Tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Soi trách nhiệm hãng vận tải

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bình Thuận tước Giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với doanh nghiệp quản lý nhà xe Anh Trinh. Đồng thời, xác định và xử lý trách nhiệm của Công ty đối với vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận.

Thông tin mới nhất vụ tai nạn thảm khốc 8 người tử vong ở Bình Thuận, chiều ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn.

Đồng thời, tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có thời hạn đối với doanh nghiệp quản lý nhà xe Anh Trinh theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của doanh nghiệp quản lý nhà xe Anh Trinh; xác định và xử lý trách nhiệm của Công ty đối với vụ tai nạn nêu trên.

 Hiện trường vụ tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn.

Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông và Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, cấp cứu người bị nạn và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên. Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của nhà xe Anh Trinh trong vụ tai nạn trên ra sao?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ tai nạn trên là đặc biệt nghiêm trọng khi 8 người chết, 7 người bị thương. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, có phương án cấp cứu cho những người bị thương tích và hỗ trợ gia đình những nạn nhân thiệt mạng mai táng theo phong tục địa phương.

Đến thời điểm chiều 21/7, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được ai là người điều khiển chiếc xe khách nêu trên. Bởi vậy, ngoài việc lấy lời khai của người làm chứng, cơ quan chức năng cũng sẽ xác định chiếc xe đó do ai đứng tên chủ xe, của đơn vị kinh doanh vận tải nào để xác định người điều khiển chiếc xe đó có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông này hay không, có lỗi hay không đối với vụ tai nạn này.

Mời độc giả xem video hiện trường vụ tai nạn ở Bình Thuận:

Nguồn: Thanh Hải.

Trong trường hợp, người lái xe khách (người được giao nhiệm vụ lái chiếc xe này) không chết, đang bị thương tích, cấp cứu, còn người cầm vô lăng không đủ điều kiện để điều khiển chiếc xe chở khách 16 chỗ ngồi, có thể xem xét trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại điều 264 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, theo điều 264 về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nêu rõ:

“Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Làm chết người; ...”

Luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp người lái chiếc xe này là người đã tử vong trên vô lăng, không phát hiện trường hợp sai phạm khác sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự nhưng vẫn khởi tố vụ án để tiến hành hoạt động điều tra, xác minh làm rõ các tình tiết của vụ án. Trường hợp bị can duy nhất đã chết, không còn đồng phạm khác, không có người khác phạm tội khác thì sẽ đình chỉ vụ án.

Trường hợp người chết là người có lỗi gây thiệt mạng cho người khác, thương tích cho người khác mà để lại tài sản, người bị hại có quyền yêu cầu những người thừa kế của người có lỗi đó phải bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản mà người có lỗi đã chết để lại. Trong trường hợp đã thanh toán bồi thường thiệt hại cho tất cả những người bị hại rồi mà còn tài sản thì mới chia thừa kế.

Ngoài ra, trong trường hợp chiếc xe khách này là của pháp nhân thì pháp nhân sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng và các nạn nhân bị thương tích, bồi thường thiệt hại về tài sản đối với những tài sản bị mất, bị hư hỏng trong vụ việc này.

Luật sư Đặng Văn Cường.

“Để có căn cứ xem xét các trách nhiệm pháp lý về hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, cơ quan chức năng sẽ làm rõ chiếc xe này là của tổ chức, cá nhân nào, việc chở khách là theo hợp đồng hay là theo tuyến cố định, người được giao điều khiển phương tiện này là ai còn sống hay đã chết.

Ngoài ra, cũng sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn là do lỗi của phía xe tải hay lỗi của người lái xe khách. Trong trường hợp xác định người lái xe nào có lỗi và còn sống, người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 bộ luật hình sự. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có lỗi vì thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của các hành khách thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật” – luật sư Cường cho hay.

Nếu phát hiện trường hợp các tài xế sử dụng bằng giả, cố ý vi phạm giao thông hoặc sử dụng rượu bia, chất kích thích tại thời điểm lái xe thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật để giảm thiểu các tài nạn thảm khốc có thể xảy ra.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tai-nan-tham-khoc-o-binh-thuan-soi-trach-nhiem-hang-van-tai-1412363.html