Tai nạn lao động đừng để nối những nỗi đau dài

Thực tế từ các đơn vị, con số thống kê về số vụ tai nạn lao động có giảm mỗi năm, nhưng số vụ tai nạn lao động có số người thương vong nhiều lại tăng và ngày càng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2019 cả nước vẫn để xảy ra trên 8.100 vụ tai nạn lao động, làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 927 người chết. Thiệt hại từ tai nạn lao động lên tới 10.500 tỷ đồng…

Những vụ tai nạn lao động kinh hoàng

Nói đến các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ sập công trình ở Khu công nghiệp Giang Điền (tỉnh Đồng Nai) của Công ty AV Healthcare xảy ra vào chiều 14/5/2020 khiến 10 người thiệt mạng và 17 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn ở Công ty AV Healthcare (Ảnh: G.Đ)

Hiện trường vụ tai nạn ở Công ty AV Healthcare (Ảnh: G.Đ)

Cơ quan điều tra ngay sau đó đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng là Giám đốc Công ty TNHH Hà Hải Nga – đơn vị thi công, cùng 2 nhân viên công ty này. Những người này rồi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội lỗi họ gây ra, song nỗi đau của gia đình những người công nhân đã thiệt mạng thì vẫn còn đó, và còn cả những công nhân vì vụ tai nạn này mà mất đi khả năng lao động.

Tương tự, cách đây vài ngày, tại khu khai thác đá của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh tại bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 người tử vong tại chỗ và 1 người mất tích.Theo thông tin từ chính quyền địa phương, trong quá trình rải dây để nổ mìn phá đá tại công trường, mưa dông kèm theo sét đánh khiến mìn bị nổ, khối lượng lớn đá sạt xuống chôn vùi ba người. Trong đó, hai nạn nhân quê Ninh Bình và một người ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên).

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng của tỉnh Điện Biên đã tiếp cận, phong tỏa hiện trường để tiến hành công tác điều tra ban đầu và khẩn trương thực hiện việc tìm kiếm người bị nạn.Đến 19h15 cùng ngày, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể 2 nạn nhân trong tình trạng bị dập nát nhiều bộ phận trên cơ thể, còn một nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.Do đó, các cơ quan chức năng đã huy động máy xúc cùng nhân lực tiếp tục nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn lại trong điều kiện đêm tối…

Làm gì để an toàn hơn?

Nhiều vụ tai nạn lao động đã được điều tra, làm rõ nguyên nhân. Có những vụ nghiêm trọng chết người đã bị xử phạt nghiêm, thậm chí khởi tố người đứng đầu doanh nghiệp và những người liên quan. Nhưng chuyện này vẫn còn hiếm. Còn lại, vẫn chỉ bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, yêu cầu khắc phục hậu quả bằng việc bồi thường cho thân nhân người bị nạn... Do đó doanh nghiệp lơ là, thậm chí xem thường công tác bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn trong thi công, sản xuất.

Bước vào các nhà xưởng, công trường... đập vào mắt nhiều người vẫn là các khẩu hiệu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn”, hay “An toàn là trên hết”, “An toàn là hạnh phúc của bản thân mỗi người mỗi nhà”... Có khi khẩu hiệu này được doanh nghiệp làm logo và in hẳn trên các bộ quần áo, nón bảo hộ. Thế nhưng, chúng ta đã làm gì để an toàn hơn? Câu hỏi này, tiếc rằng, vẫn chưa rõ câu trả lời từ thực tế.

Hằng năm, các doanh nghiệp vẫn lập kế hoạch bảo hộ lao động, phương án đảm bảo an toàn lao động trong thi công, định kỳ doanh nghiệp vẫn tiến hành thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, người lao động theo quy định. Nhưng công tác huấn luyện ít nhiều cũng mang nặng tính hình thức, nội dung chương trình bị cắt xén, nặng về lý thuyết. Và, đáng lo hơn là thiếu giám sát chặt chẽ các khâu an toàn, người lao động (thậm chí các kỹ sư) còn thiếu ý thức về an toàn, chủ quan với hiểm họa. Đây là yếu tố dẫn đến thương vong cho nhiều người từ những lý do hoàn toàn có thể tránh được.

Chúng tôi đã được tiếp xúc với những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở đó, ai cũng am hiểu kiến thức về an toàn, chấp hành nghiêm ngặt nguyên tắc đảm bảo an toàn, mọi lúc mọi nơi. Ở đó, an toàn trong lao động sản xuất không chỉ là một câu khẩu hiệu hô hào suông mà là một tiêu chí cho mọi hành vi trong hoạt động sản xuất. Với họ, an toàn không chỉ vì bản thân mỗi một người lao động và gia đình họ mà còn là một giá trị, uy tín để làm nên thương hiệu của doanh nghiệp Nhật, cho xã hội, cho quốc gia.

Để đảm bảo an toàn, ngoài ý thức, hành vi con người, doanh nghiệp chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc, phương pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến,... nhằm làm giảm các nguy cơ rủi ro cho người lao động. Ở đó, chủ doanh nghiệp có những đãi ngộ xứng đáng cho những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp cũng như đưa ra các giải pháp, phương án giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn lao động. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng mạnh tay kỷ luật, thậm chí sa thải những người chủ quan, vi phạm an toàn lao động hoặc để xảy ra tai nạn cho người khác.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, không chỉ trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân mà bất kể lúc nào các địa phương, các ngành, các cấp cần phải đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Ông Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương, người lao động chung tay tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn vệ sinh lao động; tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro mất an toàn, nói không với các rủi ro mất an toàn; đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình. “Với trách nhiệm, tinh thần sáng tạo thì điều kiện lao động sẽ được cải thiện, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và dịch bệnh sẽ được kiềm chế và đẩy lùi”, ông Dung nói.

Công tác đảm bảo an toàn lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay thường đi ngược lại với các quy trình. Thay vì đầu tư chi phí phòng tai nạn, họ dùng chi phí để tìm cách thoái thác trách nhiệm, bồi thường để đổ trách nhiệm về phía người lao động, do yếu tố khách quan. Việc doanh nghiệp bồi thường cho thân nhân người lao động những khoản tiền sau tai nạn nghiêm trọng trong nhiều trường hợp cũng được coi như đã làm xong trách nhiệm, đã giải quyết hậu quả... Đây là việc chúng ta xuê xoa với nhau, từ những sai sót nhỏ thành nếp nghĩ, cách làm cẩu thả, xem thường kỷ luật an toàn trong lao động, xem nhẹ sức khỏe và cả tính mạng của mình và đồng nghiệp.

Người sử dụng lao động phải thực hiện những trách nhiệm gì?

Luật sư Nguyễn Thị Nga – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Điều 38 Luật An toàn – Vệ sinh lao động năm 2013, quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:Đầu tiên, kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Tiếp đó, thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng…

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tai-nan-lao-dong-dung-de-noi-nhung-noi-dau-dai-109017.html