Tai nạn giao thông tại Việt Nam giảm

Ngày 29-11, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức 'Hội nghị ATGT năm 2019'.

Đây là sự kiện thường niên nhằm công bố, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực ATGT và khả năng ứng dụng vào thực tế tại Việt Nam, đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Hội nghị lần này sẽ tập trung vào 8 chủ đề gồm quản lý ATGT đường bộ; hạ tầng và tổ chức giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người tham gia giao thông; ứng phó sau TNGT...

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị ATGT năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị ATGT năm 2019.

Hội nghị có nhiều bài báo cáo có giá trị học thuật và thực tiễn cao như bảo đảm ATGT trong vận hành đường sắt đô thị ở Hà Nội; ATGT trong bối cảnh toàn cầu; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống camera giám sát trong đảm bảo trật tự ATGT...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ATGT đang là vấn đề toàn cầu, thống kê mỗi năm trên thế giới có 1,5 triệu người chết, 50 triệu người bị ảnh hưởng do liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, thiệt hại vì TNGT chiếm 2,5% GDP toàn cầu (tương đương 1.500 tỷ USD). Nhằm kiềm chế TNGT, Liên hợp quốc đã ban hành nghị quyết và chương trình hành động trong đó đưa ra mục tiêu số người chết vì TNGT năm 2020 giảm 50% so với năm 2010.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, tình hình TNGT vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, bình quân mỗi ngày có 20 người chết và 50 người bị thương, tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, nồng độ cồn vẫn còn và không chấp hành luật Giao thông đường bộ, ứng dụng xử phạt nguội, giám sát điều hành giao thông còn kém… Bộ trưởng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, kinh nghiệm tổ chức quốc tế đưa ra khuyến cáo đề xuất; các giải pháp đảm bảo ATGT cho những người đi xe thô sơ, xe đạp; công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm tốt hơn như xử phạt nguội; vấn đề ùn tắc giao thông đô thị ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; ô nhiễm môi trường giảm phát khí thải của phương tiện; văn hóa giao thông vào các trường học, cơ quan…

* Cũng trong dịp này, Viện Cơ khí động lực (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức hội thảo “An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với phương tiện giao thông đường bộ”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, các vấn đề liên quan đến bảo đảm an toàn cho phương tiện, hạn chế tác động tiêu cực ra môi trường của phương tiện giao thông luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Gần đây, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong nhiều nguyên nhân tác động đến môi trường có nguyên nhân từ hoạt động của phương tiện cơ giới ở khu vực đô thị.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tai-nan-giao-thong-tai-viet-nam-giam-603864