng chân hết cỡ thì mới với được đến bảng mầu.

Phương phải kiễng chân hết cỡ thì mới với được đến bảng mầu.

Phương có vẻ thích thú xem họa sĩ Nguyễn An hướng dẫn anh chị lần đầu tiên được làm quen với màu acrylic. Lớp học trong khuôn khổ dự án Espelune của một nhóm học sinh cấp 3 với mong muốn mang nghệ thuật đến với trẻ em thiệt thòi.

Gần cuối buổi, Phương nhặt dưới đất một tờ giấy vẽ hỏng, bé lật mặt sau rồi đặt lên ghế và cầm cây cọ vẽ những nét vẽ đầu tiên trong đời. Con chỉ cao ngang mặt bàn, để lấy mầu, con phải kiêng chân hết cỡ thì mới với được đến bảng mầu. Lúc đầu, mầu đỏ là thứ duy nhất con với tới. Vì thế bức tranh là một màu đỏ đơn nhất.

Lớp học trong khuôn khổ dự án Espelune của một nhóm học sinh cấp 3 với mong muốn mang nghệ thuật đến với trẻ em thiệt thòi.

Phải đấy, Phương à, con đang rất may mắn vì được vào ngôi chùa đầy tình thương yêu này. Không như các nơi thờ tự khác, ngôi chùa dành phần lớn diện tích để xây các công trình sinh hoạt khang trang cho các con. Chùa còn có xe đưa đón các cháu đi học sau một lần có cháu bị tai nạn khi tự đi đến trường (dù phải 10 năm sau đó Thầy trụ trì mới trả hết nợ).

Thậm chí, mới đây chùa còn xây cả bể bơi cho các con học chỉ vì có một bé đi chơi bị đuối nước... Cơ sở khang trang thế này khiến chùa đôi lúc gặp khó khăn trong việc tiếp nhận sự trợ giúp của các nhà hảo tâm. Đa phần người ta thường nghĩ đến việc làm từ thiện là đáp ứng những nhu cầu cốt yếu nhất để đối tượng thụ hưởng có thể tồn tại.

Trong khi đó, 140 đứa trẻ trong chùa, không chỉ cần cơm ăn áo mặc mà còn cần được đóng học phí để đi học. Và điều các ni sư bận tâm nhất là làm sao để các con lớn lên không chỉ có một cuộc sống bình thường mà hơn cả là không mặc cảm hay oán hận khi biết mình chỉ là một tai-nạn-ái-tình và bị bỏ rơi.

Có một vài xê dịch, chiếc bảng mầu trên bàn gần tay với của Phương một chút. Và bức tranh có thêm màu sắc thứ hai – màu đen. Nhìn bàn tay non nớt chấm phá những vệt đen trên bức tranh, tôi thắt lòng nghĩ đến một ngày lớn hơn, em biết thân phận của mình…

Bức tranh chỉ có hai màu đỏ - đen như số phận hiện tại của của cô bé phụ thuộc vào sự may – rủi.

Như một sự ngẫu nhiên, bức tranh chỉ có hai màu đỏ - đen như số phận hiện tại của của cô bé phụ thuộc vào sự may – rủi, như cách ứng xử của những con người liên quan đến ngôi chùa này là thương yêu hay ghét bỏ.

Nếu như những số phận ở ngôi chùa phần lớn là từ những tai-nạn-tình-ái để rồi những đứa trẻ vô tội bị bỏ rơi thì cũng có những người như các ni cô và những người tử tế phát tâm bảo trợ về vật chất hay quan tâm đến đời sống tinh thần những đứa trẻ ấy như dự án Espelune của Trang Linh và bạn bè. Có những người đàn ông trốn tránh trách nhiệm làm cha thì cũng có những người đàn ông như họa sĩ Nguyễn An sẵn sàng đến chăm sóc và dạy vẽ miễn phí cho các con… Có sự hắt hủi, miệt thị từ người thân những người phụ nữ lầm lỡ thì cũng có sự cưu mang của các ni sư trong chùa và biết bao người xa lạ…

Sư cô Liên Bình buồn bã nói với tôi “nếu chiến tranh khiến các em mồ côi thì là một nhẽ, đằng này lại là những tai nạn tình yêu của thời hiện đại”. Nhưng tôi nghĩ đó là tai nạn tình ái thì đúng hơn, bởi nếu là tình yêu thật sự người ta sẽ biết thương yêu và có trách nhiệm với nhau cũng như có trách nhiệm với kết quả tình yêu – những đứa trẻ vô tội.

Định kiến hà khắc của xã hội và người thân đối với những bà mẹ bất đắc dĩ và kém may mắn cũng khiến tôi tự hỏi: Tai nạn tình yêu hay vấn nạn tình người?

Tôi từng may mắn chứng kiến các họa sĩ vẽ tranh, nhưng đây là lần tình cờ với một bức tranh khiến tôi cảm xúc nhất với một tác giả quá đỗi đặc biệt. Sau này nếu cô bé trở thành một họa sĩ, tôi mong được thấy những bức tranh đa sắc màu bởi bảng vẽ đâu chỉ có hai màu đỏ đen cũng như cuộc sống này đâu chỉ có những mệnh đề đối lập./.

Mỹ Trà/VOV5

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/tai-nan-tinh-ai-chuyen-cua-phuong-827659.vov