Tai nạn ở Hải Dương: Tài xế lái xe có thể đối mặt với mức án nào?

Liên quan vụ tai nạn ở Hải Dương khi tài xế xe tải điều khiển phương tiện tông trúng đoàn cán bộ xã Kim Lương, dư luận đặt ra câu hỏi về hành vi vi phạm của tài xế sẽ phải chịu mức án nào và ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân?

Vụ tai nạn ở Hải Dương, xe tải đâm đoàn cán bộ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ trên Quốc lộ 5 khiến 8 người chết, 7 người bị thương đang thu hút đặc biệt sự quan tâm của dư luận khi những người đi bộ tham gia giao thông cũng khó tránh khỏi thảm cảnh là nạn nhân của TNGT. Đặc biệt là tài xế xe tải dương tính với ma túy đã không làm chủ được phương tiện gây nên vụ tai nạn càng khiến dư luận phẫn nộ.

Dư luận đặt ra câu hỏi, với hành vi gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tài xế sẽ bị xử lý ra sao và ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân?

Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội đã phân tích hành vi của tài xế dưới góc độ pháp lý.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, thời gian gần đây trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông để lại những hậu quả hết sức nặng nề trước mắt và lâu dài. Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong xã hội.

Hiện trường vụ tai nạn.

Nguyên nhân dẫn tới các tai nạn giao thông đa phần vẫn là do ý thức chấp hành luật GTĐB còn kém, coi thường tính mạng bản thân và người khác. Bên cạnh đó, tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy đang là thực tế diễn ra hiện nay. Nhiều vụ “xe điên” gây tai nạn kinh hoàng tước đi sinh mạng nhiều người khi tham gia giao thông đã gây rất bức xúc trong dư luận xã hội.

Vụ tai nạn thảm khốc giữa xe tải biển số 29C-719.53 do tài xế Lương Văn Tâm (28 tuổi, quê quán tại thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; đang ở trọ tại khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông, TP Hà Nội) đã đã đâm vào đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Lương, huyện Kim Thành đang đi bộ trên làn đường dành cho xe thô sơ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người chết và 7 người bị thương.

Luật sư Thơm nhận định, xét hành vi của lái xe thấy đã có lỗi vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:

+ Vi phạm Khoản 5 Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ

“Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

+ Vi phạm Khoản 7 Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

“Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy”.

+ Vi phạm Khoản 1 Điều 9 Luật GTĐB. Quy tắc chung

“Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ"

“Xét hành vi của Lương Văn Tâm điều khiển phương tiện xe tải biển số 29C-719.53 khi sử dụng chất ma túy, không đi đúng phần đường quy định gây hậu quả làm 08 người chết và 07 người bị thương đã cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 3 Điều 260 BLHS 2015”, Luật sư Thơm cho biết.

Trước câu hỏi về việc, đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Lương, huyện Kim Thành đang đi bộ trên làn đường dành cho xe thô sơ đường Quốc lộ 5 cũ có lỗi vi phạm?, Luật sư Thơm cho rằng, QL 5 cũ không có biển cấm người đi bộ. Do đó, người đi bộ được phép tham gia giao thông. Tuy nhiên, người đi bộ phải chấp hành đúng các quy định tại Điều 32 Luật GTĐB như phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

Cho ý kiến về việc ai là người chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân?, Luật sư Thơm cho biết, căn cứ điều 601 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe cho Công ty thì lái xe và chủ phương tiện phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.

Chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác, nếu có yêu cầu. Trường hợp không khởi kiện thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tai-nan-o-hai-duong-tai-xe-lai-xe-co-the-doi-mat-voi-muc-an-nao-1175603.html